Thị trường bất động sản 2012: Khôi phục niềm tin

Thị trường bất động sản 2012: Khôi phục niềm tin
TPO - Tăng trưởng kinh tế chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt là những yếu tố tác động tới thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2012.
Thị trường BĐS tiếp tục gặp khó
Thị trường BĐS tiếp tục gặp khó.

Dự báo trong ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thị trường nhà ở bán sẽ tiếp tục trầm lắng do niềm tin của người mua còn thấp.

Dự báo, xu hướng giảm giá BĐS sẽ còn tiếp diễn. Có những phân khúc hoặc khu vực mức giảm có thể xuống tiếp tới một vài chục phần trăm trong vòng 1-2 năm tới.

Không chỉ các nhà đầu tư lướt sóng phải bán tháo BĐS với giá rẻ, mà ngay cả các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng phải hạ giá bán, thậm chí phải bán lại dự án để thu hồi vốn nếu không muốn trở thành “con nợ” của ngân hàng.

Trao đổi với PV báo Tiền Phong về tình hình thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Lê Xuân Trường, Giám đốc điều hành trang web www.batdongsan.com.vn, cho biết: “Thị trường BĐS tại khu vực Hà Nội đang bước vào giai đoạn sàng lọc, điều chỉnh và nối gót thị trường BĐS TP.HCM cách đây 2-3 năm. Cho đến nay, thị trường BĐS TP.HCM vẫn chưa có dấu hiệu “đi lên”, đồng nghĩa với việc thị trường Hà Nội sẽ phải cần nhiều thời gian hơn mới có thể khởi sắc trở lại. Trong vòng 3 năm tới sẽ khó có hiện tượng “sốt nóng” như thường xảy ra ở những năm trước, nếu có thì chỉ có thể “sốt” cục bộ ở một số khu vực, các tỉnh lân cận nơi có giá nhà đất còn thấp”.

“Tuy nhiên, xét trên nhiều khía cạnh, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố để thúc đẩy sự phát triển như: Gia tăng dân số, mức độ đô thị hóa, thu nhập tăng và sự xuống cấp của các khu nhà ở cũ… Nhiều người ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn chưa có nhà ở, chủ yếu phải ở nhà thuê, mà nhà cho thuê đa số lại mang tính tạm bợ, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân. Trong khi đó, Việt Nam là nước có dân số trẻ, lượng cầu về nhà ở sẽ còn tiếp tục tăng mạnh” – ông Trường chia sẻ.

Vì vậy, trong trung và dài hạn, thị trường BĐS vẫn có nhiều tiềm năng phát triển tốt. Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư và người dân không nên quá bi quan. Mặc dù tín dụng thắt chặt khiến cung tiền giảm, nhưng xét về tổng quan thì lượng tiền tham gia vào thị trường BĐS hiện vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là tiền trong dân và vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ngoài ra, dù BĐS đang giảm giá ở hầu hết các khu vực và các phân khúc nhưng theo giới chuyên môn thì việc giảm giá BĐS hiện nay mới chỉ là giảm lãi của các doanh nghiệp, chủ đầu tư chứ chưa phải là thua lỗ. Đây vẫn là lĩnh vực sinh lợi nhuận tốt so với nhiều ngành kinh doanh khác, và chắc chắn sẽ còn thu hút nhiều nguồn vốn từ các nơi đổ về.

Tuy nhiên, với lượng lớn nhà tồn đọng giá cao như hiện nay, các nhà đầu tư, nhất là những người đoản vốn đang “ôm” BĐS cần phải giảm giá bán nhiều hơn nữa, thậm chí là rất thấp so với mặt bằng chung, thì mới mong bán được trong thời điểm này để cắt lỗ. Càng để lâu có thể họ sẽ càng bị lỗ nặng hơn trong bối cảnh giá BĐS vẫn đang lao dốc trong khi đó người mua thì có tâm lý chờ đợi.

2012 sẽ là năm tái cấu trúc thị trường BĐS, thị trường sẽ có diện mạo mới, nguồn cung phân khúc nhà cao cấp sẽ giảm và lượng nhà giá rẻ sẽ tăng lên. Dự báo tình hình giao dịch có thể sẽ được cải thiện, tính thanh khoản tăng lên ở phân khúc nhà giá trung bình. Đây sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư biết “nhìn xa trông rộng” và có khả năng tài chính ổn định.

Do đó, đối với người mua, giới chuyên môn khuyên rằng không nên giữ tâm lý chờ đợi lâu, tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện tài chính, cần biết lựa chọn và nắm bắt những cơ hội phù hợp, chưa chắc chờ đợi đã tốt bởi 3 lý do.

Thứ nhất là tình hình lạm phát có khả năng tiếp tục gia tăng, đồng tiền ngày càng mất giá. Thứ hai, hiện một số lượng lớn BĐS vẫn nằm trong tay của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, họ không chịu quá nhiều áp lực trong việc trả nợ ngân hàng nên vẫn quyết “ôm” BĐS chờ qua giai đoạn khó khăn này, chứ không chịu giảm giá bán. Thứ ba là tình hình thị trường BĐS vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường và luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ.

Một minh chứng dễ thấy nhất là trong năm 2008, thị trường BĐS đã bất ngờ “nổi sóng” sau một thời gian dài ảm đạm trước sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. Vấn đề lớn nhất của thị trường BĐS Việt Nam là tình trạng đầu cơ tràn lan khiến thị trường không hoạt động đúng theo quy luật cung cầu. Chưa biết tới khi nào mới có những biện pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng này và khi thị trường còn hoạt động không hoàn toàn theo quy luật cung cầu thì luôn có nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra.

“Việc giải cứu thị trường BĐS vào thời điểm này có thể chưa cần thiết, nhưng cần khôi phục lại tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư cũng như người dân để tránh những hậu quả to lớn từ sự đổ vỡ không đáng có của thị trường”, ông Trường cho biết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG