Thị trường bánh Trung thu: Vẫn nóng chuyện an toàn thực phẩm
Tất cả các thương hiệu bánh Trung thu đều tăng từ 10 - 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin đó vẫn không "nóng" bằng chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP). Đây vẫn là nỗi lo canh cánh của mỗi người tiêu dùng, mặc dù Luật An toàn Thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.
Ảnh: minh họa - Internet |
Nỗi lo có thật
Năm nay, do giá đầu vào tăng, nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu bên cạnh việc hạn chế tăng giá sản phẩm cũng tìm nhiều giải pháp cải tiến mẫu mã, mở rộng nhiều dòng sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị, doanh nghiệp làm ăn chân chính, bánh Trung thu rởm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng lại bùng phát.
Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Tổng cục Cảnh sát cho biết, mới đây C49 phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 và Đội CSĐT tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ quận Tây Hồ (Hà Nội) đã phát hiện và bắt giữ 50.000 quả trứng muối, 100 thùng (ước lượng khoảng 2 tấn), không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn, nhãn mác, phiếu kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ hàng khai nhận, số thực phẩm này được bán cho các cơ sở sản xuất để làm nhân bánh Trung thu. Đây chỉ là một số lượng nhỏ trong rất nhiều chuyến vận chuyển hàng lậu được phát hiện khi bánh Trung thu vào mùa. Theo C49, số lượng nhân bánh Trung thu "bẩn" được vận chuyển vào thị trường nội địa năm nay đã lên tới hàng trăm tấn.
Trong khi đó, tại chợ Hàng Buồm bày bán khá nhiều nhân bánh Trung thu làm sẵn với giá chỉ từ 45.000 - 55.000 đồng/kg. Mặt hàng này được đóng thành từng cây, mỗi cây 20kg sẵn sàng phục vụ cho các cơ sở chế biến, mối lái với số lượng lớn. Điều đáng lo là các loại nhân bánh làm sẵn này không ghi rõ xuất xứ, không hạn dùng và được đóng gói sơ sài. Còn tại nhiều nơi, những loại bánh nướng, bánh dẻo giá từ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, những chiếc bánh được nhập về từ những làng nghề không có tên cơ sở sản xuất và hạn sử dụng mà chỉ ghi chung là "bánh Trung thu" có vỏ hộp in lòe loẹt… vẫn được bày bán công khai.
Không chỉ có các loại bánh bình dân, mới đây nhất, trong đợt kiểm tra ATVSTP do đoàn thanh, kiểm tra liên ngành số 2 thực hiện trên địa bàn Hà Nội tại khách sạn Hilton Hà Nội đã phát hiện các nguyên liệu làm bánh Trung thu, chủ yếu là bột mì, nhân bánh, phụ gia tổng hợp, hương liệu của khách sạn này không rõ nguồn gốc, xuất xứ được nhập lậu từ Trung Quốc…
Lúng túng trong xử lý
Mặc dù Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực nhưng những bất cập, chồng chéo làm cho việc quản lý VSATTP lại càng khó khăn hơn. Nhìn vào thị trường bánh Trung thu năm nay cũng có thể thấy rõ điều này. Bởi một doanh nghiệp, đơn vị sản xuất bánh Trung thu, sẽ do 3 bộ quản lý. Bộ NN&PTNT quản lý nhân bánh (vì sử dụng các sản phẩm từ thịt, trứng, cây trồng). Bộ Công Thương quản lý phần vỏ bánh vì sản phẩm chế biến bột và tinh bột. Bộ Y tế quản lý phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Chưa hết, nếu khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra thì ngành y tế lại phải vào cuộc tìm nguyên nhân. Nếu phát hiện sản phẩm của một doanh nghiệp do nhiều bộ cùng quản lý thì ngành y tế sẽ báo cho các bộ biết để tiếp tục điều tra. Việc làm này vừa không đồng bộ, vừa kéo dài thời gian, lại khó mang lại hiệu quả.
Từ thực tế này, thị trường bánh Trung thu năm nay vẫn tồn tại việc nhiều cơ sở, doanh nghiệp làm ăn chân chính phải sử dụng nhiều biện pháp để tự bảo vệ mình. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp vẫn thực hiện việc tự công bố chất lượng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm bánh Trung thu của mình. Thậm chí, có doanh nghiệp lo trước giấy chứng nhận VSATTP mà nếu theo đúng các qui định của Luật An toàn thực phẩm đã không còn giá trị. Chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.
Theo Hải Lý - Thế Dương
Kinh tế & Đô thị