Thí sinh chọi chính mình

Thí sinh chọi chính mình
TP - Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, nhiều ngành học có tỷ lệ chọi dưới 1. Tuy nhiên, tỷ lệ này không có nghĩa thí sinh cứ thi là đỗ.

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ năm nay ở nhiều trường tăng hơn năm ngoái nhưng nhiều ngành học có số hồ sơ quá ít, không bằng chỉ tiêu của ngành. Những ngành này chắc chắn sẽ phải tuyển nguyện 2, nguyện 3 mới đủ chỉ tiêu…

Chưa thi đã tính tuyển NV 2

Với các ngành có tỷ lệ chọi dưới 1 (lượng hồ sơ ĐKDT ít hơn chỉ tiêu của ngành), thí sinh không phải lo “ăn thua” với nhau nhưng phải tự vượt qua chính mình. Ít nhất phải đạt điểm tổng 3 môn bằng hoặc cao hơn điểm sàn theo quy định của Bộ (sau khi đã tính điểm ưu tiên) mới có cơ hội đỗ. Dẫn đầu danh sách trường có nhiều ngành có tỷ lệ chọi dưới 1 là ĐH Văn hóa TPHCM với 8 chuyên ngành.

Mặc dù tổng hồ sơ năm nay của Trường ĐH Sư phạm TPHCM tăng khoảng 2.500 so với năm ngoái, song nhiều ngành hệ sự phạm có tỷ lệ chọi dưới 1, gồm: SP Song ngữ Nga - Anh, SP tiếng Pháp; ở hệ cử nhân cũng có nhiều ngành tỷ lệ chọi dưới 1: Ngôn ngữ Nga - Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Vật lý học; Văn học. Năm ngoái, các ngành này đều phải tuyển NV2. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có một ngành có lượng hồ sơ ít hơn chỉ tiêu là ngành Toán ứng dụng: 46 HS/50 CT. Ngành này năm ngoái điểm chuẩn NV1 và điểm sàn xét tuyển NV2 là 14 điểm.

“Thí sinh đừng vội mừng khi thấy tỷ lệ chọi quá thấp hoặc lo âu khi thấy ngành mình thi có tỷ lệ chọi quá cao. Quan trọng là ở điểm số 3 môn thi của các thí sinh”, ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM khuyến cáo.

Theo Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng, kỳ tuyển sinh năm nay, ĐH Đà Nẵng có khoảng gần 20 ngành học rơi vào nhóm tỷ lệ “chọi” dưới 1. Các mức “chọi” thấp khác (từ 1 đến 2) cũng chiếm trên chục ngành. TS Nguyễn Hoàng Việt – Trưởng ban Đào tạo nhận định: Tỷ lệ chọi phản ánh xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh.

Khối ngành kinh tế vẫn hút thí sinh, tập trung ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện tử, quản trị kinh doanh… do nhu cầu công việc cao; trong khi đó, các ngành khối C chiếm tỷ lệ nộp hồ sơ ít so với chỉ tiêu. Một số ngành dù được đánh giá đang có nhu cầu tuyển dụng cao, song có khá ít hồ sơ ĐKDT như các ngành ngoại ngữ: tiếng Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp…

TS Nguyễn Hoàng Việt cho hay, chênh lệch tỷ lệ chọi giữa các ngành, trường không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh và đào tạo của ĐH Đà Nẵng. Theo quy định của ĐH Đà Nẵng, hai trường thành viên ĐH Kinh tế và ĐH Bách khoa sẽ xét tuyển theo điểm chuẩn của trường. Thí sinh không đạt điểm chuẩn ngành nhưng đạt điểm chuẩn của trường có thể xin chuyển sang các ngành học khác đạt điểm chuẩn. Với các trường còn lại, thí sinh không đủ chỉ tiêu vào các ngành học có tỷ lệ chọi thấp vẫn tiếp tục được xét tuyển NV2, NV3. “Phương án cuối cùng là tạm đóng cửa một số ngành học nếu khó đạt chỉ tiêu” – ông Việt nói. Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010, ĐH Đà Nẵng phải đóng cửa 9 ngành học, tập trung ở trường ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế vì thiếu chỉ tiêu.

Không phải cứ thi là đỗ

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh trúng tuyển ĐH, CĐ phải có tổng điểm thi 3 môn bằng hoặc trên điểm sàn của Bộ và phải bằng hoặc trên điểm chuẩn của ngành theo quy định của từng trường. Do vậy, tỷ lệ chọi thấp không có nghĩa cứ thi là đỗ.

ThS. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết: Tỷ lệ chọi không ảnh hưởng đến việc các trường đưa ra điểm chuẩn theo ngành. Yếu tố quyết định điểm chuẩn là chất lượng bài làm, điểm số của thí sinh thi vào từng ngành.

Nếu lượng thí sinh thi vào ngành nào đó đông, điểm số cao thì điểm chuẩn sẽ cao. Nhưng nếu lượng thí sinh thi đông nhưng chất lượng bài làm thấp, tổng điểm 3 môn thi thấp, dưới sàn quá nhiều thì chưa chắc điểm chuẩn sẽ cao. Các trường sẽ căn cứ vào điểm thi của thí sinh, kết hợp với chỉ tiêu của ngành và đưa ra điểm chuẩn. Một số ngành sẽ xét tuyển NV2 để đủ chỉ tiêu và hút thêm thí sinh thi trượt ở các trường khác nhưng có điểm số cao.

“Do vậy, dù thí sinh thi vào ngành có tỷ lệ chọi rất thấp nhưng nếu điểm thi dưới sàn, hoặc dưới hơn điểm chuẩn của ngành đó thì đừng nghĩ đến chuyện trúng tuyển. Thí sinh trước hết là phải chọi với chính bản thân mình để có điểm thi thật cao”, ông Hoàng nói.

Qua nhiều mùa tuyển sinh cho thấy, ở những ngành học có số thí sinh dự thi ít hơn chỉ tiêu, điểm chuẩn của ngành thường bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT 0,5 điểm (trừ các ngành có môn thi nhân điểm hệ số). Những ngành này đều phải tiếp tục xét tuyển NV2, NV3.

ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết: Những năm gần đây, một số ngành của trường có tỷ lệ “chọi” dưới 1, điểm chuẩn chỉ ở mức điểm sàn và phải tuyển thêm NV2, NV3. Tuy nhiên, trường vẫn phải duy trì, bởi đây là những ngành học đặc thù, không thể không đào tạo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG