Ngày 4/9, thí sinh N.K.A ở Hải Dương bất ngờ nhận được điện thoại của trường ĐH mà em đăng ký nguyện vọng 2. Theo K.A, đại diện nhà trường thông báo em đã đăng ký nhầm tổ hợp xét tuyển vào trường.
K.A đăng ký mã ngành 7310601 (ngành Quốc tế học) với mã phương thức xét tuyển là 100 (phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT) nhưng mã tổ hợp lại là DT1, trong khi lẽ ra K. A phải chọn mã tổ hợp là D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh).
Vì tổ hợp DT1 là xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, dùng cho phương thức xét tuyển riêng của trường, không dùng cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp. Phương thức xét tuyển riêng trường đã xét tuyển xong từ trước khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, K.A không lo lắng vì em đăng ký 10 nguyện vọng, và chỉ bị sai ở nguyện vọng 2, em vẫn còn 9 cơ hội ở các nguyện vọng còn lại.
Không được may mắn như K.A, thí sinh V.K.N, học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), đã gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nhờ giúp đỡ vì đã đăng ký nhầm phương thức xét tuyển trên hệ thống của Bộ.
Trong đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bằng đường bưu điện và email, V.K.N cho biết trong thời gian quy định, em đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh ĐH. Dự kiến phương thức xét tuyển đúng là điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS (với mã phương thức xét tuyển 409). Tuy nhiên, khi thao tác trên máy tính, V.K.N đã chọn nhầm thành phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế IELTS (với mã phương thức xét tuyển 410) vào Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia TPHCM với 3 nguyện vọng.
Tuy nhiên, phương thức xét tuyển 410 của Trường ĐH Công nghệ đã kết thúc xét tuyển vào tháng 7. Sự nhầm lẫn này đồng nghĩa với việc V.K.N không được công nhận xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT kèm chứng chỉ IELTS được nữa và trở thành thí sinh ảo.
V.K.N thông tin thêm trong giai đoạn kiểm tra lại nguyện vọng vào ngày 23/8, em lại đang bị mắc COVID-19, cảm sốt rất nặng, phải tự điều trị và cách ly ở nhà ông bà nội. Tại đây không có phương tiện truy cập mạng để kiểm tra lại thông tin đã đăng ký, nên K.N chỉ xác nhận với Bộ GD&ĐT bởi tin nhắn, vì nghĩ đã đăng ký đúng phương thức xét tuyển. Đến ngày 29/8, K.N thực hiện nộp lệ phí xét tuyển mới biết phương thức xét tuyển mình không hợp lệ.
V.K.N cũng thắc mắc là sao vẫn còn thông tin những phương thức đã xét tuyển xong trên hệ thống để thí sinh này vẫn nhầm lẫn khi vào chọn, để giờ đây, mặc dù đã hoàn thành chương trình THPT nhưng K.N chỉ là một thí sinh ảo, không được xét các thủ tục tiếp theo để bước vào ĐH.
Được biết V.K.N đã gửi thư cầu cứu tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Vụ Giáo dục ĐH 2 lần nhưng vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Một thí sinh ở Đà Nẵng, cũng cho biết mình đăng ký nhầm từ phương thức xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo thành ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo. Hiện tại, thí sinh này cũng không biết làm sao vì liên hệ thì trường ĐH nói rằng không thể can thiệp được vấn đề này.
Tại ai?
Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định tất cả TS dù đăng ký phương thức xét tuyển nào cũng phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Các phương thức xét tuyển khác nhau sẽ được quy định theo mã số khác nhau. Đây là lý do khiến nhiều thí sinh đăng ký nhầm mã số dẫn đến nhầm phương thức xét tuyển.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã kéo dài thời gian chỉnh sửa đến ngày 23/8 sau 1 tháng cho phép đăng ký và chỉnh sửa nguyện vọng trước đó để thí sinh có thể chỉnh sửa các nhầm lẫn (nếu có). Tuy nhiên, điều này vẫn không thể loại trừ một số thí sinh vẫn bị nhầm lẫn vì không kiểm tra lại thông tin đăng ký xét tuyển kỹ lưỡng. Nên có thể nói, lỗi đầu tiên cho việc nhầm lẫn này thuộc về bản thân thí sinh.
Về phía khách quan, có thể thấy, lỗi này cũng có phần trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. So với mọi năm, thí sinh năm nay đăng ký xét tuyển ĐH gặp 2 khó khăn rất lớn.
Thứ nhất, thời điểm đăng ký nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển thí sinh đã không còn là học sinh của các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên nên sự hỗ trợ của các cơ sở này rất hạn chế. Thí sinh phải tự tìm hiểu và thực hiện là chính.
Thứ hai, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các thí sinh phải thực hiện tất cả các quy trình liên quan đến đăng ký, xét tuyển bằng hình thức trực tuyến và không phải thí sinh nào cũng đủ điều kiện để thực hiện việc này, đặc biệt là với khâu thanh toán lệ phí đăng ký xét tuyển.
Điều quan trọng nhất để khẳng định Bộ GD&ĐT có một phần trách nhiệm ở đây chính là lỗi từ Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải đưa tất cả các phương thức xét tuyển lên hệ thống để lọc ảo. Nhưng khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, phần mềm của Bộ không có chức năng khoá các phương thức đã được các trường xét tuyển trước đó. Hơn nữa, ở mỗi mã phương thức xét tuyển, phần mềm không xác định được các mã tổ hợp tương ứng. Chính vì vậy nên thí sinh đăng ký nguyện vọng có sự nhầm lẫn đáng tiếc như trên.
Một trường ĐH cho biết, với phương thức xét tuyển riêng, nhà trường đã đưa danh sách trên 1.800 thí sinh trúng tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Nhưng ngày 4/9, khi nhận lại dữ liệu, Trường tá hoả khi thấy tự nhiên dôi ra hơn 400 thí sinh cho phương thức này. Sau khi tìm hiểu mới biết những thí sinh này trước đó không tham gia xét tuyển các phương thức riêng của trường. Nhưng khi đăng ký nguyện vọng, do hệ thống mở nên thí sinh nghĩ vẫn được đăng ký tham gia xét tuyển nên đăng ký nguyện vọng. Như vậy, những thí sinh này trở thành thí sinh ảo.
Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay đã hết thời gian thí sinh điều chỉnh thông tin và đang tiến hành lọc ảo trên hệ thống. Vì vậy, với các trường hợp phản ánh cụ thể, phải chờ cả hệ thống chạy hoàn tất mới có thể xem xét giải quyết. Bộ vẫn tiến hành tiếp nhận thông tin của thí sinh. Các trường ĐH cũng sẽ tiếp nhận thông tin của thí sinh phản ánh. Sau đó, Bộ sẽ thống nhất cùng các trường để có hướng xử lý cho phù hợp.