Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch |
Ấy là tôi đang kể chuyện thật chứ không phải thuật quảng cáo của mấy thầy luyện yoga.
Từ trước Tết Đinh Hợi mấy tháng đến nay, Thạch bắt đầu chuyển qua ăn chay và đi bộ. Không phải đi bộ thể dục mấy cây số buổi sáng để luyện gân cốt, chống béo phì, mà lấy đôi chân mình làm phương tiện di chuyển trên đường hàng ngày hẳn hoi. Nghĩa là đi làm, đi họp, đi chơi…tất tật, Thạch đều cuốc bộ.
Không phải ăn chay ngày rằm, cuối tháng để “nhớ Phật” như mấy người “tu tại gia” ở Huế, mà trường chay như mấy thầy sư chùa. Tôi thấy nhà thơ nào cũng ngất ngất rượu suốt ngày, họ bảo “thơ là lời của tửu thần”. Thạch không rượu, không nhậu, vẫn cứ thơ, mà thơ hút hồn người ta hẳn hoi, thế mới lạ.
Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn rằng cái tên cha mẹ đặt cho mỗi người từ nhỏ quyết không phải là ngẫu nhiên, mà có quan hệ gì đó rất mật thiết, thậm chí cái tên thể hiện bản tính con người. Vì tên là Thạch nên rất lì và quá kiệm lời. Tôi đã từng ngồi với Nguyễn Khắc Thạch bên chai rượu Chuồn người đẹp Huế gửi tặng, suốt một đêm ròng ở bờ đá Cửa Tùng hồi chúng tôi mới hơn ba chục tuổi. Đang trẻ mà Thạch đã như ông cụ, im lặng không nói gì. Thạch ngồi như đá nên tôi cũng “tắt tiếng” luôn. Nguyễn Khắc Thạch ít lời như thế, nhưng lại rất quyết đoán, quyết liệt. Định làm cái gì là làm cho bằng được...
Tốt nghiệp trường Kinh tế Kế hoạch ra, làm việc ở Ủy ban kế hoạch tỉnh, nhưng lại mê thơ ca, âm nhạc. Đang yên việc lại lặng lẽ xin chuyển sang Trường Quốc gia âm nhạc Huế làm “tạp vụ”, cốt để học nhạc. Sau đó lại xin qua Nhà xuất bản Thuận Hóa làm biên tập để được đọc nhiều thơ văn hơn, mặc dù ở đó “đói hơn”. Rồi lần sang làm hành chính ở Hội Văn nghệ và đi học viết văn. Cuối cùng, đến tuổi “tri thiên mệnh” Thạch mới chịu đứng chân lâu dài với Tạp chí Sông Hương…
Qua những chuyến “di cư” lặng thầm đó, chặng cuối của cuộc hành trình tìm kiếm, Thạch đã tìm ra cái của mình: THƠ! Anh cứ đi như chiếc bóng giữa trời/Mong tìm được những gì không mất... Cái “không mất” đó là thứ mà ngườì đời ít ai chuộng. Sao cứ phải là thơ để dằn vặt suốt đời, nghèo túng suốt đời?
Thơ với Nguyễn Khắc Thạch cũng là một cuộc tìm kiếm gian lao, bền bỉ, là sự chiêm cảm của một số phận từng trải nhiều cung bậc cuộc sống. 40 tuổi mới có tập thơ đầu tay mỏng mảnh “Dòng sông một bờ”, in lụa 300 cuốn tặng bạn bè.
Sắp lục tuần rồi, Thạch mới có ba tập thơ. Các tập thơ Nơi ta sẽ về, Mưa hai mặt cũng chỉ ba chục bài. Thơ Thạch bài nào cũng ngắn, rất ngắn. Chỉ ba tập thơ mỏng, Nguyễn Khắc Thạch đã trình diện với đời bản ngã thơ của mình, và anh đã nhanh chóng chiếm được chỗ đứng trên thi đàn. Mở mặt chào cơm áo/Ôm lòng buốt ngọc châu/Mắt chiều vô tôn giáo/ Nhắm linh hồn vào đâu? (Tứ thơ). Rồi: “Ai chết mùa thu/ Cây lá chịu tang vàng”, “Mùa thu ơi/Ta nhớ đến cằn khô đáy mắt/Mùa thu còn trở lại/Năm tháng đời người thì mãi mãi ra đi...” Thì ra, Nguyễn Khắc Thạch đang lặng lẽ nhận vào mình những nỗi đau nhân thế, để rung lên khắc khoải lặng thầm. Ấy là thơ để mà ngẫm, để mà ám ảnh. Đó là cái không thể mất, cái đã được “giác ngộ” chăng?
Đối với Thạch, mỗi bài thơ là một cuộc đào bới, lặn tìm chữ... Anh làm thơ như người đi bộ từng bước chậm rãi, hoặc như người “làm nghề khắc đá” (chữ của Nguyễn Trọng Tạo), cứ đục tạo dáng từng con chữ, mồ hôi mồ kê khó nhọc. Tôi đã nhiều lần được mục kích bản nháp thơ của Thạch. Ngoài Thạch ra không ai đọc được. Cả trang giấy gạch xoá, móc nối, sửa chữa nhem nhuốc. Gạch xoá đến rách cả giấy vẫn chưa tìm thấy chữ ưng ý. Đúng là lao động thơ. Vất vả mấy ngày để có được một bài thơ mấy câu. Ví như bài thơ có tên là Thiền, chỉ có 5 câu và 15 chữ: Bên thềm hoang/Thiếu phụ/Thoát y nằm/Ngọn nến cháy/Sau vầng trăng khuyết. Thơ ấy đọc lên nghe nổi da gà như thơ Haiku Nhật Bản. Cô đọng, dồn nén để bật lên cái đẹp bất ngờ đến lạnh người.
Không phải năm 2007 này Thạch mới ăn chay. Hơn chục năm trước Thạch đã tập ăn chay mấy đợt dài. Bát cơm, cọng rau muống luộc chấm xì dầu, quả cà pháo, miếng đậu phụ... cũng ngon lành... Hình như mỗi khi có chuyện gì đó bức xúc, chấn động trong tâm, Thạch lại chuyển từ mặn sang chay. Từ trai kỳ (nhị trai, tứ trai- tức ăn chay hai ngày, bốn ngày một...) đến trường trai là một sự thoát, tức là chay đã thành nghiệp rồi. Có ba cung bậc chay: ăn chay để chữa bệnh (y thuật), ăn chay cho đằm tính lại, ăn chay để hướng thiện (tâm lý) và ăn chay vì con người đã ngộ ra mình trong đời sống tâm linh thăm thẳm. Đó là bản tính không có gì có thể thay đổi được.
Một lần, đang giữa tuần chay, Nguyễn Khắc Thạch bảo với tôi: “Nếu không có gia đình thì mình chẳng phải nấu nướng gì cả. Nhai gạo sống, rau sống càng tốt hơn. Nhà chùa chế biến các món chay mà lại gọi tên theo món mặn như “thịt phay”, “đùi gà”, “chả giò”… là chưa thật chay trong tâm tưởng. Còn chị Bích Thuỷ (vợ nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch ) lại cứ xuýt tôi: “Bảo anh Thạch ăn mặn đi. Bảo anh Thạch ăn mặn đi!”. Có lẽ người ăn chay thiếu mạnh mẽ chăng? Dạo đó gia đình Thạch ở tận tầng 5, tầng trên cùng của khu tập thể Đống Đa (Huế).
Ăn chay, ngồi thiền, nhưng lại nghĩ chuyện đời và huyễn mộng đến cõi tự do:... là tôi đã sống như người mơ mộng/Treo cả cuộc đời lên đỉnh cao/Cái đỉnh cao mà tôi có thật/Là không có ai/Ngồi đứng/Trên đầu…Sự khát khao tự do đó là cái chất “keo” của thơ, làm cho có sức nặng trí tuệ để lặn sâu vào lòng người. Thơ Thạch buồn, nhưng đó là nỗi buồn được ý thức. Nghĩa là nỗi buồn kết tủa: Khoảng cô đơn còn rộng hơn mặt đất... Hay Đôi khi ta muốn làm kiếp chó - Tru lên cho đỡ vắng người ơi!
Nhưng ăn chay cũng rắc rối cho mọi người lắm. Có cuộc tiệc người ta đã dọn sẵn món mặn. Khi Nguyễn Khắc Thạch xuất hiện, nhà bếp lại đi làm mấy đĩa chay như đậu phụ rán, khoai tây chiên bưng lên. Lại phải chờ. Có khi phải ra phố mua, vì trong bếp không sẵn nguyên liệu chay. Bởi phiền, nên Thạch ít khi đi dự tiệc tùng bạn bè hay cơ quan mời. Năm ấy, Thạch phải vào bệnh viện mổ sỏi thận. Viên sỏi to bằng hạt mít. Mổ mất nhiều máu, thế là phải ăn mặn trở lại. Chuyến này thì Thạch trường chay thật. Thạch bảo: “Mình đi bộ, ăn trường chay, điện thoại di động cũng muốn bỏ nốt, vì nó phiền toái và trần tục quá. Nhưng anh em cơ quan phản đối vì có gì đột xuất không gọi được”.
Thạch lặng lẽ ít tiếng thế mà thật lắm cô gái theo mê mẩn. Chị Thủy, vợ nhà thơ bây giờ thời trẻ là một cô văn công bộ đội Biên phòng Quảng Bình xinh đẹp, hoa khôi của đoàn cũng đã “đổ” sau mấy lần gặp “Đá”. Hình như ở “hắn” có cái chất gì đó mê dụ đàn bà. Có lần Thạch nằm viện Trung ương Huế, có tới hai người phụ nữ bới cháo cơm bồi dưỡng vào một lúc. Thời học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, có cô người Hà Nội gốc Nam Bộ yêu say đắm. Yêu cuồng đến độ Thạch phải trốn ra ở nhờ nhà thơ Phùng Quán bên Hồ Tây. Thế mà cô ấy vẫn lần tìm ra.
Chị Vũ Bội Trâm, vợ anh Phùng Quán kể, bữa cô ấy đi xe máy ập đến, hớt hơ hớt hải, Thạch thì có việc đã lên tàu vô Huế từ sớm, thế là cô ấy ôm lấy chị Trâm mà khóc nấc lên, rồi đột nhiên cắn mạnh vào vai chị Trâm đến rớm máu. Đúng là điên rồi. Cứ như là chị Trâm là tội đồ gây ra sự xa cách ấy. Sau những mối tình như thế, Thạch lại ăn chay và trút nỗi khắc khoải vào thơ: Có một dòng sông mang tên em/dòng sông anh tự đặt/xin mùa thu chiếc lá làm thuyền/Có một dòng sông trôi vào lãng quên/nước trong như nước mắt/điều chưa đến mà sao thấy mất/Có một dòng sông chỉ có một bờ/phía bờ kia quay mặt/dòng sông anh không qua được bao giờ… (Dòng sông một bờ). Rồi lại không dừng được: Phải riêng gì ngọn sóng/Biết nửa vời tan vỡ vẫn dâng lên…
Tạp chí Sông Hương là tờ báo Văn nghệ cấp tỉnh, nhưng lại được độc giả trí thức văn nghệ sĩ cả nước đón đọc. Nguyễn Khắc Thạch hơn 6 năm nay làm tổng biên tập, để giữ “thương hiệu” cho Sông Hương, anh phải tự nâng tầm tư tưởng, học vấn mình lên nhiều lắm… Để được thế, nhiều khi Tổng biên tập phải tự lo bài vở gần như từ A đến Z.
Nhiều khi bài vở quá “nóng”, lại có ý kiến quở trách căng thẳng hay phê bình gay gắt. Nhiều lần tưởng không trụ nổi. Thế mà “hắn” cứ đi bộ thủng thẳng. Đi lúc cúc 25 phút từ nhà cuối đường An Lăng đến cơ quan. Khi vội thì đi nhanh hơn, khoảng 20 phút. Vừa đi vừa nghĩ việc, nghĩ thơ. Trưa thì nhai ổ mì với muối, hoặc ra phố ăn bát bún chay. Chiều lại cuốc bộ về nhà.
Thạch bảo, đi bộ khoẻ người. Tất cả các thứ bệnh huyết áp, khớp khiệc đều bay hết. Thạch không chỉ đi bộ ở Huế, mà cả khi vào Sài Gòn, ra Hà Nội họp hành, “hắn” đều tồng tộc cuốc bộ . Mấy lần trước ra Hà Nội đều đi taxi, vừa tốn tiền, có khi lại bị kẹt xe, trễ tàu. Bây giờ thì cứ cuộc bộ, muốn đến đâu cũng tiện. Ăn trường chay, từ chối rượu bia, đi chân đất - có lẽ đã đến lúc thành “mốt” rồi cũng nên? Nguyễn Trọng Tạo vô Huế chuyến sau Tết Đinh Hợi rồi, mặt buồn thiu vì bày uýt-ky ra mà không ai nâng ly cùng. Thạch thì chay tịnh từ lâu. Hoàng Phủ Ngọc Tường gần 10 năm kiêng rượu. Ngô Minh cũng đang ăn chay vì bệnh, chỉ chạm ly rồi “xin được ngồi nhìn anh Tạo uống”. Ôi, đã đến lúc “tu” rồi, “ngộ” ra rồi ! Phật bảo, người tu “đạt đạo”, tu thành “chánh quả” là con người không còn bị ràng buộc bởi bất cứ ham muốn nhục dục nào nơi trần thế. Lúc đó con người sẽ như con chim vút bay trên trời rộng, như con cá dưới biển sâu, tự do như mây bay gió thổi…Đó là sự giải thoát!
Có thể có người nghĩ rằng Thạch sống “lập dị” thế để gây tiếng vang. Tôi nghĩ bản tính Thạch không phải như thế. Thạch lặng lẽ sống, lặng lẽ nghĩ suy, không thích xuất hiện nơi đông người, không thích đăng đàn diễn thuyết, thì tiếng tăm để làm gì. Có lẽ chuyến trường chay, cuốc bộ này của Thạch sẽ đạt đạo đây. Chàng quyết tâm lắm. Nhưng biết đâu đấy, khi nàng thơ xuất hiện.
em nói lời có đáy
bên dòng sông suy tưởng
tôi như gã tín đồ bị rút
phép thông công…
Rồi tất cả lại bắt đầu lại từ đầu, biết đâu đấy...
Huế, 3/2007