Theo Indy100 ngày 8/2, cuốn sách giáo khoa môn khoa học ở Ấn Độ có đoạn: "Sinh vật sống cần không khí để thở. Không sinh vật nào có thể sống thiếu không khí nhiều hơn vài phút".
Điều này không có gì tranh cãi. Tuy nhiên, đoạn văn sau đó khiến nhiều người sửng sốt: "Bạn có thể làm một thí nghiệm. Lấy hai hộp gỗ. Tạo các lỗ trên nắp của một hộp. Cho vào mỗi hộp một con mèo nhỏ. Đóng cả hai hộp. Sau một thời gian, mở chúng ra. Bạn nhìn thấy gì? Con mèo trong hộp không có lỗ đã chết".
Nội dung này nằm trong cuốn "Our Green World" (Thế giới màu xanh của chúng ta) của nhà xuất bản PP, sử dụng trong các trường phía bắc Ấn Độ, dành cho học sinh từ 9 đến 10 tuổi. PP đã ngừng phân phối cuốn sách này từ cuối năm 2016.
Tuy nhiên, cuốn sách này vẫn còn trong các lớp học. Liên đoàn các tổ chức bảo vệ động vật Ấn Độ (FIAPO) gần đây nhận được ngày càng nhiều khiếu nại liên quan đến việc này.
Parvesh Gupte, phát ngôn viên của PP trả lời India News: "Vài tháng trước, một phụ huynh đã gọi cho chúng tôi và yêu cầu loại bỏ đoạn văn từ cuốn sách vì nó có hại cho trẻ em. Chúng tôi sẽ phát hành cuốn sách được sửa đổi vào năm tới".
FIAPO xác nhận nhà xuất bản hứa sẽ đưa ra một phiên bản mới của cuốn sách, không có nội dung về thí nghiệm giết mèo vào năm 2018.
Đây không phải lần duy nhất nội dung trong sách giáo khoa Ấn Độ gây phẫn nộ. Năm 2016, dư luận dậy sóng vì một cuốn sách giáo khoa về khoa học xã hội ở bang Maharashtra có một đoạn văn nói rằng gia đình chú rể có thể đòi hỏi cao về hồi môn nếu cô gái xấu xí hoặc tật nguyền.