Cuộc thi hôn tại Đà Lạt (2008) do Thành Đoàn phối hợp tổ chức. |
Ông Vinh cũng nói một lý do nữa là Bộ VHTTDL chưa có quy chế tổ chức cuộc thi hôn. “Sau khi một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về cuộc thi hôn này (dù chưa được cấp phép), chúng tôi nhận thấy dư luận phản đối kịch liệt. Đơn vị nào tuyên bố về cuộc thi phải chịu trách nhiệm trước thông tin đã đưa ra” - Ông Vinh nói. Ông cũng nói hoàn toàn không biết gì về những cuộc thi hôn do địa phương khác từng tổ chức.
Thượng tá Vũ Việt Thắng - Phó Trưởng phòng Bảo vệ An ninh Nội bộ (PA83), Công an Hải Phòng nhận xét, không cấp phép cho cuộc thi hôn là hoàn toàn đúng đắn vì thời điểm hiện nay, một hoạt động như thế ở VN là chưa phù hợp lắm với thuần phong mỹ tục, thậm chí tổ chức đông người hôn ở nơi công cộng còn có thể gây phản cảm...
Các bạn trẻ đăng ký dự thi hôn tại Hải Phòng trong đồng phục của nhà tổ chức . |
Trưa 12-2, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Truyền thông Thương hiệu Vàng Đỗ Minh Phương không bình luận gì về việc Sở VHTTDL Hải Phòng từ chối cấp phép, nhưng cho biết việc này đã làm mất nhiều công sức và gây thất vọng, hụt hẫng cho CBNV công ty do đã chuẩn bị khá công phu...
Ông Đỗ Minh Phương nói: “Với công tác tổ chức tốt, đây sẽ là một hoạt động văn hóa bổ ích, văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Chúng tôi làm rất cẩn thận. Các đôi tham gia phải kí cam kết không làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, pháp luật... Để cuộc vui chung đạt kết quả cao, chúng tôi chuẩn bị cho các đôi tham gia áo đồng phục. Mọi người nhiệt tình đón nhận thì chúng tôi mới dám tổ chức chứ. Bằng chứng cho thấy rất nhiều người ủng hộ nhiệt thành cuộc thi này vì có đến hơn 100 đôi đăng kí tham gia làm chúng tôi phải từ chối bớt để đảm bảo cuộc thi diễn ra tốt đẹp, không quá tải.
Các đôi đăng kí tham gia thanh niên có, nhiều tuổi có, làm nhiều nghề nghiệp khác nhau và họ đến từ nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Lạng Sơn, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa... Họ đều rất hào hứng”. Hỏi: “Sao khi chưa có giấy phép, công ty đã tiến hành tổ chức làm?” ông Phương đáp: “Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này”.
Người dự thi hôn tại Hải Phòng phải ký bản cam kết này. |
Bạn Nguyễn Thu Huyền (21 tuổi, SV trường Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng) cho biết cũng nghe thông tin có cuộc thi hôn tổ chức ở sân Cung VHLĐ Việt Tiệp nên háo hức chờ xem. “Thi hôn ở nước ngoài thì bình thường, còn ở Việt Nam ta thì hơi lạ nhưng cũng hay. Tuy nhiên, em chỉ đi xem thôi chứ không dám đăng kí thi vì ngượng” (cười).
Cặp đôi sinh viên của một trường đại học ở Hải Phòng là Cường và Nhung đăng kí tham gia cuộc thi. Nhung nói, lí do bạn tham gia vì đây là cuộc vui đầy ý nghĩa nhân Ngày Valentine và cũng muốn có một kỉ niệm sâu sắc, ấn tượng.
Theo nội quy, cuộc thi hoàn toàn lành mạnh, vui tươi có nhiều người tham dự nên Nhung không đắn đo gì khi tham gia. Nhung cho biết, cô rất tiếc nuối vì mất đi một kỉ niệm lãng mạn với bạn trai, và nếu có cuộc thi hôn khác, cô sẽ tham gia ngay. “Giới trẻ chúng mình hiện nay nghĩ khác, bây giờ giao lưu văn hóa các nước nên mình học một số nét văn minh nước ngoài cũng tốt chứ sao. Mình thấy cuộc thi là nơi tuổi trẻ vui chơi lành mạnh, giao lưu và để lại một kỉ niệm rất sâu sắc trong tình yêu mà nó sẽ theo suốt cuộc đời”.
Chuyên gia tâm lý -Thạc sĩ Đinh Đoàn: Thi tè bậy hay tình dục mới đáng lên án
Theo tôi, lễ hội hôn hay một cuộc thi hôn nhằm tạo gắn kết, vui vẻ cho nhiều người. Giới trẻ hiện nay đang thiếu trầm trọng những sân chơi tập thể, vì thế tôi cho rằng nghĩ ra cuộc thi này là một sáng kiến. Chúng ta đừng vội nghĩ đến thuần phong mỹ tục và quy kết này nọ. Hôn là hành động biểu lộ tình cảm có văn hóa thì không có gì xấu để phản đối. Nếu là thi tè bậy hay tình dục thì mới đáng lên án. Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, văn hóa mở, sẵn sàng tiếp thu những cái gì hay, cái gì làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Chúng ta từng phê phán màn trình diễn áo tắm trong các cuộc thi người đẹp nhưng rồi cũng chấp nhận và đến nay thì hầu hết chúng ta đều thấy nó đẹp. Cuộc thi hôn, lễ hội hôn từng được tổ chức ở Việt Nam và được đông đảo người trẻ đón nhận. Đơn giản vì họ thấy điều đó vui, thú vị, có ý nghĩa gắn kết số đông. Vì vậy, xét về mặt thẩm mỹ, đạo đức hay giá trị truyền thống đều không ảnh hưởng để chúng ta phải ngăn cấm hay băn khoăn khi tổ chức một hoạt động văn hóa như vậy cả. |
Qua góc nhìn giới trẻ Nguyễn Thùy Dương (Sinh viên năm thứ 4,Học viện Ngân hàng -Hà Nội): Muốn giữ hình ảnh tế nhị đó làm của riêng
Lần đầu tiên biết thông tin có cuộc thi hôn ở Việt Nam, thấy khá thú vị nhưng mình không có ý định tham gia. Bởi đối với các nước phương Tây đó là hoạt động văn hóa bình thường, diễn ra ở nhiều nơi và thu hút mọi lứa tuổi. Riêng mình, vẫn giữ quan niệm truyền thống nên muốn những hình ảnh tế nhị đó là của riêng mình và người yêu.
Phạm Đình Hoàng (Lớp 12 - Trường THPT Việt Đức - Hà Nội) Khá mới lạ và thú vị Mình thấy cuộc thi hôn là khá mới lạ, thú vị. Nếu tổ chức ở Hà Nội chắc mình sẽ đến xem. Cũng hay chứ, thể hiện tình yêu bằng những hình ảnh đẹp thì không có gì xấu cả. Không nói đến cuộc thi, ngay bây giờ ra đường hằng ngày chúng ta đã bị đập vào mắt hình ảnh những cặp đôi hôn nhau say đắm ở nơi công cộng như: gốc cây, ghế đá, ven đường, công viên… đó thôi.
Nguyễn Thị Hồng Liên (18 tuổi - Phú Thọ) Không nghĩ ảnh hưởng đến đạo đức Mình ấn một like cho cuộc thi này. Có nhiều người đăng ký thi chứng tỏ họ thấy tự tin, thấy vui vẻ khi đến đó. Tôi không nghĩ điều này ảnh hưởng đến giá trị đạo đức hay truyền thống, bởi chúng ta đang từng ngày tiếp nhận và hòa nhập văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Nếu như trước đây, chúng ta ngồi nói chuyện bao cao su hay tình dục, các bạn trẻ xấu hổ chạy mất thì bây giờ họ lắng nghe chúng ta hướng dẫn cách sử dụng bình thường. Và tôi cho rằng, giới trẻ dần quen với những cái mới một cách có chọn lọc là điều tốt, đáng khuyến khích. Nguyễn Hà (ghi) |
Cuộc thi hôn 2008 là kỷ niệm khó phai Valentine năm 2008, Cty CP du lịch Thung lũng tình yêu Đà Lạt đã phối hợp Thành Đoàn Đà Lạt tổ chức cuộc thi hôn tập thể trên đồi thông thơ mộng của khu du lịch. Sau cuộc thi hôn đầu tiên tại thành phố hoa, có nhiều lời khen chê khác nhau, thậm chí có cả thư phê phán cuộc thi không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, dư vị ngọt ngào của cuộc thi vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người. Anh Lê Hữu Phước (46 tuổi, ngụ tại Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt) - người đã chứng kiến và lưu lại nhiều hình ảnh về cuộc thi hôn cho rằng cuộc thi có nét đẹp riêng của nó: Trên đồi thông thơ mộng, hữu tình và trong tiếng nhạc hòa tấu violon và guitar du dương, các đôi uyên ương trao nhau những nụ hôn trong sáng, nồng nàn. Loạt ảnh mà tôi chụp về cuộc thi này đã được đăng tải khá nhiều trong mấy năm qua trên báo viết và báo mạng. Khi xem lại những bức ảnh về cuộc thi hôn tại Thung lũng tình yêu, chị Huệ (Phường 3, Đà Lạt) nói: Các đôi tình nhân đều ăn mặc rất lịch sự và có lẽ họ hôn nhau không phải vì muốn tranh giải thưởng (bởi đôi đạt giải nhất chỉ được trao quà tặng là chai rượu champagne) mà vì muốn có một kỷ niệm khó quên trong đời. Còn nhớ, năm đó có 59 đôi uyên ương đăng ký tham dự nhưng cuối cùng chưa tới 10 đôi dự thi và đều là du khách đến từ các thành phố Vũng Tàu, Nha Trang, Phan Rang, TP HCM. Không có người địa phương. Tuy nhiên sau đó cuộc thi đã tạo nên sự cộng hưởng: nhiều cặp tình nhân chưa đăng ký nhưng cũng ngẫu hứng trao nhau nụ hôn ngọt ngào ở những góc khuất trên đồi thông. Sau khi nhận giải nhất vì có nụ hôn đắm đuối kéo dài hơn 10 phút, đôi bạn Nguyễn Mạnh Hùng (32 tuổi) và Nguyễn Thị Nga (35 tuổi, Việt Kiều Mỹ) đến từ TPHCM cho biết cuộc thi hôn sẽ là kỷ niệm khó phai trong đời họ. Còn đôi vợ chồng mới cưới và đạt giải nhì là Minh Thiện - Thảo Nguyên đến từ Phan Rang (Ninh Thuận) nói rằng tuần trăng mật của họ càng ngọt ngào hơn nhờ cuộc thi. |