Thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Hà Nội sẽ có quận trưởng?

Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trường Phong
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trường Phong
TPO - Ngày 30/3, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị khảo sát phục vụ xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các Bí thư Đảng ủy phường trên địa bàn quận Đống Đa đồng tình với chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường, cùng với đó xem xét việc bỏ HĐND cấp phường.

Cũng có đại biểu lo ngại việc không tổ chức HĐND cấp phường gây ra xáo trộn trong bộ máy, đặc biệt mất đi vai trò giám sát, dẫn đến tình trạng lạm quyền, mất đi vai trò đại diện cho quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, HĐND cấp phường chủ yếu hoạt động hình thức, công tác giám sát nên tập trung sang Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.

Ông Vương Thế Dương, Bí thư Đảng ủy phường Khương Thượng đặt câu hỏi: Mỗi năm HĐND phường giám sát được mấy kỳ cuộc? Thực tế, người dân cũng không đến nơi đại biểu HĐND phường tiếp xúc cử tri mà đến gặp thẳng Bí thư, Chủ tịch phường.

“Không nhất thiết phải tổ chức thiết chế HĐND cấp phường. Chi phí bộ máy cũng khá lớn. Nhất thể hóa cấp ủy đảng, chính quyền là xu hướng có tính khách quan. Khi bỏ HĐND, phải tăng kiểm soát quyền lực qua lăng kính của nhân dân...”, ông Dương nói.

Về vấn đề các phòng chuyên môn của quận có nên trực thuộc các Sở hay không, Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật cho biết: Phải thoát ra khỏi tư duy cứ có sở, ngành nào thì ở cấp dưới có phòng đó.

“Vấn đề là cần đến đâu. Ví dụ trước 2004, phòng Đô thị, phòng Môi trường là một, sau này mới tách ra. Theo tôi, công tác quản lý đô thị, đất đai, môi trường sáp nhập làm một cũng được. Phòng Kinh tế thì chức năng, thẩm quyền ra làm sao, cần thiết thành lập không, phát huy thế nào?”, ông Nhật nói.

Đại diện UBND quận Đống Đa cho rằng, nên tổ chức cơ quan hành chính quận, phường, thị xã theo thiết chế thủ trưởng hành chính, người đứng đầu là Quận trưởng, Phường trưởng, Thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, với thiết chế thủ trưởng hành chính được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, phường, thị xã.

Ông Phong cũng cho biết, thực hiện theo mô hình này sẽ đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, đảm bảo chủ động, linh hoạt. Đồng thời việc giám sát vẫn được đảm bảo, bởi đã có nhiều cơ chế giám sát ngang dọc từ UBND thành phố đến các sở ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết: Các ý kiến bàn nhiều về tổ chức bộ máy, và nguyên tắc đầu tiên là tinh gọn. Để tinh gọn cần phải bàn nhiều như việc có còn HĐND quận hay không. Nếu còn thì phải cơ cấu lại vì bây giờ HĐND quận "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Theo ông Bảo, HĐND cấp phường chủ yếu là người từ tổ dân phố, đã về hưu, không có điều kiện để có thông tin, kiến thức để tham gia. “Quyết định của HĐND phường cũng rập khuôn quyết định có kế hoạch rồi. Còn những quyết định về chỉ tiêu kinh tế xã hội thì theo chức năng, nhiệm vụ phải làm”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc sắp xếp các phòng ban, chính quyền 1 cấp hay 2 cấp. “Chúng tôi suy nghĩ và có nhiều phương án. Có thể chính quyền vẫn còn 3 cấp như hiện nay, nhưng rõ ràng phải còn ai hay không còn ai, thậm chí chính quyền chỉ còn 2 cấp là thành phố và quận, phường là đơn vị hành chính”, ông Bảo nói.

MỚI - NÓNG