"AFF Cup 2016, đội tuyển Thái Lan vào tới chung kết rồi vô địch với chỉ 5 thẻ vàng. Trong khi đội tuyển Việt Nam bị 2 thẻ đỏ, 7 thẻ vàng. Thái Lan chơi bóng còn chúng ta là đá bóng”. Đây là phát biểu của Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ tại cuộc gặp mặt báo chí của VFF diễn ra sáng qua 20/12 ở Hà Nội.
Hai thẻ đỏ của Việt Nam thuộc về trung vệ Đình Luật ở trận đấu với đội tuyển Campuchia, và thủ môn Nguyên Mạnh trận bán kết lượt về với Indonesia. Chiếc thẻ đỏ của Nguyên Mạnh đáng trách nhất khi trận đấu với đội tuyển Indonesia có tính chất quyết định tấm vé vào chung kết của đội tuyển Việt Nam, và thời điểm anh bị truất quyền thi đấu, tuyển Việt Nam đang bị Indonesia dẫn 1-0, đã hết quyền thay người. Nguồn tin của Tiền Phong cho hay, trong các đợt tập trung tới đây của đội tuyển Việt Nam, nếu không có những nỗ lực chuộc lỗi, Nguyên Mạnh khó lòng có tên.
Trở lại với câu chuyện ở trên, rất nhiều ý kiến cho rằng việc đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng bị nhận nhiều thẻ đỏ xuất phát từ thói quen đá rắn ở V.League. Đá giải trong nước, trọng tài có thể “du di” bỏ qua, nhưng ra nước ngoài, lối đá này khiến đội tuyển Việt Nam lãnh hậu quả.
Kết thúc AFF Cup 2016, VFF vì vậy quyết định siết chặt công tác kỷ luật đối với V.League. Theo Trưởng Ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường, Ban kỷ luật vừa qua đã trình Thường trực VFF quy chế kỷ luật chỉnh sửa theo hướng tăng nặng án phạt đối với các vi phạm trên sân cỏ.
“Chúng tôi tập trung vào 3 điểm, gồm các hành vi phi thể thao, bạo lực trên sân bóng; lỗi phản ứng thiếu văn hoá, có thể của cầu thủ, HLV, quan chức đội bóng và các hành vi ảnh hưởng tới an ninh, an toàn trận đấu như ném chai lọ, đốt pháo sáng trên khán đài… Quan điểm là những vi phạm này phải được xử nghiêm”-ông Nguyễn Hải Hường nhấn mạnh.
Theo ông Hường, trên thực tế từ các mùa trước, Ban kỷ luật VFF đã xử phạt rất nặng đối với những vi phạm kiểu này. Điển hình như trường hợp trung vệ Quế Ngọc Hải (SLNA) bị cấm thi đấu 6 tháng, phạt tiền hơn 800 triệu đồng vì pha bóng bạo lực với Anh Khoa (SHB Đà Nẵng), hay trường hợp hậu vệ Đình Đồng cũng của SLNA bị cấm thi đấu dài hạn vì đá gãy chân Anh Hùng (Hải Phòng) trước đó.
Hạ cấp trọng tài mắc lỗi, chuyên môn thấp
Để siết chặt kỷ luật, VFF cho biết sẽ phối hợp đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Ban trọng tài chịu trách nhiệm tập huấn, nâng cao chất lượng trọng tài trước mùa giải 2017. Những trọng tài mắc lỗi, chuyên môn thấp đều bị chuyển công tác. Theo báo cáo của Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi, đã có 4 trọng tài bị “hạ cấp” ở mùa giải 2017 vì các lý do khác nhau.
Nói thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cho biết, quan điểm của VFF là xử nghiêm, không nhẹ tay với bất kỳ trường hợp nào. “Tuy nhiên, chúng tôi muốn rằng truyền thông, dư luận cũng vào cuộc để tăng tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác của cầu thủ trước. VFF cũng sẽ làm việc với các CLB để yêu cầu giáo dục cầu thủ, để tự họ điều chỉnh thói quen thi đấu, chứ chúng ta không chờ đến lúc cầu thủ mắc lỗi mới phạt”-ông Trần Quốc Tuấn nói.
Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, V.League là sản phẩm chung của các CLB, người hâm mộ. Để xây dựng giải đấu mạnh, sạch vì vậy cần sự chung tay của tất cả. “Phát triển bóng đá không thể thiếu sự ủng hộ của người hâm mộ. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, V.League sẽ cải thiện được hình ảnh, nâng cao được chất lượng để đáp ứng yêu cầu của CĐV. V.League có mạnh thì các ĐTQG mới được nâng chất”-ông Trần Quốc Tuấn nói.
Rất nhiều ý kiến cho rằng việc đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng bị nhận nhiều thẻ đỏ xuất phát từ thói quen đá rắn ở V.League. Đá giải trong nước, trọng tài có thể “du di” bỏ qua, nhưng ra nước ngoài, lối đá này khiến đội tuyển Việt Nam lãnh hậu quả.