Muốn đội tuyển bay cao, cần một V-League mạnh

V-League và các giải đấu trong hệ thống chuyên nghiệp cần là bệ phóng giúp các tuyển thủ thăng hoa cùng các ĐTVN. Ảnh: VSI
V-League và các giải đấu trong hệ thống chuyên nghiệp cần là bệ phóng giúp các tuyển thủ thăng hoa cùng các ĐTVN. Ảnh: VSI
TP - Một V-League mạnh chưa đủ, mà nói rộng ra là một nền bóng đá mạnh. Một nền bóng đá mạnh thì không thể chỉ có 14 đội V-League và 7 đội hạng Nhất như hiện nay.

Sau thất bại AFF Cup 2016, nhiều chuyên gia và cả VFF đã ngồi lại với HLV Hữu Thắng để chỉ ra những “thất bại” của ĐTVN trong đó có đề cập đến V-League.

Cụ thể là sau trận bán kết lượt về “thua” cay đắng trên sân Mỹ Đình mà nhiều lỗi thuộc về cá nhân, VFF và Hội đồng HLV Quốc gia đã nhất trí sẽ nghiêm khắc xử lý đối với những hành vi phạm lỗi thô bạo, gây phản cảm trên sân của các cầu thủ ở V-League. Điều này không những nhằm xây dựng hình ảnh đẹp cho bóng đá Việt Nam, mà còn hạn chế những lỗi đá thô bạo của các cầu thủ được triệu tập vào ĐTQG. Qua đó, Hội đồng HLV Quốc gia cũng kiến nghị trong thời gian tới, HLV Hữu Thắng cần phổ cập luật chơi cho các học trò để không phải dính những thẻ vàng, thẻ đỏ ngớ ngẩn gây thiệt hại cho đội tuyển.

Mạnh tay với V-League để đội tuyển không sai lầm

Sai lầm cá nhân tại AFF Cup của ĐTVN thì có thể kể ra một loạt, có thể gọi là “hệ thống phạm lỗi” như chiếc thẻ đỏ của Đình Luật ở trận đấu cuối cùng vòng bảng gặp Campuchia; pha vào bóng ác ý của Trọng Hoàng trong trận bán kết lượt đi mà có thể phải trả giá đắt nếu trọng tài rút thẻ đỏ; pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải ở trận bán kết lượt đi và thủ môn Trần Nguyên Mạnh ở bán kết lượt về. Những pha phạm lỗi thô thiển khiến ĐTVN thua trận. Những sai lầm kiểu như vậy không phải là lần đầu, hình như lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Do V-League từ lâu đã dung dưỡng cho lối chơi bạo lực, các cầu thủ quen đá kiểu “chém đinh chặt sắt” nên khi lên tuyển cũng giữ thói quen như vậy.

Giải pháp của VFF trong thời gian sắp tới là yêu cầu BTC giải và các trọng tài phải xử lý nghiêm những pha vào bóng thô bạo tại các giải trong nước. Phải mạnh tay để triệt tiêu tận gốc mầm mống của thứ bóng đá bạo lực nhằm tránh những sai lầm không đáng có ở ĐT Việt Nam.

Nhưng đó chỉ là ở phần ngọn. VFF với tư cách tổ chức xã hội nghề nghiệp phải định hướng được nền bóng đá. Để có một nền bóng đá lành mạnh thì trước hết VFF và VPF phải đổi mới cách làm việc. Vấn đề quan trọng chính là chất lượng của giải V-League. Để có những đội tuyển tốt, dứt khoát phải có một giải quốc nội tốt, ổn định, giàu tính cạnh tranh, không bạo lực.

Không thể chuyên nghiệp với 14 đội V-League, 7 đội hạng Nhất

Một nền bóng đá chuyên nghiệp có 14 đội V-League và 7 đội hạng Nhất là một nền bóng đá mất cân xứng, nặng về thành tích. Lẽ ra giải phải là hình chóp như các nước có nền bóng đá tiến bộ, các đội hạng nhất phải nhiều hơn, đông hơn các đội chuyên nghiệp V-League, đằng này ở Việt Nam chúng ta là mô hình “hình chóp ngược”! Như vậy là đi ngược với xu thế của bóng đá chuyên nghiệp.

Tất cả các nền bóng đá phát triển trên thế giới đều xem vấn đề phát triển giải quốc nội là vấn đề then chốt. Chất lượng cầu thủ nội tự động sẽ tốt lên một khi giải đấu trong nước có chất lượng cao, nhưng ở Việt Nam không như vậy.

Lấy thí dụ về thành công của U19 Việt Nam, và trước nữa là của các cầu thủ U16 cho thấy bóng đá trẻ của chúng ta không thiếu triển vọng. Nhưng lối chơi của các đội tuyển trẻ có còn khi mà hầu hết các CLB trong nước đều đá theo kiểu là “phất” bóng dài cho các tiền đạo ngoại vốn lực lưỡng về mặt thể hình đua sức? Đấy cũng là là lối chơi làm triệt tiêu vai trò của các tiền vệ nội, nhất là những tiền vệ tổ chức. Nếu như thế thì chúng ta không thể có các tiền vệ và tiền đạo tốt. Điều này chưa lo vì thực tế hậu vệ cũng chẳng tốt tí nào.

Chỉ khi nào bóng đá VN có được hệ thống giải chuyên nghiệp mạnh, chất lượng cầu thủ mới theo đó đi lên. Và khi đó, ĐTVN sẽ hưởng lợi khi tham dự các giải đấu quốc tế, người hâm mộ không còn khắc khoải mong chờ những danh hiệu.

Tất cả các nền bóng đá phát triển trên thế giới đều xem vấn đề phát triển giải quốc nội là vấn đề then chốt. Chất lượng cầu thủ nội tự động sẽ tốt lên một khi giải đấu trong nước có chất lượng cao, nhưng ở Việt Nam không như vậy.

MỚI - NÓNG