Thêm gánh nặng khi điện tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giá điện tăng 4,5%, làm không ít doanh nghiệp (DN), người dân thêm gánh nặng, đồng thời lo ngại tình trạng “té nước theo mưa”.

Khó chồng khó

“Điện tăng giá nhưng chúng tôi không thể tiết kiệm bằng cách tắt bớt thiết bị sử dụng điện hoặc giảm nhiệt độ, vì sẽ làm hư hỏng sản phẩm” - chị Đỗ Thị Thảo Ly, chủ cơ sở sản xuất trái cây sấy Tươi Ngon (huyện Bình Chánh, TPHCM), nói. Khởi nghiệp được 2 năm, chị Ly đặt nhiều hy vọng vào cuối năm để tăng doanh thu.

Thêm gánh nặng khi điện tăng giá ảnh 1

Công nhân sản xuất trong nhà máy ở Bình Dương (ảnh: H.C).

Theo chị Ly, hóa đơn tiền điện trung bình mỗi tháng của cơ sở dao động từ 12 - 15 triệu đồng, cuối năm có thể tăng lên 20 triệu đồng/tháng. Với giá điện tăng 4,5%, tiền điện sẽ tăng thêm khoảng 900.000 - 1 triệu đồng/tháng. “Tuy giá điện tăng thêm không nhiều nhưng mỗi năm mỗi tăng. Như trong năm 2023 này, giá điện đã hai lần điều chỉnh tăng thêm tổng cộng 7,5%. Cùng với điện, giá xăng, gas… tăng đã gây hiệu ứng domino lên chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo. Trong khi sản phẩm cuối cùng chỉ cần nhích thêm 1 - 2 giá đã không ai mua. Chúng tôi thật sự lo lắng trong mùa kinh doanh cuối năm này” - chị Ly nói.

Theo chuyên gia kinh tế độc lập Đoàn Đình Hùng, tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Khi điện tăng giá, người dân sẽ ý thức cũng như trách nhiệm hơn trong việc sử dụng điện tiết kiệm. Các doanh nghiệp cũng sẽ cơ cấu lại chi phí, tối ưu hóa sản xuất theo hướng tiết kiệm điện; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang hướng sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời… “Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Trong tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc tăng giá điện cũng sẽ làm giá cả sản phẩm tăng theo, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm. Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành như giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp; kết nối, mở rộng thị trường kinh doanh; tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động…” – ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Tập đoàn Thép Tiến Lên (Đồng Nai), cho biết, đặc thù của công ty là sản xuất thép nên tiêu thụ điện rất lớn, giá điện chiếm đến 10% giá thành sản phẩm. Với việc tăng giá điện lần này, giá thành sản phẩm phải tăng thêm ít nhất 4%. “Cả năm qua DN rất khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tình hình sản xuất của các nhà máy của DN đều lỗ. Việc tăng giá điện sẽ khiến khó khăn thêm chồng chất. Mặt khác cũng ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất của DN”- ông Hà nói.

Lãnh đạo một công ty sản xuất gỗ tại thành phố Dĩ An, Bình Dương cho biết, công ty có gần 2.000 lao động, do thiếu đơn hàng nên phải giảm giờ làm, cho công nhân sản xuất theo ca. Những tháng cuối năm, công ty đang gặp áp lực về việc tìm nguồn kinh phí để trả lương và thưởng cho người lao động. Việc giá điện tăng trong khi hàng hóa phải giữ nguyên giá cũ đã ký với đối tác khiến DN chịu nhiều áp lực.

Lo “té giá theo điện”

Công nhân ở trọ tại tỉnh Bình Dương cảm thấy lo ngại khi hay tin giá điện lại tăng. Anh Trần Mạnh Dũng, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Hùng Phát (TP.Tân Uyên, Bình Dương), cho biết: “Công ty điện lực vừa thông báo giá điện tăng hôm trước thì hôm sau chủ nhà trọ đã nhắn tin lên nhóm, cho biết tháng tới giá tiền điện sẽ tăng. Hiện tại tôi đang đóng 3.500 đồng/kWh nhưng tháng tới phải đóng 4.000 đồng/kWh. Tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay khiến chúng tôi vốn đã khó nay còn khó hơn khi việc làm ít, thu nhập giảm”.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty TNHH KRI (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho biết, công ty nơi chị làm việc nhiều tháng qua do khó khăn, thiếu đơn hàng sản xuất nên phải giảm giờ làm, thu nhập của công nhân cũng giảm theo. “Thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 7 triệu đồng nhưng phải nuôi hai con ăn học, tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt hằng ngày… phải tằn tiện hết sức mới đủ trang trải. Bây giờ tăng giá điện nữa, tôi thêm gánh nặng. Nhà trọ, các mặt hàng thiết yếu rồi cũng “té nước theo mưa”, công nhân lại gánh thêm phí” - chị Lan chia sẻ.

Dù tăng giá điện đối với người thuê trọ, song các chủ nhà trọ nói rằng, họ cũng bị áp lực. “Người thuê trọ không hiểu lại bảo chủ trọ không có lòng thương người khi tăng giá điện, trong khi bản thân chúng tôi cũng bị áp lực. Thấy công nhân khó khăn vì DN thiếu đơn hàng, tôi đã giảm tiền thuê trọ, trong khi bản thân phải trả tiền lãi vay ngân hàng rất lớn. Tôi thu tiền điện của người thuê đúng giá và thanh toán toàn bộ cho công ty điện lực, không ăn lời đồng nào nhưng cũng bị khách thuê phàn nàn”- bà Biện Thu Ban, chủ khu nhà trọ có gần 200 phòng ở TP.Thuận An (Bình Dương), nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.