Cùng với các tuyến cáp biển hiện đang khai thác như AAG, APG, AAE-1, Faster, SMW-3 tuyến cáp biển SJC2 sẽ cung cấp thêm một dung lượng lớn tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, san tải với các tuyến cáp biển hiện có, làm tăng độ an toàn mạng lưới, nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông của VNPT cung cấp đến khách hàng – chất lượng kết nối internet của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng trong trường hợp 1-2 tuyến cáp biển bị sự cố.
VNPT đang cùng với các Tập đoàn quốc tế (CHT, CMI, DHT, Facebook, KDDI, Singtel, SKB, Telin và TICC) đầu tư vào tuyến cáp biển SJC2 với tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500 km, tổng đầu tư ban đầu là 439 triệu USD, kết nối các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam tại Thành phố Quy Nhơn.
Dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126Tbps, riêng VNPT sở hữu dung lượng 9Tbps, cho phép VNPT triển khai các ứng dụng kết nối internet quốc tế yêu cầu tốc độ cao như Internet vạn vật, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo.
Ngay sau ký kết hợp đồng vào tháng 3/2018, VNPT đã chủ động tổ chức triển khai dự án đúng trách nhiệm của thành viên Việt Nam, hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy phép với các cơ quan quản lý trong nước, làm việc với địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. VNPT phối hợp tốt với nhà thầu hoàn thành thi công kéo cáp SJC2 cập bờ tại Quy Nhơn vào tháng 8/2019.
Hiện nay, VNPT đang hoàn thiện xây dựng trạm cập bờ mới tại Quy Nhơn đồng bộ với việc đầu tư vào tuyến cáp biển SJC2. Sau khi đưa SJC2 vào hoạt động, bên cạnh Vũng Tàu và Đà Nẵng, Quy Nhơn sẽ là cửa ngõ viễn thông cáp quang biển quốc tế thứ ba của VNPT, được trang bị hiện đại, dung lượng quốc tế lớn, sẽ là động lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của Bình Định và các tỉnh lân cận; có khả năng cung cấp dung lượng quốc tế lớn kết nối đến Campuchia, Lào…
Dự án SJC2 trải dài qua vùng biển các nước trong khu vực châu Á. Các biến động về chính trị-xã hội tại một số nước, sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 thời gian vừa qua đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
VNPT và các thành viên SJC2 đang nỗ lực phối hợp và cùng với nhà thầu để giảm thiểu các ảnh hưởng này, hiện hệ thống đang tích cực triển khai thi công các đoạn tuyến cáp còn lại, lắp đặt, đo thử thiết bị tại các trạm cập bờ để hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2021.
VNPT được đánh giá là nhà mạng có tốc độ truy cập Internet cáp quang tốt nhất Việt Nam, theo công bố "Kết quả đo tốc độ truy cập Internet của người dùng trong Quý I năm 2020" của Trung tâm Internet Việt Nam. Theo đó, trong các nhà mạng đứng đầu thị phần cung cấp dịch vụ băng rộng FTTH (Internet cáp quang) tại Việt Nam, VNPT là nhà mạng có tốc độ kết nối tốt nhất. Tốc độ Download và Upload của VNPT lần lượt đạt 54,24Mbps và 54,69Mbps. Kết quả trên được thống kê từ gần 30.000 mẫu đo của người dùng, xuất phát từ 69 mạng (xác định bởi các số hiệu mạng ASN độc lập).
Trước đó, vào cuối tháng 3, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam và Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam trao tặng Giải thưởng "Chất lượng dịch vụ băng thông rộng cố định" cho Tập đoàn VNPT. Nhà mạng này cũng được Tổ chức Ookla (có trụ sở tại Hoa Kỳ) vinh danh "Nhà mạng có tốc độ Internet nhanh nhất Việt Nam" năm 2019 đối với dịch vụ băng rộng và cố định.