Thêm 800 tỷ cho đào tạo, đào tạo lại lao động

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Thông tư quy định nội dung, định mức chi hoạt động của chương trình thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Định mức này sẽ được Bộ LĐ-TB&XH sử dụng để tổ chức thí điểm đặt hàng đào tạo, đào tạo lại LĐ. Chương trình thí điểm được Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2022 đến 2025, với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 800 tỷ đồng, đa số từ ngân sách nhà nước.

Thêm 800 tỷ cho đào tạo, đào tạo lại lao động ảnh 1

Dự kiến sẽ có 300 nghìn LĐ được đào tạo lại để nâng cao tay nghề, duy trì việc làm (trong ảnh: sinh viên học nấu ăn). Ảnh: Phạm Thanh

Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu thí điểm đào tạo lao động ở một số ngành nghề mới, đào tạo lại để nâng cao kỹ năng cho LĐ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số. Dự kiến thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới trình độ trung cấp và cao đẳng, với khoảng 4.800 người học; đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300.000 lượt người đang làm việc tại các doanh nghiệp (đào tạo ngắn hạn). Việc đào tạo sẽ được nhà nước đặt hàng các trường dạy nghề. Mục tiêu chương trình là đào tạo, chuẩn bị nhân lực đón đầu ngành nghề mới, phục vụ nhu cầu của DN, duy trì việc làm cho người LĐ ở những ngành nghề chuyển đổi.

Trong tổng số tiền dự kiến đầu tư thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH dự trù nhu cầu vốn từ ngân sách trung ương cho giai đoạn 2022-2025 khoảng 565 tỷ đồng (phần còn lại sử dụng các nguồn khác). Trong đó, chi xác định nhu cầu đào tạo khoảng 1 tỷ đồng; thí điểm đào tạo các ngành nghề mới trên 337 tỷ đồng; thí điểm đào tạo lại khoảng 220 tỷ đồng; quản lý, kiểm tra, đánh giá, tổng kết chương trình khoảng 6,5 tỷ đồng.

Trước khi Chương trình thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ban hành, Bộ LĐ-TB&XH cũng trình và được thông qua một số chương trình đào tạo lại LĐ bị ảnh hưởng xấu bởi tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực tế triển khai các gói hỗ trợ đào tạo lại LĐ này đều không đạt kỳ vọng, với số giải ngân rất thấp. Nếu vẫn theo cách làm cũ, các chính sách đào tạo, đào tạo lại LĐ sẽ khó lòng đạt hiệu quả.

Gần nhất là gói 4,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ đào tạo lại LĐ để duy trì việc làm theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới hết tháng 6/2022, từ nguồn quỹ Bảo hiểm thất nghiệp). BHXH Việt Nam cho hay, tính tới giữa tháng 7/2022, cả nước chỉ có 66 DN được địa phương phê duyệt chương trình đào tạo lại hơn 8,2 nghìn LĐ, tổng số tiền hỗ trợ 38,8 tỷ đồng. Trước đó, một gói tương tự ban hành năm 2021, theo Nghị quyết 42 của Chính phủ cũng dự kiến chỉ 3 nghìn tỷ đồng để đào tạo lại LĐ, nhưng thực tế không hỗ trợ được trường hợp nào.

MỚI - NÓNG