Tối 28/8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố.
Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh (271), Bình Dương (38), Đồng Nai (16), Tiền Giang (15), Long An (4), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Bến Tre (1), Nghệ An (1), Thừa Thiên Huế (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 10.405 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Bộ Y tế cho biết theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca. Trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 4.065; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.310; thở máy không xâm lấn: 88; thở máy xâm lấn: 921; ECMO: 24.
Trong ngày Đồng Nai tiếp nhận 6.000 lọ thuốc Remdesivir hỗ trợ điều trị COVID-19, 42.000 viên Rivaroxaban và 84.000 viên Methylprednisolon từ Quỹ từ thiện Kim Oanh trao tặng.
Số thuốc này dự kiến được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho khoảng 7.200 bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn Đồng Nai và điều trị tại nhà.
Trong đó, Remdesivir nhập khẩu từ Ấn Độ, được chỉ định dùng cho bệnh nhân bị suy hô hấp phải thở ô xy, thở máy không xâm nhập dưới dạng truyền tĩnh mạch. Còn 124.000 viên thuốc dưới dạng uống do Việt Nam sản xuất dùng để điều trị bệnh nhân thể nhẹ.
Ngày 28/8, Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Tiền Giang) đã chính thức được đưa vào hoạt động. Đây là trung tâm ICU thứ hai của tỉnh Tiền Giang với nhiệm vụ thu dung điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm ICU do Đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô phối hợp cùng các y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 2 trực tiếp quản lý và vận hành. Sau quá trình triển khai, hiện công tác lắp đặt máy móc, vận hành đã hoàn tất và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Với công suất tối đa 80 giường điều trị, được được trang bị đầy đủ hệ thống máy thở, máy thở oxy dòng cao (HFNC), vật tư y tế, thuốc men,... Trung tâm ICU thứ hai là đơn vị tuyến cuối trong “tháp điều trị 3 tầng” của Bộ Y tế đảm bảo công tác thu dung, điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch từ các cơ sở tuyến dưới và giảm tải cho trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Tiền Giang.
Ths. Tô Hoàng Dương, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp, để kịp thời đảm bảo công tác điều trị và góp phần giảm tải áp lực cho trung tâm hồi sức tại Bệnh viện Y học cổ truyền, được sự hỗ trợ của Sở Y tế, đoàn chi viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đã phối hợp với Bệnh viện Dã chiến số 2 tiến hành khảo sát và khẩn trương thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực, nhanh chóng tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân diễn biến nặng, hy vọng trong thời gian tới sẽ điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân, từ đó giảm số ca tử vong trên địa bàn tỉnh”.