Thật là một cảnh tượng hùng tráng, khi 80.000 khán giả nêm chặt Stade de France cùng đứng dậy cổ vũ Farida Abaroge. Trong tiếng reo hò như sấm dậy, những guồng chân trở nên gấp gáp hơn, lướt đi nhanh hơn trên đường chạy màu tím. Và cô gái 30 tuổi cuối cùng đã hoàn thành cự ly 1.500m nữ mà không hề nhận ra. “Với năng lượng và cảm xúc trào sôi, tôi còn không biết rằng mình đã tới đích”, Abaroge chia sẻ, “Tôi muốn chạy tiếp để tiếp tục được tận hưởng bầu không khí này”.
Farida Abaroge, VĐV điền kinh đội Olympic Người tị nạn chạy dưới sự cổ vũ của các khán giả tại Stade de France. Ảnh: Getty Images |
Abaroge chỉ là một công nhân bình thường, làm công việc đóng gói bưu kiện trong một nhà kho ở Strasbourg, Pháp. Cách đây 7 năm, cô thậm chí không có cho mình một đôi giày thể thao. Những ngày tháng đó, chỉ được sống thôi đã là một mơ ước.
Julien Alfred giương cao lá cờ St Lucia trên đường chạy 100m nữ |
Sinh ra tại Ethiopia, Abaroge buộc phải rời bỏ quê hương vào năm 2016 vì xung đột, hạn hán và khủng hoảng lương thực. Cô đã tới Sudan, sống trong một trại tị nạn Ai Cập, bị giam giữ ở Libya và cuối cùng đến Pháp vào năm 2017, nơi cô được cấp quyền tị nạn. Rồi những nhà từ thiện đã hỏi Abaroge về đam mê trong cuộc sống, và khi nghe cô nói thích chạy, họ đã đưa cô tới một cửa hàng, mua tặng giày và quần áo thể thao.
Carlos Yulo người Philippines là VĐV Đông Nam Á thành công nhất ở Olympic với 2 Huy chương Vàng TDDC |
Dĩ nhiên Abaroge không bao giờ nghĩ đến một ngày sẽ được tranh tài ở Thế vận hội. Cho đến khi Ủy ban Olympic (IOC) phát hiện và khuyến khích cô gia nhập đội Olympic Người tị nạn. Những công nhân tại kho hàng Strasbourg cũng hỗ trợ, giúp cô cân bằng thời gian tập luyện và làm việc. Tiếc rằng họ không có nhiều tiền để tới Paris cổ vũ cô, nhưng 80.000 khán giả ở Stade de France đã làm thay việc đó. Lần đầu tiên trong đời hít thở không khí Thế vận hội, lại trở thành tâm điểm của sự chú ý, Abaroge không thể kìm được nước mắt.
Trước Abaroge, Cindy Ngamba đã đi vào lịch sử với tư cách VĐV đầu tiên của đội Olympic Người tị nạn giành Huy chương Olympic. Suốt nhiều năm ăn học ở Anh nhưng không nhận được quyền công dân, cũng không thể trở về quê nhà Cameroon bởi đất nước này không chấp nhận người đồng tính, Ngamba là một phần của cộng đồng hơn 100 triệu người tị nạn trên thế giới. Với tấm huy chương Olympic môn quyền Anh hạng cân 75kg, võ sĩ 21 tuổi muốn gửi gắm thông điệp hy vọng cũng như động lực sống cho những người rơi vào hoàn cảnh như cô, phải rời bỏ quê nhà để mưu cầu hạnh phúc.
Đô vật Mijain Lopez của Cuba trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử giành 5 Huy chương Vàng liên tiếp. Ảnh: Getty Images |
Khẩu hiệu của Olympic Paris 2024 là “Cuộc chơi rộng mở”. Theo nghĩa đen, Thế vận hội lần thứ 33 đưa Lễ khai mạc và nhiều cuộc thi thể thao ra bên ngoài sân vận động, tới gần hơn với công chúng. Còn nghĩa bóng, nó được hứa hẹn mang tới cảm xúc, trải nghiệm mới, qua đó tạo nên sức mạnh mới để mơ những giấc mơ mới. Ngoài ra, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh cũng mở cửa dành cho bất cứ ai dám vượt qua nghịch cảnh và không ngừng theo đuổi đam mê.
Nhìn lại Olympic Tokyo 2020, 3 quốc gia đứng đầu thế giới về GDP gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cũng chiếm 3 vị trí đầu tiên về số Huy chương Vàng. Hiển nhiên có sự liên quan ở đây, khi những nước giàu có dành cho các VĐV ưu tú điều kiện tập luyện tốt nhất, đồng thời kết hợp công nghệ tiên tiến, chế độ dinh dưỡng tối ưu và khoa học thể thao. Thế nhưng không có nghĩa Olympic là cuộc chơi của “nhà giàu”.
Tại Olympic 2024, Thea LaFond của CH Dominica giành Huy chương Vàng nội dung nhảy ba bước, Mijain Lopez khiến đất nước Cuba tự hào khi lần thứ 5 liên tiếp đứng trên bục cao nhất ở môn vật, hay Joshua Cheptegei của Uganda về nhất chạy 10.000m, sau khi đã giành Vàng nội dung 5.000m tại Tokyo 2020.
Cũng ở môn điền kinh, nữ VĐV người St Lucia, Julien Alfred đã trở thành cô gái nhanh nhất thế giới khi cán đích 100m với thành tích 10,72 giây, vượt qua bộ đôi người Mỹ, Sha’Carri Richardson (10,87) và Melissa Jefferson (10,92).
Khá chắc nhiều người chưa bao giờ nghe nói đến tên của đảo quốc thuộc vùng Caribe, với dân số 179.000 người, và cũng không có VĐV nào từng giành huy chương Olympic trước đây. Alfred đã làm nên lịch sử cho đất nước mình. Tại Paris - Thành phố Ánh sáng, một khoảng khắc lấp lánh ánh vàng được tạo ra bởi cô gái từng chạy chân trần trên những con đường đầy sỏi đá nhưng ấp ủ giấc mơ trở thành người giỏi nhất.
Carlos Yulo, chàng trai người Philippines cũng mang trong mình ước mơ tương tự. Đến từ một quốc gia coi bóng rổ là tôn giáo, anh đã chịu đựng những lời chế giễu về tham vọng đưa Thể dục dụng cụ vươn tầm quốc tế, điều chưa từng có trong quá khứ. Từ những buổi tập luyện ở công viên Manila, hay Đài tưởng niệm Rizal, Yulo sang Nhật, tới Anh rồi Hàn Quốc để trau dồi kỹ năng. Anh luôn tận dụng mọi cơ hội để cải thiện bản thân, đồng thời không ngừng hỏi những VĐV hàng đầu thế giới về chiến lược giành Vàng Olympic.
“Tôi đã mơ về khoảnh khắc này và rất vui sướng khi nó xảy ra. Tấm huy chương Olympic rất có ý nghĩa với St Lucia, đất nước ít người biết đến. Tôi cảm ơn Chúa cũng như người dân St Lucia đã tiếp thêm sức mạnh để tôi tiến xa và nhanh đến vậy”.
Julien Alfred, nhà vô địch 100m nữ Olympic 2024
Cuối cùng sự bền bỉ của Yulo đã được đền đáp. Sau cú xoay ba vòng ở màn nhào lộn cuối cùng, Carlos Yulo giơ hai tay lên trời và hét lên đầy phấn khích. Anh đạt 15.000 điểm, vượt qua nhà vô địch Artem Dolgopyat của Israel (14.966 điểm) trong trận chung kết nội dung biểu diễn trên sàn. Vài ngày sau, Yulo giành tấm Huy chương Vàng thứ hai ở nội dung nhảy ngựa với 15.116 điểm. Ở tuổi 24, anh trở thành VĐV Đông Nam Á thành công nhất ở đấu trường Olympic.
Thể thao là không giới hạn. VĐV bóng bàn Brazil, Bruna Alexandre, người mất 1 cánh tay từ 3 tháng tuổi đã bước đến Olympic 2024 từ Paralympic, chinh chiến ở nội dung đồng đội nữ. Arisa Trew, cô nhóc mới 14 tuổi người Australia đã khiến cả thế giới trầm trồ khi là nữ VĐV trẻ tuổi nhất giành Huy chương Vàng tại Olympic Paris 2024 môn trượt ván công viên. Trong khi đó, Juan Antonio Jiménez 65 tuổi của Tây Ban Nha lần thứ ba thi tài ở Olympic môn cưỡi ngựa.
Thế vận hội được tạo nên để tôn vinh các giá trị thể thao, những người không bao giờ bỏ cuộc, dám ước mơ và chiến đấu không mệt mỏi để biến giấc mơ thành sự thật. Ngay cả khi đến từ một quốc gia khiêm tốn cả về diện tích, quy mô dân số hay GDP, hoặc thậm chí bị từ chối và thi đấu vì một cộng đồng, họ vẫn nhận được sự vinh danh xứng đáng.
Tại Olympic Tokyo 2020, 7 quốc gia nằm trong tốp 10 bảng xếp hạng (BXH) huy chương cũng thuộc nhóm 10 nước có GDP cao nhất Thế vận hội. Quy mô dân số ít liên quan hơn tới thành tích Olympic, khi chỉ có 3 quốc gia thuộc tốp 10 đông dân nhất thế giới lọt vào tốp 10 BXH huy chương.