Chỉ vài ngày sau khi trở về từ Olympic 2020, cha của nữ VĐV quyền Anh người Italia, Angela Carini, qua đời. Trước lúc lâm chung, ông nhắc nhở con gái rằng “quyền Anh cũng tương tự đua xe đạp, phải nhanh hơn, mạnh hơn nữa ở những cây số cuối, vậy nên hãy cố gắng đi hết con đường với nỗ lực cao nhất đến tận lúc cuối cùng”.
Nhớ lời dặn của cha, và cũng để ông tự hào trên thiên đường, Carini đã rất bền bỉ và rồi có được tấm vé tới Thế vận hội một lần nữa. Thật không may, Olympic Paris 2024 kết thúc chóng vánh với cô gái 25 tuổi. Thậm chí Carini còn đi ngược với lời dạy của cha về việc “phải đi hết con đường”. Trong trận đấu thuộc vòng 1/8 môn quyền Anh hạng bán trung nữ, Carini ra hiệu bỏ cuộc chỉ sau 46 giây và 2 cú đấm từ đối thủ Imane Khelif người Algeria.
“Thật ngạc nhiên khi không có tiêu chí nghiêm ngặt và thống nhất nào ở cấp độ quốc tế, và bất kỳ ai cũng có thể nghi ngờ về sự bất công trong một sự kiện tượng trưng cho công bằng trong thể thao” Eugenia Roccella, Bộ trưởng Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Italia bình luận về trận đấu giữa Carini và Khelif
Khuỵu gối trên võ đài với những dòng nước mắt lăn dài, Carini nức nở nói, cô “rất đau lòng vì chọn bỏ cuộc, nhưng buộc phải làm thế để bảo toàn tính mạng”. Trên thực tế, máu đã bắn lên quần cô từ chiếc mũi tưởng như bị gãy sau cú đấm thứ hai. Dù tham dự với tư cách nữ, nhưng Khelif lại mang trong mình nhiễm sắc thể XY và từng bị loại khỏi giải quyền Anh vô địch thế giới hồi năm ngoái vì không vượt qua được bài kiểm tra giới tính.
Võ sĩ Carini khóc nức nở bên cạnh đối thủ Khelif. Ảnh: Getty Images |
Nếu ai đó phải chịu trách nhiệm, thì đó là Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), tổ chức đã đẩy Carini vào tình cảnh đối mặt với một người mang gen đàn ông, với cú đấm từng khiến Brianda Tamara của Mexico năm 2022 phải tạ ơn Chúa vì vẫn còn sống. Cũng không chỉ Khelif, vào hôm thứ Sáu (2/8), “nữ” võ sĩ Đài Loan Lin Yu-ting cũng bước ra sàn đấu quyền Anh hạng lông tại Olympic 2024 dù mang nhiễm sắc thể XY.
Một cuộc tranh cãi đã nổ ra bên lề Thế vận hội. Thủ tướng Italia, Giorgia Meloni cho biết “đây không phải cuộc thi công bằng”, còn cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi “loại bỏ đàn ông khỏi thể thao nữ”. Ngay cả tác giả Harry Potter, JK Rowling cũng nói rằng “Paris 2024 bị hoen ố vĩnh viễn bởi sự bất công dành cho Carini”.
Thành thực mà nói, sau 8 ngày, Olympic 2024 đang diễn ra trong sự ngờ vực bao trùm. Nó bắt đầu bằng bê bối đội tuyển bóng đá nữ Canada dùng máy bay không người lái do thám đối thủ. Nếu nó chưa đủ sốc, thì đây, chính HLV Bev Priestman của Canada tuyên bố “10 đội bóng hàng đầu thế giới đều làm thế”, chỉ là chưa bị phát hiện. Vậy là các đội chuyển sang nghi ngờ lẫn nhau, tương tự câu chuyện xoay quanh hồ bơi Olympic.
Từ trước Thế vận hội, đội bơi Trung Quốc đã phải đối mặt với nghi án sử dụng doping sau cáo buộc 23 VĐV dương tính với doping. Vì vậy, khi Pan Zhanle giành Huy chương Vàng với thành tích 46,40 giây, thiết lập kỷ lục thế giới mới ở nội dung bơi tự do 100m, thay vì nhận được sự tán thưởng, lại hứng chịu những lời mỉa mai. HLV bơi người Australia bình luận “kỷ lục này quá khó tin, không phải điều con người có thể làm được” nhằm ám chỉ Pan dùng doping, bất chấp VĐV 19 tuổi này trải qua 21 cuộc xét nghiệm chỉ trong vòng 2 tháng trước Olympic.
Sự hoài nghi cũng dành cho Ban tổ chức với cố gắng đưa ba môn phối hợp ra sông Seine bất chấp các chỉ số an toàn không đảm bảo. Kết quả, sau khi bơi 1,5 km trên dòng sông đục ngầu, nhiều VĐV đã nôn mửa và một số xuất hiện các vết ghẻ ngứa. Vô số câu hỏi được đặt ra sau đó, về việc tại sao 1,5 tỷ đô đã chi để “sông Seine có thể bơi được trong 30 năm” lại không hiệu quả ngay những ngày đầu tiên, và tại sao nhất quyết phải là sông Seine chứ phải ở một hồ nước sạch hơn cách xa trung tâm?
Không ai có thể trả lời, như câu hỏi về sự xuất hiện của Khelif. Và sự ngờ vực cứ lớn dần lên.