Vận động viên sống thế nào thời dịch COVID-19?

Tuyển thủ đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc và em trai Thành Ngưng. Do dịch COVID-19, món khô gà mà Thanh Phúc kinh doanh để kiếm thêm thu nhập cũng phải tạm ngưng ảnh: NVCC
Tuyển thủ đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc và em trai Thành Ngưng. Do dịch COVID-19, món khô gà mà Thanh Phúc kinh doanh để kiếm thêm thu nhập cũng phải tạm ngưng ảnh: NVCC
TP - Nhiều vận động viên bị giảm thu nhập, do các giải đấu bị huỷ bỏ hoặc hoãn lại, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp tại Việt Nam và trên thế giới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT cho biết, đại dịch COVID-19 khiến nhiều giải thể thao trong nước lẫn quốc tế bị huỷ bỏ. Điều này có thể ảnh hưởng tới thu nhập của các vận động viên (VĐV), nhất là các VĐV có thành tích cao với các khoản thu nhập từ tiền thưởng huy chương, hỗ trợ thi đấu…

“Đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho tất cả mọi mặt đời sống xã hội và thể thao cũng không nằm ngoài guồng quay này. Các VĐV đội tuyển hưởng lương theo chế độ Nhà nước, mức lương vẫn được đảm bảo đầy đủ trong thời gian này. Tuy nhiên, nhiều VĐV vẫn bị giảm thu nhập bởi mất đi các khoản tiền thưởng huy chương, hỗ trợ tập huấn, thi đấu…bởi các giải thể thao bị huỷ bỏ hoặc hoãn lại do dịch bệnh”, ông Hổ nói.

Vận động viên sống thế nào thời dịch COVID-19? ảnh 1
Theo Nghị định quy định một số chế độ đối với VĐV trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cuối năm 2018, VĐV đội tuyển quốc gia được hưởng tiền lương 270.000 đồng/ngày, còn VĐV đội tuyển trẻ quốc gia có mức tiền lương là 215.000 đồng/ngày. Nếu tính đủ 26 ngày công (trừ 4 chủ nhật/tháng), mỗi VĐV đội tuyển quốc gia nhận lương hơn 7 triệu đồng/tháng, trong khi tuyển trẻ là hơn 5,55 triệu đồng/tháng.

Đối với tiền ăn, VĐV tuyển quốc gia và tuyển trẻ quốc gia đều ở mức 290.000 đồng/ngày. Với số tiền ăn này, VĐV không được “bỏ túi”, mà phải dùng hết theo khẩu phần ăn để bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, phục vụ tập luyện và thi đấu. 

Theo ông Hổ, mức lương hiện tại của VĐV đã tăng khoảng 50-60% so với mức lương cũ. Nếu không phải trường hợp quá đặc biệt, số tiền này cơ bản bảo đảm được đời sống VĐV hiện nay. Tuy nhiên, một số VĐV có gia đình thì vẫn còn khá khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. 

“Bà mẹ một con” của điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Phúc nói: “Do dịch bệnh nên công ty của chồng tôi thông báo nghỉ không lương 3 tháng. Vì thế, mọi khoản chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình thời gian này phục thuộc hoàn toàn vào tiền lương của tôi. Đối với một VĐV bình thường thì có thể đủ chi phí để trang trải cuộc sống, nhưng với một người có gia đình như tôi thì hơi khó khăn. Trước đó, tôi cũng bán hàng online: chân gà, khô gà… để tăng thêm thu nhập. Nhưng hiện tại công việc này cũng tạm ngừng do dịch bệnh. Dù vậy, đây là khó khăn chung của toàn xã hội, mình cũng phải cố gắng vượt qua thôi”.

Đối với những VĐV khoác áo đội tuyển, theo quy định của Nhà nước, nếu không được triệu tập thì nhận lương ở cơ quan chủ quản. Hiện tại, các VĐV đi bộ chưa tập trung tuyển. Vì thế, khoảng thời gian này, Thanh Phúc chỉ hưởng mức lương theo chế độ tập luyện địa phương với số tiền 180.000/ngày, tiền ăn là 220.000 đồng/ngày. 

Giống như Thanh Phúc, nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung đã trở về CLB Phong Phú Hà Nam, sau khi đội tuyển nữ Việt Nam kết thúc vòng loại Olympic. Với mức lương 180.000 đồng/ngày tại đội bóng chủ quản, nếu so với mức lương cũ cách đây 1 năm, Tuyết Dung cảm thấy ổn nếu biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm.

Đối với một số VĐV nhận lương tuyển quốc gia, cuộc sống dường như ổn định hơn. “Bà mẹ một con” Nguyễn Thị Huyền của đội tuyển điền kinh Việt Nam chia sẻ: “Nhìn chung, trong khoảng thời gian dịch bệnh này, với cá nhân tôi, mọi thứ không có gì thay đổi nhiều. Thu nhập có giảm đôi chút do nhiều giải bị hoãn.

Tuy nhiên, chồng tôi là viên chức, lương ổn định. Mức lương của tôi trên tuyển cũng không bị ảnh hưởng. Hai vợ chồng vẫn cùng nhau san sẻ mọi vấn đề trong gia đình, kể cả chi tiêu hằng tháng nên không có gì phải lo lắng nhiều. Hiện tại, tôi vẫn tập luyện đều đặn để sẵn sàng quay trở lại thi đấu sau dịch. Có một chút thay đổi nhỏ là các giải bị hoãn nên tôi phải thay đổi giáo án tập luyện”.

VĐV Nguyễn Thị Huyền (SN 1993) cho biết, lo lắng nhất đối với cô lúc này là không được gặp con gái mới hơn 1 tuổi. Do tập trung ở tuyển, nên cô phải gửi con cho bà nội ở Lạng Sơn chăm sóc. “Thông thường, cứ cuối tuần là tôi tranh thủ thời gian về thăm con, chơi với con. Tuy nhiên, hiên tại trung tâm (Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội) đang thực hiện cách ly, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cả tháng nay rồi, tôi không được gặp Cún (con gái của Huyền). Tôi nhớ cháu lắm, nhưng cũng chỉ có thể nhìn con qua video, Facetime mỗi ngày. Tầm tuổi này, con biết nhiều thứ rồi nên tôi càng nhớ cháu hơn”, nhà vô địch Sea Games bày tỏ.

MỚI - NÓNG