Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải: Lúc này, bóng đá cần đoàn kết

Thứ trưởng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Khánh Hải. Ảnh: VFF
Thứ trưởng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Khánh Hải. Ảnh: VFF
TP - Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch LĐBĐVN (VFF) đã có cuộc trao đổi xoay quanh các vấn đề của bóng đá Việt Nam trong bối cảnh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thưa ông, dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động thể thao, trong đó có bóng đá. Trước mắt đâu là các công việc chúng ta cần xử lý và vừa qua VFF có chỉ đạo nào hay không?

Chúng ta có thể thấy, COVID-19 đang ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, thể thao cũng như bóng đá cũng không ngoại lệ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt tất các các hoạt động thể dục, thể thao đều phải tạm dừng, đây là vấn đề bất khả kháng. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tôi đã yêu cầu VFF cần làm việc với VPF, khuyến cáo các CLB thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khoẻ cho các cầu thủ. Đồng thời VPF cũng phải có chủ động chuẩn bị các phương án hợp lý để khi hết dịch, bóng đá sớm trở lại.

Ông dự liệu khi nào V-League và các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia có thể tiếp tục?

Lúc này rất khó để ai đó có thể đưa ra dự đoán chính xác thời điểm hết dịch. Tuy nhiên có thể thấy trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là sự đồng lòng của nhân dân, Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Lạc quan mà nói nếu mọi thứ tiến triển tốt, tôi hy vọng có thể từ cuối tháng Năm hoặc chậm hơn một chút, bóng đá có thể trở lại. Nếu để qua tháng Bảy thì sẽ rất khó khăn. Khi đời sống của người dân trở lại bình thường, các hoạt động văn hóa-thể thao là rất cần thiết để tạo không khí lạc quan, tích cực. Thế nên bóng đá phải có sự chuẩn bị tốt.

VPF vừa qua đã họp trực tuyến lấy ý kiến các CLB về phương án tổ chức V-League, nhưng không được bầu Đức và HAGL ủng hộ. Ông nghĩ thế nào về việc này?

Tôi có theo dõi trên báo chí và cũng được ở dưới báo cáo. Thật tình tôi cho rằng đây là vấn đề rất nhỏ, tất cả đều vì cái chung thì tại sao không thể trao đổi với nhau cho thông suốt. Tôi không biết có khúc mắc gì không nhưng chuyện như vậy, các anh ấy hoàn toàn có thể điện thoại cho nhau để bàn bạc. Như thế người ngoài họ cũng không nói anh em bóng đá chuyện bé mà tranh cãi nhau.

Ông đánh giá thế nào về phương án tổ chức V-League thi đấu tập trung tại miền Bắc, có thể là hết giai đoạn lượt đi?

Trước hết cần phải khẳng định, trong tình hình dịch bệnh hiện nay chỉ khi nào Chính phủ và các ban ngành liên quan cho phép, bóng đá và các hoạt động thể thao mới có thể trở lại. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là chúng ta bị động ngồi yên, mà cần bình tĩnh và có sự chuẩn bị tốt. Thế nên việc VPF tổ chức họp, trao đổi với các CLB tôi nghĩ là cần thiết. Tôi nghĩ là VPF sốt ruột cũng đúng thôi, vì giải hoãn ảnh hưởng rất nhiều tới các CLB. Ngoài chuyện chi phí tài chính phát sinh hàng tháng, cầu thủ không được thi đấu thì duy trì phong độ như thế nào cũng là vấn đề.

Theo tôi biết kế hoạch thi đấu tập trung của VPF đưa ra khi tình hình chưa quá phức tạp, còn hiện tại dịch đã xuất hiện lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Rất khó để bao quát được toàn bộ các đội bóng, trong khi chỉ một trường hợp xảy ra thôi giải sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ rằng khi hết dịch rồi, đảm bảo an toàn thì tính toán phương án tập trung hay cụ thể ra sao có thể xem xét được. Lúc đó các CLB cần phải cùng với VPF trao đổi tiếp để thống nhất với nhau. Theo tôi chúng ta cần xác định đây là sân chơi chung, mỗi thành viên cần có một phần trách nhiệm.

Có thông tin Thường trực VFF muốn “tái cấu trúc” lại thượng tầng VPF?

Chuyện đó không có đâu. Lúc này cái chúng ta cần là đoàn kết, tập trung để vượt qua khó khăn.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu V-League phải hoãn quá lâu, đâu là vấn đề khiến ông lo lắng nhất?

Cuối năm đội tuyển Việt Nam sẽ phải tham dự Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Đội tuyển Việt Nam đang có lợi thế, mục tiêu của chúng ta là phải đi tiếp vào vòng sau nên cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Với AFF Cup 2020 thì dĩ nhiên chúng ta phải hướng tới bảo vệ thành công ngôi vô địch. Như tôi nói ở trên, nếu giải hoãn lại quá lâu thì thực sự chúng ta sẽ khó khăn. Đây là vấn đề rất đáng lo lắng. Trước mắt chúng ta phải chờ diễn biến dịch còn sau đó tuỳ tình hình, cần có kế hoạch chu đáo, dự phòng cho mọi khả năng có thể xảy ra.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG