Thể thao Việt Nam năm 2014: Niềm vui lẫn nỗi buồn

 Những làn sóng đỏ của CĐV Việt Nam lại xuất hiện trên khán đài sân Mỹ Đình từ hiệu ứng U19 VN và màn trình diễn của ĐTVN ở vòng bảng AFF Cup. Ảnh: Như Ý
Những làn sóng đỏ của CĐV Việt Nam lại xuất hiện trên khán đài sân Mỹ Đình từ hiệu ứng U19 VN và màn trình diễn của ĐTVN ở vòng bảng AFF Cup. Ảnh: Như Ý
TP - Năm 2014 đã kết thúc với thể thao Việt Nam trong cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Bên cạnh những thành công, những dấu ấn đáng được ghi nhận của thể thao Việt Nam thì đâu đó vẫn có những nốt trầm, những dấu lặng mà chúng ta không thể không suy nghĩ.

Asian Games nhiều tâm trạng

Trong năm 2014, sự kiện quan trọng nhất của thể thao Việt nam chính là Asian Games 2014 diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc). Đây là sân chơi mà thể thao Việt Nam đã có sự đầu tư rất mạnh mẽ và chúng ta đến với ngày hội thể thao lớn nhất của châu lục bằng quyết tâm rất cao.

4 năm trước đấy, tại Asian Games 2010 diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), thể thao Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 1 HCV nhờ công của võ sỹ karate Lê Bích Phương. Hậu quả là nếu xét theo thành tích của các nước Đông Nam Á ở Asian Games 2010 thì chúng ta chỉ xếp hạng 7, đứng sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và Myanmar.

Đấy là thành tích rất không tương xứng với một nền thể thao luôn có mặt trong tốp 3 chung cuộc ở 6 kỳ SEA Games liên tiếp gần nhất. Bởi thế thể thao Việt Nam quyết tâm cải thiện điều này ở Asian Games 2014. Tuy nhiên, kết quả mà chúng ta nhận được ở Asian Games 2014 vẫn chỉ là 1 HCV, vẫn nhờ 1 môn võ thuật, chỉ khác lần này là wushu (Dương Thúy Vi) thay vì karate. Và thứ hạng của chúng ta xét theo bình diện Đông Nam Á chỉ tiến lên vị trí thứ 6 và tiếp tục xếp sau Myanmar.

Thành tích quá sức khiêm tốn ấy không phải là kết quả mà những người làm thể thao Việt Nam chờ đợi sau khi đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để đầu tư cho những niềm hy vọng vàng suốt 4 năm ròng rã, nhưng mặt khác đấy cũng là bài học để chúng ta nhìn lại mình. Bởi, chỉ có ở những sân chơi như Asian Games hay Olympic thì trình độ của các nền thể thao mới được thể hiện rõ nhất, chứ không phải những Đại hội thể thao kiểu “hội làng” như SEA Games.

Tuy nhiên, bức chân dung của thể thao Việt Nam ở Asian Games 2014 không chỉ toàn màu tối. Ở kỳ Đại hội thể thao châu Á diễn ra tại Hàn Quốc, thể thao Việt Nam đã được chứng kiến những cột mốc lịch sử như 2 chiếc HCĐ bơi lội của Nguyễn Thị Ánh Viên, hay thành tích lọt vào bán kết của đội tuyển (ĐT) bóng đá nữ.

Đây đều là những thành tích vô cùng quý giá và đáng nhớ mà thể thao Việt Nam đã phải chờ đợi rất lâu, có lúc tưởng chừng như chúng ta không có cơ hội với tới. Cuối cùng nhờ có sự đầu tư hợp lý và cả may mắn, các VĐV Việt Nam đã làm được những điều không tưởng.

Bóng đá đa cảm xúc

Chỉ trong một năm 2014, bóng đá Việt Nam đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Cơn sốt mang tên U19 Việt Nam tiếp tục lan từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi ngược vào Cần Thơ, tạo nên một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà. Một ĐT trẻ QG còn được hâm mộ và yêu mến hơn cả ĐTQG, cho dù ĐT trẻ QG ấy không giành được danh hiệu ở bất cứ giải đấu chính thức nào cho tới khi đội bóng này hoàn thành sứ mệnh lịch sử vào cuối năm 2014 vì các cầu thủ đã hết tuổi U19.

Thể thao Việt Nam năm 2014: Niềm vui lẫn nỗi buồn ảnh 1

Công Phượng trong pha ghi bàn

Cũng chính tình cảm có lúc quá mức dành cho U19 đã tạo nên một sự phân hóa sâu sắc chưa từng có trong nội bộ bóng đá Việt Nam, khiến cho ĐT U19 Việt Nam nhiều lúc như ở một thái cực hoàn toàn đối lập so với những ĐTQG khác, chẳng hạn như ĐT Olympic QG hay ĐTQG.

Trong năm 2014, bóng đá Việt Nam có 2 mục tiêu rất quan trọng và cụ thể là Asian Cup nữ 2014 với ĐT nữ Việt Nam và AFF Cup 2014 với ĐT nam Việt Nam, nhưng rất tiếc chúng ta đều thất bại ở cả 2 mục tiêu quan trọng này. ĐT nữ Việt Nam để thua ĐT nữ Thái Lan trong trận play-off diễn ra ngay tại TPHCM hồi tháng 5 vừa qua khiến chúng ta để lỡ cơ hội đoạt vé tham dự World Cup nữ 2015 tại Canada. Trong khi đó ĐT nam cũng bất ngờ thất thủ trước ĐT Malaysia cũng tại sân nhà ở bán kết lượt về AFF Cup 2014, dù rằng trước đấy vài ngày chúng ta đã giành chiến thắng ngay trên sân khách ở bán kết lượt đi.

Thất bại của 2 ĐTQG nam và nữ ở 2 giải đấu quan trọng nhất trong năm cùng với việc sân cỏ quốc nội vẫn chưa yên sóng vì tình trạng các đội bóng thi nhau bỏ cuộc, cầu thủ chơi bóng thô bạo tới mức đạp gãy chân nhau ngay trên sân, và đỉnh điểm là việc cơ quan điều tra bắt hàng loạt cầu thủ của 2 CLB V.Ninh Bình và Đồng Nai vì tội dàn xếp tỷ số khiến cho niềm tin của người hâm mộ dành cho bóng đá Việt Nam xuống đến đáy. Kết quả là V-League 2015 phải chờ tới sát ngày khai mạc mới chốt được nhà tài trợ.

Có thể nói, nếu không có thành tích lọt vào bán kết bóng đá nữ Asian Cup 2014 của ĐT nữ Việt Nam cùng sự xuất hiện đầy hứa hẹn của HLV Toshiya Miura với 2 ĐT Olympic QG và ĐTQG thì bóng đá Việt Nam đã trải qua một năm thất bại hoàn toàn. Bởi, ĐT U19 Việt Nam dù được hâm mộ cuồng nhiệt, dù được xem như tương lai của bóng đá Việt Nam thì trên thực tế họ vẫn chưa có danh hiệu chính thức nào, trong khi cũng với ĐT U19, Myanmar đã có vé tham dự VCK U20 thế giới vào năm 2015.

Những niềm vui không ngờ

Không thành công ở sân chơi được kỳ vọng nhất trong năm là Asian Cup 2014, nhưng thể thao Việt Nam vẫn thiết lập được những cột mốc đáng nhớ trong năm 2014. Đó là thành tích giành 1 HCV, 2 HCB cùng việc xô đổ 11 kỷ lục (bao gồm 3 kỷ lục quốc gia, 3 kỷ lục trẻ quốc gia, 2 kỷ lục trẻ thế giới, 1 kỷ lục châu Á, 2 kỷ lục trẻ châu Á) tại giải cử tạ vô địch thế giới diễn ra tại Kazakhstan vào tháng 11/2014 của Thạch Kim Tuấn, VĐV cử tạ số một Việt Nam hiện nay.

Thể thao Việt Nam năm 2014: Niềm vui lẫn nỗi buồn ảnh 2

Dù không giành HCV tại Asian Games song Thạch Kim Tuấn có một năm thi đấu rất thành công với việc giành 1HCV, 2HCB, xô đổ 11 kỷ lục chỉ trong một giải đấu tại Kazakhstan. Ảnh: VSI

Chỉ 2 tháng trước đó, Thạch Kim Tuấn đã phá kỷ lục tại Asian Games 2014 diễn ra ở Incheon (Hàn Quốc) để giành HCB, chỉ đứng sau kỷ lục gia thế giới người Triều Tiên Om Yun Chol. Chỉ mới 20 tuổi nhưng đã tiệm cận trình độ hàng đầu thế giới ở hạng cân 56kg, Thạch Kim Tuấn được xem là hy vọng vàng số một của thể thao Việt Nam ở Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil).

Cũng trong năm 2014, thể thao Việt Nam được chứng kiến sự kiện xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành người Việt Nam đầu tiên đứng vị trí số 1 thế giới nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Sở dĩ Hoàng Xuân Vinh có được vị trí này là nhờ anh đã giành được HCV tại Cúp bắn súng thế giới tại Fort Benning (Mỹ) hồi tháng 4.

Thể thao Việt Nam năm 2014: Niềm vui lẫn nỗi buồn ảnh 3

Hai vụ cá độ, đánh bạc của các cầu thủ Ninh Bình và Đồng Nai liên tiếp chỉ trong vài tháng khiến người hâm mộ đánh mất niềm tin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bóng đá nước nhà ảnh: Như Ý

Tại giải này, Xuân Vinh còn trở thành người Việt Nam đầu tiên phá kỷ lục thế giới trong vòng nửa thế kỷ qua. Trước khi Xuân Vinh thiết lập cột mốc lịch sử này, bắn súng Việt Nam chưa từng có xạ thủ nào lọt vào tốp 5 thế giới, và dù biết bảng xếp hạng các tay súng hàng đầu thế giới liên tục thay đổi tùy theo thành tích của các xạ thủ, thì cột mốc mà Xuân Vinh lập được vẫn rất đáng tự hào. Cũng với nội dung 10 m súng ngắn hơi nam, trong khuôn khổ ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 vừa kết thúc vào cuối năm, Hoàng Xuân Vinh đã phá sâu kỷ lục thế giới do chính anh vừa thiết lập ở Cúp bắn súng thế giới tại Fort Benning (Mỹ) hồi tháng 4.

MỚI - NÓNG