Thể thao Trung Quốc xem nặng thành tích

Wu Minxia (phải) và đồng đội He Zi thi đấu tại Olympic 2012
Wu Minxia (phải) và đồng đội He Zi thi đấu tại Olympic 2012
Tờ Sports Grid (Mỹ) đã viết như thế khi nữ VĐV nhảy cầu người Trung Quốc Wu Minxia bị giấu chuyện ông bà của cô đã mất hơn một năm trước để tập trung tập luyện giành huy chương Olympic 2012.
Wu Minxia (phải) và đồng đội He Zi thi đấu tại Olympic 2012
Wu Minxia (phải) và đồng đội He Zi thi đấu tại Olympic 2012.

Wu Minxia (26 tuổi) trở thành nữ VĐV nhảy cầu đầu tiên giành HCV ba kỳ Olympic liên tiếp sau khi đăng quang nội dung đôi nữ cầu mềm 3m tại Olympic 2012. Nụ cười chưa tắt trên môi, cô nhận hung tin về cái chết của ông và bà mình từ hơn một năm trước. Trong khi đó, mẹ của Minxia từ lâu vẫn giấu kín chuyện đang phải chống chọi với bệnh ung thư vú.

Cha mẹ Minxia quyết định giữ kín những bí mật khủng khiếp này để không làm ảnh hưởng đến quá trình tập luyện và thi đấu của cô tại Olympic 2012. Ông Wu Yuming, cha của Minxia, nói với Xinhua: “Đó đều là những lời nói dối chân thành”. Đây không phải lần đầu chuyện thương tâm như vậy xảy ra với thể thao Trung Quốc. Năm 2008, nữ VĐV cử tạ Cao Lei bước lên bục nhận HCV với những giọt nước mắt lăn dài trên má bởi được tin mẹ mất trước đó hơn hai tháng nhưng mọi người đã giấu cô. Sau đó, Cao Lei chẳng còn tâm trí nào để lắng nghe những lời chúc tụng. Cô tức tốc trở về quê ở Hồ Bắc để chịu tang muộn cho mẹ.

Bây giờ, từ sự cảm thương cho những giọt nước mắt ngày chiến thắng của Minxia, cả thế giới quay sang nhìn nền thể thao Trung Quốc - đất nước mà thể thao luôn được nhà nước ủng hộ bằng nguồn ngân sách khổng lồ nhiều thập kỷ qua - với ánh mắt đầy dò xét liệu đó có phải là thể thao chân chính?

Ở Trung Quốc, VĐV thường bị tách khỏi gia đình từ khi còn rất nhỏ và được đưa đến những ngôi trường đào tạo đặc biệt. Mỗi ngày họ phải tập luyện cật lực trong nhiều giờ. Minxia đã tập luyện lặn mỗi ngày từ khi mới 6 tuổi. Năm 16 tuổi, cô phải rời vòng tay gia đình để tập trung trong học viện thể thao dưới nước của nhà nước. Nhờ khổ luyện, Minxia trở thành VĐV lặn vĩ đại nhất Trung Quốc.

Thể thao Trung Quốc từng khiến cả thế giới phải bàng hoàng với cách huấn luyện như hành xác. Mới nhất là vụ HLV điền kinh Vương Đức Hiển “dạy” học trò nữ bằng dây da, dùi cui điện... bị phanh phui năm ngoái. Còn trước đó là rất nhiều hình ảnh khổ luyện của những em bé ở môn thể dục dụng cụ. Vì vậy, chuyên gia Martin Rogers của báo điện tử Yahoo!Sports đặt vấn đề về quyết tâm “thắng bằng mọi giá” của thể thao Trung Quốc, làn sóng chỉ trích đã trở nên nặng nề và gây nhiều tranh cãi ngay trong giới truyền thông nước này.

Cha của Minxia cho rằng thành công trong thi đấu mang đến tự hào cho cá nhân Minxia. Nhưng nếu Trung Quốc không quá xem nặng thành tích thì chuyện buồn hôm nay có xảy ra không? Bình luận viên Jordan Rabinowitz của tờ Sports Grid viết: “Hoàn toàn không có lòng nhân ái trong thể thao Trung Quốc”.

Lý lẽ của Rabinowitz là có cơ sở khi chúng ta nghe được những lời bộc bạch của ông Wu Yuming trên tờ Shanghai Morning Post (Trung Quốc): “Từ lâu, chúng tôi đã chấp nhận thực tế Minxia không hoàn toàn thuộc về chúng tôi. Thậm chí tôi còn không dám nghĩ đến việc hưởng thụ cuộc sống gia đình hạnh phúc”.

Trung Quốc luôn đặt nặng chuyện thành tích thể thao của các VĐV tại Olympic. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc thông qua giới truyền thông nước nhà gửi lời chúc mừng rất nhanh đến từng VĐV đoạt HCV tại Olympic 2012 nhưng lại không đá động lời nào với những người đoạt HCB hoặc HCĐ.

Một biên tập viên của tờ China Business News (Trung Quốc) viết: “Quả là hẹp hòi nếu chỉ nhìn Olympic thông qua lăng kính của những chiếc huy chương. Mọi người nên hiểu rằng thứ quan trọng nhất là những giọt mồ hôi, nước mắt VĐV đổ ra trong quá trình chinh phục thử thách. Đó còn là chuyện của hòa bình, tự do và công lý”.

“Nhưng khi mà Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thống trị bảng tổng sắp huy chương thì xem ra khó lòng có thể thay đổi quan niệm chiến thắng trong giới lãnh đạo thể thao Trung Quốc” - Martin Rogers kết luận.

Theo Tấn Phúc
Tuổi Trẻ
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG