Một clip bị phát tán rộng rãi trên Facebook và các mạng xã hội khác ghi lại vụ tấn công trên không của Ấn Độ nhằm vào khu trại được cho là của lực lượng khủng bố ở Pakistan. Nhưng thực tế đây là một đoạn lấy ra từ trò chơi điện tử. Những bức ảnh chụp thi thể bọc vải trắng, được cho là các tay súng Pakistan thiệt mạng trong vụ tấn công, thực ra là các nạn nhân thiệt mạng trong đợt nóng khủng khiếp năm 2015. Trong khi đó, báo chí địa phương đua nhau đăng những thông tin “độc quyền” về cuộc xung đột này, mà nhiều thông tin trong đó hoàn toàn sai thực tế.
Các giám đốc điều hành Facebook nói rằng mạng xã hội này đang ngập tràn những thông tin sai như thế. “Tôi chưa từng thấy thông tin giả bị lan truyền mạnh như vậy”, Trushar Barot, cựu nhà báo BBC nay đang là người chống tin giả trên mạng xã hội, viết trên Twitter.
Hiện tượng này xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử lớn nhất thế giới. Thủ tướng Narendra Modi và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đang chạy đua để có thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo 5 năm nữa. Có đến 879 triệu cử tri dự kiến đi bỏ phiếu trong đợt bầu cử kéo dài 5 tuần, bắt đầu từ ngày 11/4.
Nhưng khi chiến dịch vận động tranh cử đang vào giai đoạn gay cấn, Facebook cũng đang phải vất vả đối phó với tình trạng lan truyền tin giả và các thông điệp hận thù bị lan truyền trên mạng này cũng như ứng dụng nhắn tin WhatsApp của hãng. Đầu tuần này, Facebook cho biết họ đã xóa vài trăm trang thông tin và tài khoản lan truyền thông tin sai về BJP và đảng Quốc đại. Facebook cũng xóa hơn 100 trang thông tin và tài khoản giả mạo do quân đội Pakistan kiểm soát, báo New York Times đưa tin.
Ấn Độ có hơn 340 triệu người dùng mạng xã hội, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Rất nhiều thông điệp sai bị chính các ứng viên, đảng chính trị và báo chí đăng tải. Và trên WhatsApp, nơi các tin nhắn được mã hóa, Facebook cho biết họ không nhìn thấy những thông tin gì đang được chia sẻ.
Những nền tảng mạng xã hội khác như Twitter và YouTube cũng đang phải đối phó với tình trạng tin giả và các thông điệp thù hận chống Ấn Độ. Lần đầu tiên Ủy ban bầu cử Ấn Độ vừa phải đề nghị các dịch vụ trực tuyến giám sát những nội dung liên quan đến bầu cử do các đảng và ứng viên đăng tải.
Nhưng Facebook bị “soi” kỹ hơn cả, sau khi mạng này bị lợi dụng để phát tán thông tin giả mạo trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Các lãnh đạo Facebook cho biết bầu cử Ấn Độ là một trong những phép thử quan trọng nhất của mạng này trong năm nay, cùng với các cuộc bầu cử lớn khác ở Philippines và Indonesia. Hiệu quả quản lý của Facebook trong những cuộc bầu cử này sẽ là khúc dạo đầu để họ tìm ra cách điều hướng các chiến dịch tấn công, lan truyền tin giả và sự can thiệp của nước ngoài vào bầu cử tống thống Mỹ năm 2020.
Ấn Độ đã trở thành nơi thử nghiệm cho nỗ lực kiểm soát thông tin bầu cử trên Facebook từ năm 2014. Khi đó, Facebook hợp tác chặt chẽ với đội của ông Modi để đăng các đoạn quảng cáo và thu hút người ủng hộ. Với sự hỗ trợ này, ông Modi trở thành chính trị gia được “thích” nhiều thứ hai, sau Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Sau chiến thắng đó, Facebook khuyên ông Modi sử dụng mạng xã hội này để phục vụ công việc điều hành, như họp với các cơ quan chính phủ và quan chức qua mạng. Năm 2015, Tổng giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tổ chức buổi nói chuyện trực tuyến với ông Modi tại trụ sở của hãng tại Thung lũng Silicon. Facebook sau đó thường nêu Ấn Độ như một hình mẫu cho cách các chính phủ sử dụng mạng xã hội.
Nhưng sau đó, Facebook luôn hạ thấp quan hệ của họ với các chính trị gia khắp thế giới, bao gồm cả ông Modi, sau khi vấp phải tình trạng lan truyền thông tin chính trị giả.