Iran phóng tên lửa vào máy bay không người lái Mỹ trước khi tấn công tàu dầu?

Iran phóng tên lửa vào máy bay không người lái Mỹ trước khi tấn công tàu dầu?
TPO - Vài giờ trước vụ tấn công hai tàu chở dầu ở vịnh Oman hôm 13/6, phía Iran phát hiện một máy bay không người lái (drone) của Mỹ và phóng tên lửa đất đối không vào drone, một quan chức Mỹ nói với CNN ngày 15/6.

Tên lửa bắn trượt và rơi xuống biển, vị quan chức Mỹ nói.

Trước khi bị bắn, máy bay không người lái MQ-9 Reaper có nhiệm vụ quan sát các tàu của Iran ở gần hai tàu chở dầu. Hiện chưa rõ drone có ghi lại được hình ảnh tàu thuyền tấn công tàu chở dầu hay không.

Phía Mỹ nói rằng họ có thông tin về các chuyển động của phía Iran trước khi vụ tấn công diễn ra. Iran phủ nhận cáo buộc là họ liên quan vụ tấn công.

Vị quan chức Mỹ cũng nói rằng, vài ngày trước vụ tấn công tàu chở dầu, một chiếc Reaper của Mỹ bị bắn hạ, rơi xuống biển Đỏ. Nhiều người cho rằng, drone này đã bị các phiến quân Houthi phóng tên lửa bắn hạ.

Ngày 14/6, Lầu Năm Góc tuyên bố Tehran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công 2 tàu chở dầu trong vùng biển quốc tế sau khi công bố video và nói rằng hình ảnh cho thấy một tàu tuần tra Iran gỡ một quả mình chưa nổ khỏi thân một con tàu.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng, Mỹ tiếp tục làm việc để cộng đồng quốc tế đồng thuận rằng Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu.

Iran phóng tên lửa vào máy bay không người lái Mỹ trước khi tấn công tàu dầu? ảnh 1 Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: Video Blocks.

Ông Trump nói Iran “thực sự đã làm điều đó”

Ngày 14/6, Anh tuyên bố nước này “gần như chắc chắn rằng”, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã tấn công hai tàu chở dầu.

IRGC được thành lập sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Tháng 4/2019, Mỹ chính thức coi IRGC là một tổ chức khủng bố nước ngoài.

Một quan chức khác của Mỹ nói với CNN hôm 14/6 rằng, các tàu nhỏ của Iran đang ngăn các tàu kéo làm nhiệm vụ kéo một tàu chở dầu bị hư hải khỏi hiện trường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Iran đã thực sự làm điều đó và bạn biết đấy họ đã làm điều đó vì bạn nhìn thấy chiếc tàu (tàu tuần tra)”. Ý ông Trump là chiếc tàu tuần tra xuất hiện trong video mà Lầu Năm Góc mới công bố.

Trong đoạn video, một chiếc tàu nhỏ tiến tới hông chiếc tàu chở dầu của Nhật Bản. Một người đứng lên mũi tàu nhỏ, gỡ một vật khỏi thân tàu chở dầu. Phía Mỹ nói rằng, vật thể đó dường như là một quả mìn chưa nổ.

Kokuka Sangyo, công ty Nhật Bản sở hữu tàu chở dầu Kokuka Courageous, nói rằng có hai “vật thể chuyển động” làm móp méo thân tàu, nhưng không ảnh hưởng hàng hóa bên trong, Global News đưa tin ngày 15/6. Lãnh đạo công ty Nhật Bản nói rằng, vật thể đó không phải là ngư lôi.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạn nhân Iran, Mỹ áp dụng chính sách gây áp lực kinh tế tối đa và điều một nhóm tàu sân bay tới khu vực vùng vịnh. Một nguồn tin ngoại giao cấp cao nói: “Iran trả đũa để thể hiện rằng họ có thể gây gián đoạn (nguồn cung dầu mỏ) và đẩy giá dầu lên cao”.

Chính quyền Trump dự đoán rằng, áp lực từ Mỹ sẽ đưa Iran trở lại bàn đàm phán, nhưng các lãnh đạo châu Âu lại cho rằng, hành động của Mỹ chỉ khiến Iran thêm cứng rắn, nguồn tin nói.

Iran phóng tên lửa vào máy bay không người lái Mỹ trước khi tấn công tàu dầu? ảnh 2 Ảnh cắt từ video do Mỹ công bố cho thấy một tàu nhỏ tiến sát tàu chở dầu (để gỡ một vật thể nghi là mìn chưa nổ ra khỏi thân tàu). Nguồn: Global News.

Iran phủ nhận cáo buộc và lên án

Jonathan Cohen, quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói rằng, vụ tấn công tàu chở dầu là “một ví dụ nữa về hoạt động của Iran gây mất ổn định trong khu vực”.

Alireza Miryousefi, người phát ngôn của phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc, tuyên bố trên Twitter rằng, Iran “phản đối cáo buộc vô căn cứ của Mỹ và lên án cáo buộc đó ở mức cao nhất.

Ông Miryousefi cho rằng thật nực cười khi Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran giờ đây lại kêu gọi Iran trở lại đàm phán.

Ngoại trưởng Iran cũng cho rằng, Mỹ đã vội cáo buộc mà không đưa ra được bằng chứng nào.

Hồi tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom được điều tới Trung Đông để đối phó sự cảnh báo và các dấu hiệu rắc rối đang leo thang đến từ phía Iran.

Trong số hai tàu chở dầu vừa bị tấn công, Front Altair của một công ty Na Uy, chở dầu và Kokuka Courageous của công ty Nhật Bản, chở 25.000 tấn methanol. Tàu bị tấn công (nhiều khả năng là mìn nổ) khi ở gần eo biển Hormuz có vị trí chiến lược. Xấp xỉ 30% lượng dầu thô của thế giới mà chuyên chở bằng đường biển đi qua eo biển này. Vì thế, đây là một điểm nóng xung đột kinh tế và chính trị.

MỚI - NÓNG