Nước trở thành mặt hàng có thể mua bán ở Úc từ những năm 1980, nhưng trong những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp trị giá A$3 tỷ mỗi năm.
Ở Úc, quốc gia nằm trên lục địa khô hạn nhất thế giới, các điền chủ được trao quyền sở hữu nguồn nước và họ được phép mua đi bán lại, trong khi bất kỳ ai, kể cả tổ chức nước ngoài, có thể mua. Dù chính phủ quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng thông tin chi tiết về hoạt động đầu tư không được công khai. Báo chí còn nói rằng các nhà đầu tư không bị kiểm tra hồ sơ kỹ càng.
Tháng trước, báo cáo của cơ quan đăng ký quyền sở hữu với tài nguyên nước cho thấy Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất đối với các nguồn tài nguyên nước của Úc, theo sau là Mỹ.
Tính đến tháng 6 năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu 756 gigalit, tương đương 1,9% tổng lượng nước được bán trên thị trường. Mỹ sở hữu 713 gigalit, tương đương 1,85%.
Những thông tin này trở thành chủ đề cho hàng loạt bài viết chỉ trích Trung Quốc. Một trong những tờ báo lớn nhất của Úc còn đăng bài viết có tiêu đề “Sự tra tấn bằng nước của Trung Quốc”. Hơn chục tờ báo khác viết về câu chuyện này, dẫn đến nhiều thuyết âm mưu trên mạng về Trung Quốc cũng như vấn đề an ninh nguồn nước của Úc. Người dẫn một chương trình phát thanh buổi sáng thu hút đông thính giả nói rằng Trung Quốc đã “nhúng cả hai tay vào nguồn nước của chúng ta” và rằng “các nông dân đang bị đánh và cướp”.
Nhưng GS Quentin Grafton, giám đốc Trung tâm Kinh tế, môi trường và chính sách về nước tại ĐHQG Úc, nói rằng việc mua bán nước mang lại nhiều lợi ích đáng kể và lo ngại về quyền sở hữu của người Trung Quốc không thực chất lắm.
“Ai sở hữu không quan trọng, dù họ từ Trung Quốc, Mỹ hay Úc thì cũng không mang nước đi đâu được. Không thể xuất khẩu nước được”, GS Grafton nói.
Tình trạng hạn hán và thiếu nước ở Úc trở nên nghiêm trọng hơn vì biến đổi khí hậu. Natasha Kassam, trưởng bộ phận thăm dò dư luận tại Viện Lowy, cho rằng những bài báo tiêu cực về Trung Quốc phản ánh thực tế là “quan hệ với Trung Quốc trở nên quan trọng với nền kinh tế và an ninh của Úc hơn bao giờ hết”.
Về đầu tư nước ngoài vào Úc, số liệu của Bộ Ngoại giao và ngoại thương Úc công bố năm ngoái cho thấy Trung Quốc xếp thứ 9, với 2%, trong khi Mỹ chiếm 25,6%, Anh đứng thứ hai với 17,8%.
Vì lo các công ty nước ngoài sẽ kiếm lời từ tình trạng kinh tế bất định do đại dịch COVID-19 gây ra, Bộ trưởng tài chính Úc Josh Frydenberg tháng trước chỉ đạo Ban đánh giá đầu tư nước ngoài rà soát lại tất cả hoạt động mua của nước ngoài. Nhưng một điều tra gần đây của đài truyền hình quốc gia ABC phát hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường nước không bị kiểm tra kỹ càng.
Điều tra tìm ra rằng ít nhất 2 công ty nhà nước của Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng nguồn nước ở Úc. Năm 2008, một công ty là Chinatex Australia bị chỉ trích trước quốc hội Úc vì không chịu trả phí A$31,35 triệu để bồi thường cho một nhà sản xuất thịt bò vì một hợp đồng xuất khẩu thất bại.
Bà Helen Dalton, thành viên đảng Nông dân, Ngư dân và Thợ săn, là một trong những người kêu gọi cần minh bạch hơn nữa. Năm ngoái, bà đệ trình dự thảo luật yêu cầu các chính trị gia và doanh nhân trong và ngoài nước phải công bố những lợi ích liên quan đến nguồn nước.
Bà tin rằng các công ty nước ngoài không nên được phép đầu tư vào “nguồn tài nguyên giá trị nhất của Úc”.
Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc đang điều tra cáo buộc các công ty trong và ngoài nước đang đẩy giá nước lên cao bằng cách thao túng thị trường.
GS Grafton cho rằng việc công bố báo cáo về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài đối với tài nguyên nước của Úc vào cuối năm nay sẽ làm sáng tỏ hơn những lo ngại về tình trạng thao túng thị trường, và hy vọng sẽ loại bỏ được những thuyết âm mưu về Trung Quốc.