Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan

"Có lần đang ở tầng 2, thấy cảnh sát Đài Loan ập tới, tôi chạy vội ra lan can phía sau rồi nhảy xuống đất tháo chạy", Phong, kể.

Sau 10 năm ở Đài Loan, trong đó có 8 năm "làm chui", Trần Phong (quê Đô Lương, Nghệ An) đã ra tự thú hồi cuối 2017 với lý do chính là để được đường hoàng cưới vợ, làm cha. 

Phong cho biết, mình sang Cao Hùng, Đài Loan lúc 19 tuổi, làm việc trong một xưởng cơ khí. Sau hơn 2 năm, công ty ít việc, Phong theo 6 đồng hương trốn ra ngoài với hy vọng có thu nhập tốt hơn. 

Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan ảnh 1

Phong với cuốn hộ chiếu để chuẩn bị về nước sau khi tự thú tại Đài Loan cuối năm 2017. Ảnh: P.H.

Không gặp được người hứa giúp, anh tá túc vài ngày dưới hầm cầu đi bộ, rồi vét tiền mua vé lên tàu nhưng chẳng biết nên xuống ga nào, cho tới khi gặp một phụ nữ quê Hải Phòng. Anh theo chân chị này xuống tàu và sau đó được chị giới thiệu đi làm ở cơ sở phân loại rác. Những năm sau, Phong trải qua đủ nghề: dọn rác, dọn phân và cho gà ăn, vào trang trại chăm lợn, bò, lên núi hái chè... 

Phong kể, cuộc sống chui lủi nay đây mai đó, nhiều lần anh phải bán sống bán chết chạy cảnh sát, chỉ với một thôi thúc: "Không được để bị bắt, không thể về nước". "Ở bên đó dù có khổ cực nhưng cơ hội kiếm tiền vẫn dễ dàng, cuộc sống trừ những lúc phải lẩn trốn thì không tới nỗi nào, mọi người xung quanh ai có việc nấy làm, mình cũng chẳng bị soi xét, đánh giá gì. Còn về quê, phải bắt đầu lại, nản lắm", Phong giải thích.

Bốn năm trước, Phong học được nghề xăm mình từ một người Thái Lan khi đi làm tại thành phố Tân Bắc. Cũng từ công việc mới này, anh quen và yêu một cô gái gốc Trung, cả gia đình đã định cư tại Đài Loan nhiều năm. Khi định làm đám cưới, họ hiểu rằng chỉ có thể gọi nhau là vợ, chồng chứ không thể kết hôn hợp pháp khi Phong đang "ở chui". Phong được bạn gái động viên đi tự thú.

Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan ảnh 2 Biên lai phạt của anh Phong  khi ra tự thú là 10.000 Đài tệ (khoảng 7,6 triệu đồng) và bị trục xuất về nước. Phong cho biết nhiều lao động giống mình, cho rằng mức phạt không cao nên vẫn nấn ná cố làm việc chui để kiếm tiền thêm được ngày nào hay ngày ấy. Ảnh: P.H.

"Tôi thực sự đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Khi đó tôi đang có công việc tốt, thu nhập khá. Ra tự thú nghĩa là tôi phải bỏ tất cả, trở về nước, trong khi cơ hội kết hôn, trở lại đây sống lâu dài với vợ cũng không có gì chắc chắn. Nhưng ở lại, dù kiếm được nhiều tiền, tôi vẫn là một kẻ lưu vong, sống chui lủi, rồi sau này tương lai con cái ra sao?", Phong nhớ lại.

Cuối cùng, sau khi làm lễ cưới, anh quyết định ra tự thú, nộp phạt 10.000 ngàn Đài tệ (khoảng 7,6 triệu đồng) vì cư trú bất hợp pháp, rồi về nước. Lần ấy, vợ anh cũng về cùng. Cả hai làm đám cưới tại Nghệ An rồi thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn. 

"Trong suốt thời gian ở bên kia tôi chưa từng bị bắt, phạt vì lỗi gì nên khi kết hôn với công dân Đài vẫn còn cơ hội được xét định cư. Chật vật 400 ngày, chúng tôi cũng đã xong xuôi các thủ tục, giờ chỉ đợi tầm một tháng nữa là tôi được sang bên kia đoàn tụ với vợ", Phong kể. Anh vừa lên chức bố 2 tháng trước và mong ngóng được gặp con gái lần đầu.

"Nếu ngày xưa ai hỏi vì sao trốn ra ngoài, tôi sẽ nói ngay rằng vì công ty ít việc, lương thấp, vì muốn nhanh kiếm đủ tiền gửi về cho cha mẹ cha nợ. Nhưng bây giờ nhìn lại, tôi hiểu đó chỉ là một phần, lý do chính là vì sự bồng bột, không thích khuôn khổ của tuổi trẻ, của sự liều lĩnh và ít hiểu biết", Phong tâm sự. 

Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan ảnh 3 Phong và vợ chụp ảnh cưới tại Đài Loan cuối năm 2016 nhưng không thể kết hôn chính thức khi anh đang sống và  lao động chui tại đây. Ảnh: N.K.

Anh cho biết, rất nhiều người cũng như anh, đi xuất khẩu lao động khi còn rất trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm, kỳ vọng kiếm được nhiều tiền và vỡ mộng sau đó. "Nếu các công ty môi giới tư vấn kỹ càng, mình chuẩn bị tâm lý về cuộc sống, công việc cụ thể sau khi sang xứ người, sẽ đỡ rất nhiều sự đưa đẩy tới những ngã rẽ khó lường", Phong bày tỏ.

Anh cho biết, nhiều bạn bè trốn ra ngoài làm không có được may mắn như anh, có người gặp tai nạn ngã giàn giáo bị gãy chân, người mất mạng lúc làm việc, vì đánh nhau... Cũng có người chọn tiếp tục ở lại, sống chui lủi.

Với tâm lý "cố ở lại kiếm thêm, cùng lắm bị bắt thì nộp phạt rồi về nước", Thắng, 27 tuổi, quê ở ngoại thành Hà Nội cũng đang làm chui tại một vùng núi thuộc huyện Đào Viên, Đài Loan. 

Thắng cho biết, dù được nghỉ năm mới vài ngày nhưng anh sẽ "ở ẩn" trong phòng trọ vì sợ bị bắt khi mấy ngày nay cảnh sát đang ráo riết truy tìm những khách Việt mất tích ở Đài Loan. "Chủ tôi cũng dặn mọi người phải cẩn thận, không được đi lung tung. Nếu một người lao động bị bắt, ông ấy cũng bị phạt tới vài trăm triệu", Thắng kể.

Thắng qua Đài Loan theo hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ giữa năm 2014, sau khi nộp hơn 120 triệu cho môi giới và được hứa hẹn lương có thể lên tới 30 triệu vì tăng ca nhiều. 

Tuy nhiên, sang tới nơi, anh thất vọng vì làm trong một xưởng sản xuất nhỏ, sinh hoạt gò bó theo nhà chủ, mỗi tháng, trừ tiền môi giới, ăn uống... chỉ còn chưa tới 10 triệu gửi về. Sau nửa năm, Thắng định đi làm ngoài giờ ở một số xưởng gần đó nhưng ông bà chủ không đồng ý. Một năm sau, được đồng hương rủ ra ngoài để có cuộc sống thoải mái và thu nhập tốt hơn, Thắng theo luôn. 

Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan ảnh 4 Hình ảnh người lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Đài Loan trong phim tư liệu của VTV. Ảnh: VTV.

"Công việc mới là cứ đêm đến thì đi bắt gà tại các trang trại để chủ giao cho cơ sở giết mổ. Tôi làm cùng chục người khác, mỗi đêm phải bắt mấy vạn gà. Ban đầu, thấy oải quá, tôi muốn bỏ nhưng vì lương được tới 30 triệu và cũng không biết phải đi đâu, tôi lại cố", Thắng kể.

Thắng ở trọ cùng 5 người Việt, tất cả đều trốn từ các công xưởng nhỏ ra. Anh cho biết, khu mình sống ở vùng núi khá hoang vu nên ít bị cảnh sát kiểm tra. Dù vậy, anh và các đồng hương cũng thấp thỏm sợ bị bắt nên ít đi đâu, nhất là tới nhà ga, quán đông người và nhắc nhau nếu gặp cảnh sát thì không được liếc nhìn hay thể hiện sự sợ hãi khiến họ nghi. 

Có lần, Thắng và cả nhóm tổ chức sinh nhật, đang ăn uống thì thấy có cảnh sát tới gõ cửa. "Chúng tôi tưởng họ tới bắt, vội vàng tắt nhạc, tắt đèn rồi cố thủ bên trong, không mở cửa, ai nấy tim đập chân run. May quá một lúc thì họ bỏ đi. Hoá ra, do tụi tôi bật nhạc to, hàng xóm báo cảnh sát tới nhắc nhở. Hú vía", Thắng nhớ lại. 

Anh cho biết, vì sống, làm chui nên mọi người dù đau ốm cũng không dám đến viện khám. "Chúng tôi làm ngoài không có bảo hiểm, tự chi trả là trắng tay", anh nói.

Thắng dự định sẽ ở lại một năm rồi ra tự thú và về nước. "Ở quê bố mẹ đang xây nhà. Tôi cố làm thêm cho đủ", Thắng bày tỏ. 

Trong bộ phim tư liệu chiếu vào tháng 3/2018, đoàn làm phim của VTV đã ghi lại cuộc sống khắc nghiệt của những người lao động Việt ở Đài Loan: người phải chui vào rừng trốn trong đợt cảnh sát truy quét, người bị thương khi cố chạy thoát, người mất mạng vì ốm không dám vào viện... Cũng trong phim tư liệu này, một ông chủ người Đài Loan cho biết, vì người bản xứ không muốn làm các công việc nặng nhọc, chân tay nên họ bất đắc dĩ phải thuê lao động bất hợp pháp, nếu không, rau màu đến vụ thu hoạch sẽ hỏng hết.

Đạo diễn bộ phim, anh Tạ Quỳnh Tư, cho biết, khi tìm hiểu thực tế tại Đài Loan cuối năm 2016, ekip đã gặp rất nhiều lao động "chui" Việt Nam và không ít người chia sẻ, họ phải vay mượn khoản lớn để đi nhưng không hiểu rõ những điều khoản trong hợp đồng nên vỡ mộng khi tới "miền đất hứa". Khi làm việc với Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, anh cũng được xem nhiều lá thư khiếu nại các công ty môi giới từ người đi XKLĐ.

Một cán bộ Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ lao động thương binh và xã hội), cho biết, tới nay có khoảng 222.600 lao động Việt Nam sang làm việc theo hợp đồng XKLĐ tại Đài Loan, trong đó có 24.000 trường hợp trốn ra ngoài, chiếm gần một nửa số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại nước này. 

Bà cho biết, khi bỏ trốn ra ngoài, người lao động phải gánh chịu rất nhiều rủi ro: Bị cảnh sát truy lùng, là đối tượng dễ bị cướp bóc, khi bị ốm đau gặp tai nạn lao động thì không được chăm sóc kịp thời hay hưởng chế độ bồi thường. Đồng thời dễ bị lôi kéo vào những việc làm phi pháp...

Khi bị bắt họ sẽ bị phạt theo Luật di trú của Đài Loan với nhiều mức độ khác nhau, như bị phạt tiền, cấm nhập cảnh vào Đài Loan trong 10 năm.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG