Sử dụng mô hình toán học, nghiên cứu của nhóm chuyên gia dự báo Covid-19 sẽ khiến các bệnh viện “vỡ trận”, buộc chính phủ không còn cách nào khác ngoài chấp nhận chính sách phong tỏa.
Báo cáo dự đoán nước Mỹ sẽ có đến 2,2 triệu ca tử vong vì Covid-19. Giới chức Mỹ nói rằng, cảnh báo này cũng ảnh hưởng đến việc Nhà Trắng đẩy mạnh các biện pháp để hạn chế tiếp xúc xã hội.
TS Ferguson cũng thông báo bản thân ông đã nhiễm Covid-19 và đang phải cách ly. “Có rất nhiều người nhiễm Covid-19 ở Westminster”, ông viết. Theo số liệu của chính phủ Anh, riêng quận này đã có 58 ca nhiễm.
Khẩn cấp về an ninh sinh học
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về an ninh sinh học”. Ông khuyến cáo người dân hủy bỏ tất cả kế hoạch ra nước ngoài vì đại dịch Covid-19 có thể kéo dài ít nhất 6 tháng.
Tuyên bố chính thức này trao thêm quyền cho chính phủ để đóng cửa các thành phố và khu vực, áp lệnh giới nghiêm và yêu cầu người dân cách ly nếu cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.
Cảnh báo đi lại được nâng lên mức chưa từng thấy: cấp độ 4, nghĩa là người dân không đi bất kỳ nước nào trên thế giới. Những người bất chấp cảnh báo sẽ không được chính phủ hỗ trợ nếu gặp rắc rối ở nước ngoài. Lệnh cấm tụ tập trong nhà với số lượng hơn 100 người cũng được áp dụng.
“Cuộc sống ở Úc đang thay đổi và cũng thay đổi trên khắp thế giới. Cuộc sống còn tiếp tục thay đổi khi chúng ta đối phó với virus corona toàn cầu. Đây là sự kiện trăm năm mới có một lần”, ông Morrison nói.
Úc đã có hơn 500 ca nhiễm và 6 trường hợp tử vong, con số không phải lớn so với nhiều nước khác. Nhưng giới chức nước này đặc biệt quan ngại về nguy cơ người nhiễm tăng theo cấp số nhân.
Tình trạng các kệ hàng trong siêu thị trống trơn vì người dân đổ xô mua đồ tích trữ khiến ông Morrison trực tiếp kêu gọi mọi người dừng lại. “Dừng lại. Việc đó không khôn ngoan, không có ích và tôi luôn phải nói rằng đây là một trong những điều thất vọng nhất mà tôi thấy trong ứng xử của người Úc đối với cuộc khủng hoảng này. Đó không phải điều mà con người chúng ta nên làm”, ông nói.
Các nhà kinh tế học dự báo trong nửa đầu năm nay, Úc sẽ rơi vào kỳ suy thoái đầu tiên trong gần 3 thập kỷ, dẫn đến số lượng người thất nghiệp tăng nhanh chóng.
Iran trầm trọng
Tình hình dịch Covid-19 ở Iran đang ở mức tồi tệ nhất thế giới với hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Nước này có nhiều quan chức nhiễm Covid-19 hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Các bệnh viện dã chiến đã được dựng lên tại những bãi đỗ xe, nhà thi đấu, trung tâm tiệc cưới để tiếp nhận số lượng bệnh nhân quá đông, theo AP.
Hàng loạt tin nhắn có nội dung ngược nhau được gửi đi trong những ngày gần đây gây bức xúc trong dư luận, trong bối cảnh đời sống đã khó khăn vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp cao. Một số người còn hy vọng Lực lượng vệ binh hồi giáo cách mạng và những lực lượng khác của quân đội đảm nhận công việc cách ly. Đối với nhiều người Iran, đây là điều không tưởng tượng được chỉ cách đây vài tuần, khi lực lượng này mạnh tay dập tắt những cuộc biểu tình chống chính phủ.
Trong các bài phỏng vấn, cả những người ủng hộ và không ủng hộ chính phủ đều chỉ trích nặng nề điều mà họ gọi là sự bất lực và thất bại trong đánh giá tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng. Iran hôm qua báo cáo thêm 147 ca tử vong mới, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19 ở nước này lên 1.135. Số ca nhiễm của nước này hiện là 17.361.
Ðông Nam Á cần quyết liệt hơn
Bà Poonam Khetrapal Singh, giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vừa kêu gọi các nước ở khu vực này cần hành động quyết liệt để chống dịch Covid-19, cảnh báo một số nước đang tiến tới tình trạng lây lan cộng đồng. Đang có lo ngại hệ thống y tế công cộng yếu hơn ở nhiều nước Đông Nam Á không thể đối diện với dịch bệnh quy mô lớn. Malaysia hiện có số ca nhiễm nhiều nhất ở Đông Nam Á, với ít nhất 673 trường hợp.
Trung Quốc vừa đề xuất thành lập “Con đường tơ lụa y tế” để thúc đẩy phối hợp toàn cầu trong đối phó với đại dịch.