Chính quyền nước này đang lo ngại dịch lan xuống các vùng miền Nam, nơi có hệ thống y tế yếu kém hơn nhiều so với miền Bắc. Diễn biến dịch Covid 19 tại Ý chưa có bất cứ dấu hiệu nào khả quan sau 4 ngày phong toả toàn bộ đất nước. Tổng cộng, Ýcó 17.660 ca nhiễm và 1.266 người thiệt mạng kể từ đầu dịch, tiếp tục là nước chịu tổn thất nghiêm trọng nhất bởi Covid 19 trên thế giới, sau Trung Quốc.
Tổng thống Trump ngày 13/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ để giải phóng 50 tỷ USD trong ngân sách liên bang nhằm đối phó virus corona. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một phần trong các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế sau một tuần chao đảo của thị trường và gián đoạn trong cuộc sống thường ngày. Tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã ghi nhận 2.269 người nhiễm virus corona, trong đó 572 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. 48 người đã tử vong vì virus corona tại Mỹ.
Nhiều nước châu Âu thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới do COVID-19 như Ukraine, Ba Lan, Cộng Hòa Síp, Mỹ. Ngày 13/3, Ukraine thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 2 tuần và sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không. Cùng ngày, Ba Lan thông báo sẽ đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài, công dân nước này từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly 2 tuần. Các biện pháp này sẽ được áp dụng từ nửa đêm 14/3.
Tính đến 22 giờ 30 ngày 13/3, số ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng lên thành 139.630 người. Trong khi đó, số ca tử vong đã vượt mốc 5.000 người. Dịch bệnh đã lây lan từ Trung Quốc đại lục sang 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện 3 nước có số ca tử vong do bệnh COVID-19 cao nhất trên thế giới gồm Trung Quốc đại lục với 3.176 ca, sau đó là Italy với 1.016 ca và Iran với 514 ca. Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại Trung Quốc đại lục, Italy và Iran lần lượt là 80.815, 15.113 và 11.364 người.
Thủ tướng Pedro Sanchez ngày 13/3 tuyên bố Tây Ban Nha sẽ ở trong tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày tới để chống dịch Covid-19. Tình trạng khẩn cấp trên sẽ cho phép chính phủ thực hiện nhiều biện pháp khác nhau bao gồm tạm thời chiếm quyền kiểm soát các nhà máy hoặc bất kỳ cơ sở nào khác trừ nhà riêng. Tây Ban Nha có số ca bị COVID-19 cao thứ hai ở châu Âu sau Ý. Con số được ghi nhận hiện tại của Tây Ban Nha đứng ở mức 4.209 người, tăng khoảng 1.000 người kể từ ngày 12-3 và bảy lần so với hôm 8-3. Khoảng 120 người đã tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới chính thức đưa ra tuyên bố coi châu Âu là tâm dịch mới của đại dịch Covid 19. Tuyên bố liên quan đến diễn biến dịch Covid 19 tại châu Âu được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới – WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo ngắn được tổ chức trong chiều 13/3 tại Geneva – Thuỵ Sỹ. Bên cạnh việc đưa ra các thông tin và đánh giá mới, Tổng Giám đốc WHO cũng tiếp tục kêu gọi tất cả các nước thực hiện cách tiếp cận chung là tiến hành xét nghiệm, truy tìm các tiếp xúc của người nhiễm bệnh, thực hiện tự kiểm dịch và cách ly xã hội.
Tổng thống Braziln Jair Bolsonaro ngày 13/3 cho biết, ông đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuyên bố được Tổng thống Bolsonaro đưa ra trên trang Facebook cá nhân. Trước đó, nhật báo O Dia, tờ báo hàng đầu tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil đưa tin ông Bolsonaro đã có kết quả xét nghiệm lần một dương tính với virus SARS-CoV-2. Thông tin này sau đó được nhiều hãng thông tấn báo chí trên thế giới đăng lại.
Lầu Năm Góc ngày 13/3 tuyên bố sẽ duy trì 2 biệt đội tàu sân bay tấn công tại vùng Vịnh sau các cuộc không kích vào 5 kho chứa rocket tại Iraq. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) Kenneth McKenzie cho biết 2 nhóm tàu sân bay này sẽ duy trì sự hiện diện tại khu vực sau hàng loạt các cuộc tấn công được cho là do các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào các cơ sở quân sự của Mỹ tại Iraq, khiến căng thẳng leo thang giữa Washington và Tehran.