Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller trong cuộc họp báo ở Washington DC. Ảnh: TTXVN |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đánh giá Na Uy “có lịch sử lâu dài về việc đóng vai trò hiệu quả trong mối liên hệ giữa Chính phủ Israel và Chính quyền Palestine”.Washington không cho rằng “những biện pháp ngăn chặn Oslo là hữu ích”. Đồng quan điểm với phía Mỹ, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cùng ngày ra tuyên bố phê phán quyết định “không công bằng” của phía Israel khi thu hồi tư cách ngoại giao của các phái viên Na Uy. Trong tuyên bố, ông Borrell đánh giá động thái của Israel đi ngược lại tinh thần của các Thỏa thuận Oslo và gây xáo trộn nghiêm trọng đến những mối quan hệ và hợp tác bình thường với PA.
Căng thẳng ngoại giao giữa Na Uy và Israel. Na Uy ngày 8/8 cho biết đã triệu một quan chức Đại sứ quán Israel để phản đối quyết định của Israel thu hồi tư cách của các nhà ngoại giao quốc gia Bắc Âu này làm việc tại các vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng. Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide đã đưa ra thông tin trên tại buổi họp báo, đồng thời cho biết Chính phủ Na Uy đang xem xét những biện pháp tiếp theo. Trước đó, cùng ngày, trong công hàm chính thức gửi đến Đại sứ quán Na Uy tại Tel Aviv, Bộ Ngoại giao Israel cho biết không thừa nhận 8 nhà ngoại giao Na Uy làm việc tại các vùng lãnh thổ nói trên.
Quân đội Israel ra lệnh sơ tán trên diện rộng ở miền Nam Dải Gaza. Quân đội Israel ngày 8/8 đã ra lệnh sơ tán trên diện rộng ở các khu vực xung quanh thành phố Khan Younis thuộc miền Nam Dải Gaza, đồng thời cho biết các lực lượng của nước này sẽ nhanh chóng triển khai trong khu vực để đáp trả vụ tấn công bằng rocket. Dải Gaza hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do các biện pháp hạn chế của Israel đối với viện trợ và giao tranh đang diễn ra khiến khả năng tiếp cận các nguồn cung cấp y tế, thực phẩm và những nguồn cung thiết yếu khác trở nên khó khăn hơn.
Thủ lĩnh Houthi tiết lộ nguyên nhân trì hoãn trả đũa Israel. Trong một phát biểu đưa ra ngày 8/8, thủ lĩnh nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, ông Abdul Malik al-Huothi cảnh báo cuộc tấn công đa mặt trận dự kiến vào Israel là "không thể tránh khỏi và sẽ xảy ra". Theo thủ lĩnh Houthi, sự chậm trễ trong phản ứng của “trục kháng cự” đối với sự leo thang của Israel hoàn toàn là chiến thuật, nhằm đảm bảo phản ứng có tác động chống lại kẻ thù. Khi đề cập đến các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra của Mỹ và châu Âu nhằm hạ nhiệt tình hình, ông Abdul Malik al-Huothi nhấn mạnh: "Không có gì có thể làm chệch hướng quyết định phản ứng, chẳng hạn như đe dọa hoặc gây áp lực".
Chính phủ lâm thời Bangladesh tuyên thệ nhậm chức. Chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006 Muhammad Yunus tối 8/8 đã tuyên thệ nhậm chức người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh. Lễ tuyên thệ diễn ra lúc 21h15 (22h15 giờ Hà Nội) dưới sự chủ trì của Tổng thống Mohammed Shahabuddin tại Dinh Tổng thống Bangabhaban. Phát biểu tại lễ tuyên thệ, ông Yunus cam kết: “Tôi sẽ duy trì, ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp”, đồng thời khẳng định sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách chân thành.
Ông Trump và bà Harris đồng ý tranh luận vào ngày 10/9. Theo CNN, trong ngày 8/8, đài truyền hình ABC đã ra thông báo về việc sẽ tổ chức cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và bà Harris vào ngày 10/9. "Cả Phó Tổng thống Harris và cựu Tổng thống Trump đều đã xác nhận sẽ tham dự sự kiện", đài truyền hình ABC cho biết. Đội ngũ tranh cử của ông Trump sau đó đã xác nhận thông tin này, đồng thời tiết lộ rằng cựu tổng thống Mỹ đã đồng ý tham gia nhiều buổi tranh luận trong tháng 9, bao gồm: ngày 4/9 trên Fox, ngày 10/9 trên ABC và ngày 25/9 trên NBC. Về phía Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris cũng đã xác nhận việc tham gia cuộc tranh luận trên ABC, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng cho các cuộc tranh luận tiếp theo.
Mỹ cảnh báo trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì vấn đề liên quan đến Nga. Mỹ cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải chịu "hậu quả" nếu tiếp tục cho phép xuất khẩu sang Nga các sản phẩm dân sự của Mỹ mà có thể ứng dụng cho quân sự. Một quan chức Bộ Thương mại Mỹ tiết lộ rằng Washington coi Ankara là nguồn cung cấp hàng hóa có mục đích sử dụng kép lớn thứ hai của Mỹ cho Nga, sau Trung Quốc.
Mỹ không kích Houthis, trả đũa vụ tàu chiến bị tấn công. Ngày 8/8, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết lực lượng Mỹ đã tấn công vào các mục tiêu ở Yemen do nhóm vũ trang Hồi giáo Houthis kiểm soát, phá hủy 1 trạm điều khiển mặt đất, 3 tên lửa hành trình chống hạm và 2 máy bay không người lái (UAV), hãng tin Reuters cho hay. Việc Mỹ không kích Houthis diễn ra sau khi Houthis tuyên bố tấn công vào một số tàu khu trục Mỹ ở vịnh Aden và và một tàu hàng trên Biển Đỏ vào hôm 7/8.