Tường thuật trực tuyến vụ xét xử án chạy quota ở Bộ Thương mại:

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì?

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì?
TPO – Theo  yêu cầu của HĐXX, sáng hôm nay, 15/3, các bị cáo bị tạm giam đều có mặt. HĐXX bắt đầu tiến hành thẩm vấn hai bị cáo quan chức Lê Văn Thắng (Vụ Phó Vụ XNK– Bộ Thương mại), Mai Văn Dâu (nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại) và các bị cáo còn lại.

8 giờ,  Chủ toạ gọi bị cáo Võ Thị Thanh Hằng (giám đốc DNTN May Hoàng Trí).

Bị cáo Hằng thừa nhận hành vi mà cáo trạng qui buộc về việc lưu hành mua bán hoá đơn mua vải.

Chủ tọa hỏi: “Có phải là các hoá đơn mua bán vải thực sự?”. Võ Thị Thanh Hằng xác nhận: “Có”. “Vậy tại sao vi phạm?” – Chủ toạ hỏi tiếp. Đáp: “Khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết sai phạm. Sử dụng hoá đơn đã xuất hàng đi rồi để lưu vào hồ sơ xin quota lần sau”.

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì? ảnh 1

Bị cáo Võ Thị Thanh Hằng (giám đốc DNTN May Hoàng Trí).
Ảnh: Hữu Vinh.

Bị cáo Hằng giãi bày: doanh nghiệp của bị cáo này đã 2 lần gửi hồ sơ lên Bộ Thương mại xin quota nhưng không thấy hồi âm. Cho đến khi Bộ Thương mại gửi thông báo bổ túc hồ sơ thì thời gian xuất hàng cận kề và  bị cáo Hằng có sơ suất dùng hoá đơn xuất hàng đợt 1 & 2/2004 để bổ túc hồ sơ xin quota đợt 3. Và hồ sơ này được chuyển đến cho Lê Văn Thắng.

“Thế bị cáo có đưa tiền cho những quan chức Bộ Thương mại và bao nhiêu lần?” “Đưa tiền cho anh Thắng 5.000 USD vào tháng 3/2004. Sau đó được cấp 9.300 tá sản phẩm” – Bị cáo Hằng khẳng định.

Tuy nhiên, Toà cho rằng hành vi đưa hối lộ của bị cáo Hằng không bị truy tố (bởi Lê Văn Thắng không thừa nhận). Nhưng hành vi lưu hành giấy tờ có giá giả của Hằng bị truy tố.

Lê Văn Thắng: Doanh nghiệp đưa tiền cứ nhận “bừa”

8 giờ 10', HĐXX gọi Lê Văn Thắng.

Ông Thắng khai về vị trí công tác trong thời điểm xảy ra vụ án như sau: là Phó vụ trưởng Vụ XNK, thành viên Hội đồng tư vấn tổ liên ngành gồm đại diện của Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Bộ Công nghiệp. 

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì? ảnh 2
Bị cáo Lê Văn Thắng. Ảnh: Hữu Vinh

Để làm rõ hành vi đưa hối lộ của bị cáo Trần Thu Lan (Phó giám đốc Cty TNHH May và Thương mại Á châu) và hành vi môi giới hối lộ của Bùi Thị Huyền Nga, HĐXX đã hỏi: “Bị cáo có quan hệ với Bùi Thị Huyền Nga?”.

Ông Thắng khai: "Nga trước là thuộc cấp của bạn (đã chết)”. Đồng thời, ông Thắng khai không quen biết Trần Thu Lan. Nhưng Lan được Nga đưa đến nhà riêng gặp bị cáo này và vài lần khác Lan tự đến. Trong nội dung các cuộc gặp chưa bao giờ đề cập đến việc xét cấp hạn ngạch.

Năm 2003, doanh nghiệp may có mùa bội thu nên tôi nhận chút quà có sao đâu!?

Trong phiên toà sáng ngày hôm nay, thái độ của quan chức nguyên là Vụ Phó Vụ XNK - Bộ Thương mại khiến những người dự khán ngán ngẩm và hiểu vì sao “cơ chế” xin – cho đã “nặn” ra những ông quan như vậy.

Xoay quanh cuộc chất vấn về hành vi nhận hối lộ của HĐXX, ông Thắng thừa nhận sở dĩ có nhiều lần nhận quà biếu (phong bì đầy USD) như vậy là vì doanh nghiệp cứ cho mình cứ nhận… “bừa” (!)

Chưa hết, khi trả lời với luật sư bào chữa cho bị cáo này là bà Hoàng Mỹ Đức (đoàn luật sư TPHCM) về hành vi nhận nói trên, bị cáo Thắng chỉ thừa nhận ở mức mình thiếu đạo đức và cho rằng, vì năm 2003, các doanh nghiệp làm hàng dệt may có mùa bội thu nên khi họ đưa “quà biếu” thì nghĩ rằng nhận một chút đâu có sao!?

Trần Thu Lan gặp ông Thắng mỗi năm chừng 5, 6 lần (trong 2 năm 2003, 2004). “100% hồ sơ của Lan đều qua văn thư Bộ Thương mại” – Bị cáo Thắng khẳng định. “Nhưng có hồ sơ photo mang theo nhắc cho bị cáo biết?” – Chủ toạ nhắc. Ông Thắng thừa nhận là có. 

“Có lần nào Lan đưa tiền?”. Trả lời câu hỏi này của Chủ toạ, bị cáo Thắng xác nhận: Có lần Lan để tiền lại và sau khi Lan về ông ta mới biết có phong bì 500 USD. Chủ toạ truy tiếp: “Mấy lần Lan đưa tiền? Bao nhiêu?”.

“Thời gian xảy ra khá lâu nhưng tôi nhớ tổng cộng tôi nhận xấp xỉ gần 10.000 USD, chưa kể 2.000 USD Lan đưa cho tôi nhờ tìm doanh nghiệp khác dư quota để mua lại (tháng 7/2004)”- Bị cáo Thắng trả lời.

Về tình tiết đưa hối lộ của Trần Kim Dung (Giám đốc Chi nhánh Cty XNK tổng hợp Vĩnh Phúc tại HN - hiện đã bỏ trốn) với Lê Văn Thắng, Chủ toạ hỏi: “Có nhận tiền của bị cáo Dung?”. Bị cáo Thắng xác nhận: Dung là bạn thân của tôi từ khi còn  ở Liên Xô. Dung đã đưa 3.000 USD, tôi nhận bừa nhưng sau đó đã trả lại".

Đến đây, Chủ toạ hỏi: “Tại sao nhận bừa? Bị cáo có nhớ lời khai tại cơ quan điều tra? Việc đưa tiền của Dung là để tác động xin quota giúp cho bị cáo Lưu Thị Minh Hiền do Cty QMI nhờ!”. Sau đó, Chủ toạ đọc trích bản tường trình của Thắng tại Cơ quan điều tra về hàng loạt hành vi nhận tiền của Thắng từ Trần Thu Lan, Trần Kim Dung…

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì? ảnh 3
Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu. Ảnh: Hữu Vinh

Trần Thu Lan đã gặp Lê Văn Thắng 11 lần và tổng cộng đưa Thắng  15.000 USD. Nghe xong, bị cáo Thắng nại lý do: “Mẹ tôi già, tôi rất muốn tại ngoại nên đã khai như vậy với cơ quan điều tra. Xin quí toà xem xét”. Bị cáo này cũng khẳng định, toàn bộ qui trình xin cấp hạn ngạch đều làm đúng nhưng việc nhận quà là sai nguyên tắc, thiếu đạo đức!

Chủ toạ hỏi tiếp: “Ngày hôm qua (14/3), HĐXX đã hỏi đại diện doanh nghiệp đi xin cấp hạn ngạch để xuất hàng, họ đều nói những trở ngại khó khăn và có nguy cơ phá sản vì hạn ngạch cấp chậm trễ. Trong trường hợp cụ thể, bị cáo Trần Thu Lan bận trăm bề lo cuộc sống cho hàng trăm công nhân, tất bật chuyện kinh doanh, nhưng sau khi gửi hồ sơ xin quota bằng văn thư xong cũng phải ra Hà Nội để gặp bị cáo đưa tiền và tác động xin quota cho nhanh, bị cáo nghĩ gì?”. 

Bị cáo Thắng cho rằng, Bộ Thương mại đã cấp đầy đủ cho doanh nghiệp, không thiếu trường hợp nào. 

HĐXX chuyển sang thẩm vấn bị cáo Thắng về hành vi nhận tiền của người khác. Đó là trường hợp của Nguyễn Cương (nguyên Phó Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TPHCM).

“Bị cáo có đối chất với bị cáo Cương?”- Chủ toạ hỏi. Ông Thắng gật đầu: "Có!"  “Bị cáo Cương khai đưa 30.000USD. Bị cáo khẳng định có hay không?” - Chủ toạ đặt vấn đề.

Lê Văn Thắng chối: "Không có". “Cương có đưa đại diện doanh nghiệp ra gặp bị cáo?” – Toà truy tiếp. Ông Thắng nói: “Có. Nhưng chỉ gặp gỡ chơi thôi”.

Chủ toạ bác lời khai này: "Không có chuyện gì, tại sao Nguyễn Cương lại đưa doanh nghiệp đến gặp mặt bị cáo? Vừa rồi Toà hỏi để muốn nhắc lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra".

“Tại toà bị cáo không thừa nhận khoản tiền do Hằng đưa và cả của Nguyễn Cương?” Chủ toạ hỏi. Thắng nói:  “Đúng như vậy!”.

Liên quan đến lời khai “gây sốc” của Mai Thanh Hải trong ngày hôm qua (về việc phản cung lại lời khai trước đó mà bị cáo này khai tại cơ quan điều tra để chứng minh tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà cơ quan công tố cáo buộc cho bị cáo Hải là sai), Chủ toạ hỏi Lê Văn Thắng: “Bị cáo có đọc cáo trạng nói về hành vi Hải lừa đảo 650 triệu”?.

Bị cáo Thắng xác nhận: Có.

Chủ toạ nói tiếp: “Ngày hôm qua Hải có khai khác là có tác động đến bị cáo? Có hay không?”. “Xảy ra sự việc khá lâu, tôi nghe rất ngạc nhiên. Thời gian đó Hải đang là chuyên viên của Vụ XNK, nên thụ lý hồ sơ loại này”-Ông Thắng giải thích. Chủ toạ nhắc lại: “Hải có nhờ bị cáo việc này?”.  “Hải không nhờ bất cứ trường hợp nào!”.

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì? ảnh 4
Tham gia HĐXX có cả người  từng là cán bộ của Sở Thương mại TP.HCM. Ảnh: Hữu Vinh.

Một vị  Hội thẩm chất vấn tiếp: “Bị cáo có biết về  bằng tốt nghiệp Đại học của Hải?”. Thắng khai: "Từ thời điểm 2002, 2003. Tôi có nhắc Hải về việc lấy vợ và học tốt nghiệp Đại học. Sau đó có nghe Hải nói có bằng ĐH và tôi có kêu Hải nộp bằng ĐH vào".

Để làm rõ tội danh nhận  hối lộ của Lê Văn Thắng, HĐXX đã trở lại vấn đề liên quan đến việc cấp quota sai nguyên tắc của ông ta. Bị cáo Thắng khẳng định, đó là do chuyên viên thẩm định và bị cáo này chỉ duyệt xét đảm bảo tính công bằng. “Tôi khẳng định về mặt đạo đức tôi sai. Nhưng về qui trình, tôi làm đúng!” – Ông Thắng tin nói.

Một Hội thẩm liền đề cập: “Các công ty QMI, Sundence, Leader Once, Tân Phú Cường….xin quota nhưng không nộp hồ sơ qua đường công văn hoặc hồ sơ thiếu nhưng vẫn được duyệt cấp quota. Bị cáo còn nhớ?”.

Ông Thắng liền “đá bóng”: “Thưa đó là do chuyên viên thẩm định sai”.

Hội thẩm nhắc: “Bị cáo đừng đổ lỗi cho chuyên viên mà đó là trách nhiệm của bị cáo”.

Sau đó vị Hội thẩm dẫn chứng cụ thể vụ việc của Tân Phú Cường. Lê Văn Thắng đã có bút phê “K/c anh Phú xem xét hồ sơ …”. “Vậy Bị cáo có làm đúng qui trình không?” – Vị Hội thẩm đặt vấn đề? 

Đến lượt công tố viên hỏi Lê Văn Thắng. “Bị cáo có hẹn hò gì với Trần Thu Lan?”. Thắng phủ nhận: Không.

Công tố viên gọi Trần Lan đối chất. Bà Lan xác nhận, trong một lần đưa hồ sơ xin cấp hạn ngạch cho bị cáo Thắng, ông này đã nói “yên tâm để đó anh lo!”. Bấy giờ Lê Văn Thắng mới chịu gật đầu là có nói.

Hành vi của Lê Văn Thắng còn lộ rõ hơn khi bị cáo Lan khai: “Có lần bị cáo hỏi anh Minh C (Bùi Hồng Minh - chuyên viên Vụ XNK) về việc hồ sơ xin cấp quota, anh Minh C có nói: Biết rồi, sếp đã sắp xếp rồi …!”.

Đến đây Công tố viên nhận định:  như vậy bị cáo Thắng đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp có quà biếu. Thậm chí một trích lục còn cho thấy, Vụ XNK của Thắng còn ưu ái cho doanh nghiệp của Trần Thu Lan được hưởng mức hạn ngạch vượt chỉ tiêu! 

Nếu theo qui trình của Vụ XNK thì các doanh nghiệp đều bị chậm trễ trong việc xét cấp quota và như vậy khi gửi hồ sơ Trần Thu Lan đều cầm bản photo mang trực tiếp ra Hà Nội để tìm gặp bị cáo Thắng. Nếu không, doanh nghiệp bị o ép, chờ xin quota và trễ hợp đồng với đối tác.

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì? ảnh 5
Bị cáo Mai Văn Dâu. Ảnh: Hữu Vinh

Mai Văn Dâu: Khai nhận hối lộ vì bức bách muốn được tại ngoại!?

Sau giờ nghỉ giải lao. HĐXX tiếp tục làm việc. Bị cáo Mai Văn Dâu bị toà gọi.

HĐXX đã hỏi về lời khai của bị cáo Nguyễn Cương đã đưa cho ông tổng cộng 38.000 USD, trong đó có 2.000 USD Nguyễn Cương nhờ ông đưa lại cho Mai Thanh Hải.

Ông Dâu thừa nhận trước cơ quan điều tra trong biên bản đối chất với Nguyễn Cương ông có nhận số tiền như trên. Vì khi ấy, cơ quan điều tra có hứa cho ông được tại ngoại, song sau đó ông đã thay đổi  lời khai và phủ nhận việc trên, đồng thời chỉ xác nhận đã nhận Nguyễn Cương 4 lần tiền, tổng cộng 6.000 USD.

“Còn việc con bị cáo là Mai Thanh Hải có tác động với bị cáo nhờ xét cấp hạn ngạch cho Qualitex?” – Chủ toạ hỏi.

Ông Dâu khai, trong một lần nói chuyện, Hải có đề cập vấn đề, có một Cty xin duyệt cấp hạn ngạch. Ông liền quát và bảo rằng việc xét cấp hạn ngạch rất khắt khe và qua qui trình khép kín không có một cá nhân nào can thiệp được. Sau đó Hải cũng không đề cập vấn đề này và ông cũng không có bất cứ tác động nào cho thuộc cấp để xét duyệt quota cho Qualitex!

11 giờ 20, phiên toà tạm  nghỉ. 14 giờ chiều nay, bị cáo Mai Văn Dâu sẽ tiếp tục được thẩm vấn.

14 giờ, HĐXX làm việc trở lại.

Bị cáo Mai Văn Dâu được gọi. Vị Hội thẩm hỏi: “Bị cáo khai nhận 6.000 USD theo yêu cầu cơ quan điều tra thì mới được tại ngoại? Những tường trình của bị cáo có đến 8 bản. Những bản này do bị cáo tự viết ra?”.

Ông Dâu trả lời: “Có những bảng viết theo yêu cầu của cơ quan điều tra, còn bản tự viết nhưng đều liên quan đến ý nguyện việc bị cáo muốn được tại ngoại”.

Vị Hội thẩm liền đặt vấn đề: “Các bản tường trình đều do bị cáo tự viết ra làm gì có cơ quan điều tra yêu cầu? Việc bị cáo khai nhận 6.000 USD có phải do bị ép cung?”. Ông trả lời: “Do bị cáo bị bệnh và do yêu cầu cán bộ điều tra nên phải viết”.

Nghe đến đây, vị Hội thẩm liền trích bút lục số 871C, do bị cáo Dâu khai:  trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tôi không bị ai ép hoặc dùng nhục hình.

Đến đây, vị Hội thẩm nói: “Bị cáo khai thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể khai nhận như vậy được. Tiếp theo ông còn trích đọc bản tường trình khác: "Trong quá trình điều tra tôi nhận thấy sự sai lầm. Cho phép tôi nộp lại 6.000 USD để khắc phục hậu quả". Giải thích vì sao có sự khác nhau?” – Vị Hội thẩm chất vấn.

Mai Văn Dâu diễn giải: “Đối với tôi là một cán bộ được  Đảng và Nhà nước  đào tạo. Tôi tập trung toàn bộ sức lực phụng sự công việc. Không nghiên cứu và tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tố tụng. Tôi đã suy nghĩ không đúng vì muốn tự cứu mình và được tại ngoại và có suy nghĩ mình cứ khai rồi đợi ngày ra trước toà sẽ nói đúng những gì mình làm. Thực sự tôi thấy sai , ảnh hưởng đến việc cơ quan tố tụng đã mất thời gian vì lời khai của mình”.

“Vậy bị cáo cho biết cụ thể cái sai?”. Đáp lời vị Hội thẩm, ông Dâu nói: “Sai là khai không đúng sự thật”.

Vị Hội thẩm liền phân tích: Việc khai báo như thế nào là quyền của bị cáo. Còn việc xem xét đánh giá như thế nào là thuộc thẩm quyền của HĐXX. Lời khai của các bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo mà HĐXX còn căn cứ nhiều chứng cứ khác….

Nghe xong ông Dâu nói: “Bị cáo chưa giải thích lý do vì sao lại thay đổi lời khai. Bị cáo chỉ hy vọng được tại ngoại chữa bệnh. Nhưng thực tế đã không được nên bị cáo đã quyết định khai lại sự thật và đã có nhiều đơn tường trình về vấn đề này”.

"Thầy trò" ông Mai Văn Dâu khai những gì? ảnh 6
Bị cáo Mai Văn Dâu trả lời chất vấn  luật sư của mình là ông Phan Trung Hoài. Ảnh: Hữu Vinh.

Tòa tiếp tục truy vấn ông Dâu  về hành vi làm trái qui trình xét duyệt cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp. Trả lời Công tố viên về việc đã phê chuẩn những văn bản cấp quota,  ông Dâu “chỉnh” lại: “Bị cáo không phê chuẩn mà ghi vào văn bản để chuyển xuống cấp dưới xét”. Công tố viên liền “vặn”: “Có nghĩa là bị cáo làm trái qui trình?”. “Sở dĩ làm như vậy là bị cáo ngộ nhận”- ông Dâu nói.

Công tố viên liền cắt lời: “Bị cáo là lãnh đạo đầu ngành, hơn ai hết là người nhận biết được và không thể ngộ nhận”. Đến đây bị cáo Dâu nhận thấy rằng hành vi của ông chỉ ở mức lợi dụng chức vụ quyền hạn trục lợi mà thôi(!).

Công tố viên nhắc lại những bút phê mà ông Dâu đã thực hiện “trái qui trình”, bị cáo Dâu không nhớ. Công tố viên cho biết có đến 7 văn bản bị cáo Dâu đã thực hiện như vậy và trong đó có đến 03 lần được thể hiện trong hồ sơ mà Lai Wai Hung mang theo khi được Nguyễn Cương dẫn đến nhà riêng ông Dâu. Sau những lần gặp này, quả nhiên Cty Sundence Clothings VN Lai đều có quota!

Thực tế quyền lực và sự can thiệp của ông Dâu còn chứng minh qua lời khai của Lê Văn Thắng: khi có bút phê của lãnh đạo thì Vụ XNK đều phê chuẩn.

Và lời khai này cũng phù hợp với lời khai của ông Bùi Hồng Minh, chuyên viên Vụ XNK khi xác nhận: khi có bút phê của lãnh đạo Bộ chúng tôi không được phép để quên!

Và điều này càng được chứng minh rõ  hơn khi lời khai của ông Nguyễn Văn Lái – Trưởng phòng XNK, cho biết ông Dâu đã chỉ đạo ông Lái ba lần sang Vụ XNK, gặp Lê Văn Thắng nhắc việc phê chuyển hồ sơ cấp quota cho các doanh nghiệp mà Nguyễn Cương đã gửi gắm.

“Vì sao có sự ưu ái với Nguyễn Cương?” – Công tố viên đặt vấn đề. Ông Dâu đáp: “Vì nể nang Cương. Nhiều lần chính Cương đã họp các doanh nghiệp để lấy ý kiến cho Bộ Thương mại…” (!).

Và từ Nguyễn Cương, ông Dâu không chỉ ưu ái cho một mình Sundence mà còn là Leader One, Cty TNHH Đế Vương, Lawn Yard - những doanh nghiệp mà Nguyễn Cương đã khai nhận tiền và đã trích đưa cho ông Dâu một phần.

Chưa hết, còn có một hành vi không bình thường nữa của ông Dâu là việc trong một lần công tác về miền Tây, theo hướng dẫn của Nguyễn Cương, ông Dâu đã cùng Tổng giám đốc Cty lương thực miền Tây đến thăm Cty TNHH Đế Vương, một trong 6 điểm nằm ngoài lịch trình công tác.

“Bị cáo có đi thăm Cty Đế Vương, vậy có biết doanh nghiệp này đang nằm trong diện danh sách đen của Hải quan Mỹ?” - Công tố viên hỏi.

Bị cáo Dâu trả lời rất “nghiệp vụ”: “Việc Cty Đế Vương vào danh sách đen hay không cũng chưa thể hiện là doanh nghiệp này hoạt động bất hợp pháp. Họ vẫn có quyền kinh doanh và xuất hàng. Bị cáo đã cử đoàn công tác kiểm tra doanh nghiệp này và cho thấy họ vẫn đủ yêu cầu, được cấp quota xuất khẩu!”

Công tố viên đánh giá: “Bị cáo không nhận tiền, quà cũng như 6.000 USD của Nguyễn Cương. Nhưng vì sao lại giúp Cương nhiệt tình? Có phải vì nể nang? Bị cáo đừng quên trong các bản tự khai đã thể hiện việc bị cáo có đến 4 lần nhận tiền. Nhiều lời khai của các bị cáo và các đương sự cũng cho thấy hành vi bị cáo nhận 6.000USD là có căn cứ. Vậy cáo trạng truy tố tội danh nhận hối lộ bị cáo thấy có oan?”.

Nhưng ông Dâu vẫn khăng khăng giữ nguyên quan điểm: “Bị cáo khai như vậy là bức bách vì bệnh tật!”

Sau khi kết thúc phần thẩm vấn của luật sư Phan Trung Hoài đối với thân chủ của mình là ông Mai Văn Dâu. HĐXX đã cho gọi lại bị cáo Võ Thị Thanh Hằng để hỏi vài tình tiết nhằm đánh giá chứng cứ mà bị cáo này đã khai tại cơ quan điều tra.

Phiên toà tạm nghỉ. Ngày mai, 16/3, tòa tiếp tục làm việc.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.