Thầy trò huyện miền núi Nghệ An tìm hiểu về bình đẳng giới

0:00 / 0:00
0:00
Thầy trò trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Châu Hội (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) tham gia các lớp tập huấn, truyền thông về bình đẳng giới do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu tổ chức.

Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng cô H.T.H, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội, đã có mặt ở trường từ sớm. Ngày hôm nay, cô H. cùng với các đồng nghiệp được tham gia tập huấn về chủ đề nhạy cảm giới trong công tác giảng dạy do VSF tổ chức. Đây là lần đầu tiên cô H. được tham gia lớp tập huấn về chủ đề mà cô rất quan tâm, nhưng từ trước đến nay chỉ “nghe loáng thoáng” trên tivi. “Tôi cũng đã từng nghe về bình đẳng giới và cũng đã thực hành về bình đẳng giới, nhưng chủ yếu thông qua việc phân chia chỗ ngồi cho học sinh hoặc đảm bảo có cả nam và nữ trong các nhóm khi tổ chức hoạt động cho lớp. Tuy nhiên, vì không có nội dung giảng dạy chuyên sâu về vấn đề này nên nhiều người còn hiểu khá mơ hồ về bình đẳng giới”, cô H. chia sẻ.

Thầy trò huyện miền núi Nghệ An tìm hiểu về bình đẳng giới ảnh 1

Toàn cảnh lớp Tập huấn về nhạy cảm giới trong giảng dạy cho học sinh tiểu học

Trước đây, trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội đã từng phối hợp với Hội phụ nữ và Trạm Y tế xã để tập huấn về bình đẳng giới cho các giáo viên tại trường. Tuy nhiên, do không có sự tham gia của chuyên gia, các buổi tập huấn vẫn đang ở mức độ đơn giản và mang tính chất một chiều. Do đó, các buổi tập huấn này vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. “Hầu hết các giáo viên trong trường đã hiểu rằng bình đẳng giới là bình đẳng giữa nam và nữ. Còn bình đẳng như thế nào thì vẫn là một câu hỏi đối với nhiều thầy cô.”, cô Lê Thị Huyền, hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội cho biết.

Tại lớp tập huấn, cô H. cùng các giáo viên trong trường đã cùng nhận diện và phân tích hậu quả của định kiến giới và khuôn mẫu giới đang tồn tại trong gia đình, nhà trường, cũng như ngoài xã hội.

Lần đầu tiên trong đời, cô H. được nghe đến những khái niệm như “định kiến giới”, “khuôn mẫu giới” và hiểu được “công bằng” và “bình đẳng” khác nhau như thế nào. “Tôi rất bất ngờ khi những câu khẩu hiệu quen thuộc như “Đàn ông xây nhà - Đàn bà xây tổ ấm” hay “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà” lại chính là những khuôn mẫu giới cần được thay đổi. Thông qua đó, tôi đã nhận ra rằng thúc đẩy bình đẳng giới chính là xóa bỏ những định kiến và khuôn mẫu ấy. Và vai trò của giáo viên chúng tôi là cực kì quan trọng”, cô H. hào hứng chia sẻ về những gì mà mình đã học được từ lớp tập huấn.

Thầy trò huyện miền núi Nghệ An tìm hiểu về bình đẳng giới ảnh 2

Các tham dự viên thảo luận về định kiến giới và khuôn mẫu giới

Thông qua thảo luận về vai trò của mình trong xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, các giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội cũng đã cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy bình đẳng giới trong môi trường học đường cũng như xã hội.

Một trong những công việc quan trọng chính là rà soát lại các nội dung trong sách giáo khoa để phát hiện những định kiến giới và khuôn mẫu giới đang tồn tại và điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Ngoài ra, thông qua những kiến thức học được từ buổi hôm nay, chúng tôi sẽ áp dụng để xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình dạy và học”, cô N.T.L, một thành viên tích cực tại lớp tập huấn, chia sẻ.

Còn với cô Lê Thị Huyền, hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội, buổi tập huấn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường trong tương lai. “Buổi tập huấn đã cung cấp những kiến thức rất bổ ích, góp phần nâng cao hiểu biết của cán bộ giáo viên trong nhà trường về bình đẳng giới trong phạm vi trường học. Thông qua đó, chúng tôi sẽ xây dựng những chuyên đề chuyên sâu hay hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung bình đẳng giới cho học sinh, giúp các em nắm được kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Các em có thể áp dụng những kiến thức này trong phạm vi nhà trường cũng như gia đình và xã hội”, cô Huyền phấn khởi chia sẻ.

Thầy trò huyện miền núi Nghệ An tìm hiểu về bình đẳng giới ảnh 3

Giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội tích cực thảo luận về bình đẳng giới

Bên cạnh lớp tập huấn dành cho giáo viên, VSF cũng đã phối hợp với Phòng GD&ĐT Quỳ Châu để tổ chức buổi truyền thông về bình đẳng giới và lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông cho học sinh tại trường PTDTBT Tiểu học Châu Hội. Hai hoạt động này đã cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới và các phương pháp và loại hình truyền thông phù hợp với học sinh tiểu học như vẽ tranh, làm báo tường hay xây dựng các câu chuyện, kịch bản để truyền thông về các vấn đề mà mình quan tâm.

Lớp tập huấn về nhạy cảm giới trong giảng dạy cho giáo viên tiểu học là hoạt động tiếp theo trong dự án “Trường học Hạnh phúc” do VSF triển khai thực hiện. Dự án là một giải pháp tổng thể nhằm góp phần cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh ở các trường học ở các vùng miền khó khăn. Đây là một trong những nỗ lực tiếp theo của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt nhằm đóng góp các Chương trình Mục tiêu quốc gia và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.

Thầy trò huyện miền núi Nghệ An tìm hiểu về bình đẳng giới ảnh 4

Học sinh hiểu biết về định kiến giới và khuôn mẫu giới sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

“Bình đẳng nói chung và bình đẳng giới nói riêng là cơ sở để mỗi cá nhân được tự do lựa chọn và sống đúng với khát vọng của mình, cũng như được phát huy tối đa tiềm năng của bản thân. Chính vì vậy, thúc đẩy bình đẳng giới đã và đang là một trong các hợp phần quan trọng của dự án ‘Trường học Hạnh phúc’. Quỹ Vì Tầm Vóc Việt mong rằng, dự án sẽ góp phần tạo dựng một môi trường an toàn, thân thiện và hạnh phúc cho tất cả trẻ em, cán bộ, giáo viên và người chăm sóc trẻ.” Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc VSF chia sẻ.

Dự án Trường học hạnh phúc là một dự án dài hạn được VSF triển khai từ năm học 2022-2023 tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La. Trong năm học 2023-2024, dự án tiếp tục mang những hoạt động ý nghĩa đến tỉnh Nghệ An với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á.Thông tin chi tiết về dự án, vui lòng truy cập: https://vitamvocviet.vn/du-an-truong-hoc-hanh-phuc

MỚI - NÓNG