Suốt cuộc đời, thầy Nguyễn Ngọc Ký chỉ lo đi “truyền lửa”, truyền nghị lực sống cho người khác, không màng tới bản thân.
Trong đám tang khá giản dị của Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, chúng tôi thấy rất nhiều vòng hoa, từ những vòng hoa của các trường học tới vòng hoa các ban ngành và của cả những người không quen, tới viếng đám tang chỉ vì kính phục thầy.
Chị Phan Thị Hoa (Hà Nội) cho biết, sáng 28/9, chị đọc báo mới biết thầy Nguyễn Ngọc Ký qua đời. Vì đang công tác tại TPHCM nên chị tranh thủ chạy tới nhà thầy thắp nén hương: “Tôi chưa học thầy ngày nào, chỉ biết thầy qua bài học Bàn chân kỳ diệu ở lớp 5 ngày xưa. Hình ảnh minh họa trong sách vẽ thầy đang ngồi viết chữ bằng chân đã ám ảnh tôi mãi. Thầy đã truyền cảm hứng và nghị lực cho tôi để sau này, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi lại nghĩ tới bài học đó”, chị Hoa bộc bạch.
Trong sổ tang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch CLB Nhà giáo tỉnh Nam Định, viết: “Ký là người bạn thân thiết, người đồng nghiệp có rất nhiều kỷ niệm, sự cảm thông với nhau. Ký mất đi là một tổn thất lớn cho bạn bè còn đang sống. Nhưng, triết lý phương Đông đã có câu: Người ta chỉ chết thực sự khi không còn ai thương nhớ nữa! Ký sẽ sống mãi trong tình cảm gia đình, con cháu và bạn bè, đồng hương”.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký ký tặng sách cho Đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đoàn năm 2016 - Ảnh: Ngô Tùng |
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, một người bạn thân thiết với thầy Ký suốt mấy chục năm, cho biết, ông không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần chở thầy Ký đi nói chuyện ở các trường học. Thầy không chỉ nói chuyện rất hay mà còn dùng đôi chân kỳ diệu của mình để cắt giấy, dán chữ cho học sinh xem. Mỗi buổi nói chuyện của thầy thu hút cả ngàn học sinh lắng nghe.
Ngọn lửa không bao giờ tắt
Trong cuốn tự truyện “Tôi đi học đại học” do tủ sách “Hạt giống tâm hồn” thực hiện có dòng chữ ngay trang bìa “Ngọn nến không bao giờ tắt”, ngụ ý nói ngọn lửa do thầy Ký đốt lên sẽ cháy mãi. Ông Nguyễn Văn Phước, người sáng lập tủ sách “Hạt giống tâm hồn”, nói: “Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, người gặp nhiều bất hạnh từ nhỏ và có rất nhiều ý chí nghị lực viết bằng chân, vượt qua bao khó khăn của nhiều thế hệ người Việt Nam từ khi tôi còn học cấp 1. Thầy đã gắn bó hai chục năm cùng tủ sách “Hạt giống tâm hồn” qua tác phẩm vượt thời gian như Tôi đi học, Tôi học Đại học. Đó là những cuốn sách động viên mãnh liệt rất nhiều lớp học sinh, sinh viên Việt Nam. Có lẽ từ bây giờ và mãi mãi về sau, hiếm có một người thầy giáo nào trên đời như thầy nữa”.
Ca sỹ - nhạc sỹ khuyết tật Dương Quốc Thắng chia sẻ: “Tôi gọi là thầy dù tôi chưa học thầy ngày nào. Nhưng tôi biết thầy từ khi học lớp 5 với bài học về tấm gương nghị lực của thầy. Khi lớn lên, tôi bị mất đi hai tay bởi một tai nạn, lúc đó tôi mới cảm nhận được khó khăn khi bị mất hai tay là như thế nào. Tấm gương của thầy ngày nào đã tiếp sức mạnh mẽ, là động lực cho tôi để vượt qua khó khăn, có được ngày hôm nay. May mắn sau này tôi đã gặp thầy. Khi gặp thầy, tôi đã khóc. Thầy đã tặng tôi bức tranh thư pháp với chữ “Nhẫn” được thầy viết từ chính đôi chân diệu kỳ của thầy. Thầy mãi là một tấm gương sống động và thực tế cho cuộc sống của tôi. Thầy đã đem cho tôi sức sống”.
Ông Lê Hữu Long, một người hàng xóm của thầy Nguyễn Ngọc Ký, kể, thầy về ở khu này được khoảng 3 năm, ai cũng quý mến vì thầy rất hiền lành, hay trò chuyện với mọi người. Ông Long nghẹn ngào: “Tôi biết thầy bị bệnh nặng, tuần nào cũng phải vài lần đi chạy thận nhưng nghe người trong nhà kể, dù bệnh nặng nhưng thầy vẫn làm việc, viết sách hay tham gia tư vấn tâm lý cho mọi người”.
Trong căn phòng nhỏ là nơi làm việc của thầy Nguyễn Ngọc Ký, nhiều người tới viếng vẫn nhớ thầy luôn treo một câu thơ trên tường do chính thầy viết: “Để làm ngọn lửa con/Nến tự thiêu mình trong nước mắt/Câu thơ cuộc đời, khoảnh khắc trăm năm”. Bạn đọc Nguyễn Hoàng Yến xúc động viết: “Thầy Ký đã là ngọn nến để thắp lên ngọn lửa của nghị lực, của khát vọng sống, soi sáng cho hàng triệu người. Và hôm nay, ngọn nến ấy đã tàn nhưng ngọn lửa do thầy nhóm lên vẫn còn cháy mãi, cháy mãi”.
Nhà giáo ưu tú - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947. Năm lên 4 tuổi, ông bị bệnh và liệt cả 2 tay nhưng vẫn nỗ lực tập viết bằng chân để được đi học. Năm 1963, ông thi học sinh giỏi toán toàn quốc và đạt hạng 5, được Bác Hồ tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh. Từ năm 1966 đến 1970, ông theo học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nhủ, ông trở về quê Hải Hậu (Nam Định) làm giáo viên. Có nhiều sáng tạo trong công tác giảng dạy, ông vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vào năm 1992. Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: “Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Năm 2013, ông được vinh danh là một trong 24 tấm gương “Hạt giống tâm hồn” của Việt Nam.
Nhà giáo ưu tú - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký qua đời lúc 2h5 ngày 28/9 (nhằm ngày 3/9 năm Nhâm Dần), hưởng thọ 76 tuổi.