Thầy giáo treo thưởng 30 triệu cho học sinh thủ khoa, á khoa tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh trường THPT Hồ Nghinh trong một giờ học.
Học sinh trường THPT Hồ Nghinh trong một giờ học.
TPO - Đó là thầy Nguyễn Hữu Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Nghinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Thầy cho biết, học sinh của trường là các xã vùng nông thôn, ngoài nỗ lực dạy học, phải có cơ chế khuyến khích học sinh. 

Không nhìn đề minh họa để chủ quan

Thầy Hưng cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT có đề minh họa, trường chỉ đạo các tổ trưởng, tổ phó bộ môn soạn lại đề cương theo chương trình tinh giản, làm các bộ đề để học sinh tập dượt. Gần mùa thi, ngoài học chính, học thêm, các ghế đá sân trường học sinh ngồi ôn bài khắp nơi. “Để khuyến khích học sinh giỏi nỗ lực, tôi treo giải thưởng tặng 30 triệu đồng cho em đỗ Thủ khoa, Á khoa các trường ĐH, Học viện. Số tiền tặng thưởng sẽ do thầy kêu gọi xã hội hóa từ nhiều nguồn, trong đó có đội ngũ học trò cũ hiện đã rất thành đạt của mình”, thầy nói.

Phương thức ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp của trường này là, lấy điểm học kỳ cộng với 3 lần thi thử, sau đó chia đều ra phân làm 4 nhóm gồm: nhóm chắc chắn đỗ, nhóm có khả năng đõ, nhóm chắc chắn trượt, nhóm có khả năng trượt…Từ đó, để giáo viên, học sinh cùng lo lắng, nỗ lực học tập. Tuy nhiên, thầy Hưng cũng cảnh báo học sinh, đề minh họa có thể cơ bản, không quá sức đối với học sinh nhưng đề thi thật bao giờ cũng có độ khó hơn, tính phân hóa sâu hơn. Do đó, học sinh không nhìn vào đề minh họa để chủ quan.

Tiết lộ cách dạy đạo đức học sinh

Ngoài dạy kiến thức, một trong những vấn đề trường này quan tâm chính là giáo dục đạo đức, tạo cảnh quan sư phạm cho ngôi trường. Ở mỗi lớp học, bên cạnh bảng đen, phấn trắng là những lời dạy khá đặc biệt nhắc nhở thầy cô đứng lớp cũng như khích lệ học sinh: "Từ bục giảng này, quý thầy cô đã và đang gieo hạt nhân cách, đạo đức đến các em. Những cảnh lầm than sẽ giảm đi, thay vào đó là con người sống tử tế, chân thành, hạnh phúc"; "Những học sinh được gieo nhân cách hôm nay có thể là giáo viên mẫu mực của con bạn sau này - là bác sĩ có y đức của gia đình bạn - là nhà lãnh đạo hiền tài của quốc gia..."

Thầy giáo treo thưởng 30 triệu cho học sinh thủ khoa, á khoa tốt nghiệp THPT ảnh 1

Ở bên phải bục giảng, những lời dạy như thế này được treo trang trọng trong mỗi lớp học.

Trường THPT Hồ Nghinh là ngôi trường công lập thuộc huyện Duy Xuyên, không tuyển chọn đầu vào nhưng sau 3 năm thành lập có thành tích đáng nể. Điều này được khẳng định qua các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh; thi olympic; thi tốt nghiệp THPT.

Trước đây, học sinh 5 xã vùng biển thuộc huyện Duy Xuyên không có trường THPT, do đó phải đạp xe mười mấy km học THPT. Địa phương cho thành lập ngôi trường mới để học sinh nơi đây có ngôi trường học tập. Ngôi trường mới, giáo viên gom từ các trường về nên phụ huynh ban đầu rất tâm tư, lo lắng. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm hoạt động, ngoài thành tích, nhìn bề ngoài, ngôi trường như một trường chuẩn quốc tế với nhiều vườn hoa, cây xanh mát mắt.

Ngoài giờ học, học sinh các lớp ở trường được Đoàn thanh niên giao nhận công trình vườn hoa xanh, đẹp. Mỗi khối sẽ đảm nhận một vườn hoa, các em tự tưới nước, nhổ cỏ mỗi tuần. Học sinh gom rác thải nhựa là các chai, cốc nước đã sử dụng đến bán, vừa bảo vệ môi trường, vừa lấy quỹ mua giống hoa phủ xanh ngôi trường mới.

Thầy giáo treo thưởng 30 triệu cho học sinh thủ khoa, á khoa tốt nghiệp THPT ảnh 2

Học sinh gom rác thải nhựa để bảo vệ môi trường và lấy tiền trồng, chăm sóc vườn hoa.

Thầy Hưng tiết lộ, khi có công trình của mình, học sinh rất vui vẻ, hạnh phúc. Ngoài giờ học, các em thay nhau đi tưới hoa, ngồi đọc sách ở góc có nhiều hoa lá rất hiệu quả.

Thầy giáo treo thưởng 30 triệu cho học sinh thủ khoa, á khoa tốt nghiệp THPT ảnh 3

Một trong những góc vườn hoa xinh xắn trong khuôn viên trường.

Ở đâu đó, học sinh liên tiếp đánh nhau, chửi bậy, ở trường chúng tôi dạy đạo đức học sinh rất kỹ. Có khi, tôi còn thấy, mình cổ điển nhưng cổ điển mà hiệu quả cũng đáng lắm. Ví dụ như chuyện, tôi dạy các em đi ra đường gặp đám tang phải dừng xe, ngả mũ chờ người ta đi qua; về nhà phải hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Những buổi sinh hoạt dưới cờ, những giờ sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, học sinh được dạy về ứng xử, kỹ năng xã hội, những tình huống, mâu thuẩn có thể gặp phải.

Ngoài ra, các CLB, tổ chức Đoàn thanh niên cũng nghe ngóng, nắm bắt thông tin học sinh cả trong và ngoài trường học để nếu có vấn đề gì có thể giải quyết ngay, không để xảy ra tình huống bạo lực học đường.

MỚI - NÓNG