Mơ ước lớn nhất của anh là sau này sẽ mở được một bảo tàng tư nhân để mọi người có thể đến và chiêm ngưỡng những vật chứng về một thời quá khứ hào hùng của cha ông.
"Chỉ có bị "điên" mới đi sưu tầm đồ của người chết", nhiều người đã nói thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Điệp như thế ngay từ khi anh bắt đầu có ý định đi sưu tầm những kỷ vật thời chiến. Bởi theo họ quan niệm thì hầu hết những kỷ vật ấy đều là vật dụng của những người đã hy sinh trong chiến tranh. Nhiều người ác khẩu thì đồn chắc Điệp bị ma nhập nên mới phải hành xác khắp hang cùng ngõ hẻm để lôi về những thứ mà "có cho người ta cũng chả thèm lấy".
Ngay cả bố mẹ Điệp lúc đầu cũng phản đối hành động khác người của con trai mình. Nhớ lại những ngày đầu bị mọi người nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm, Điệp cười vui vẻ: "Thực sự em không để ý nhiều tới những lời bàn ra tán vào của mọi người. Em chỉ nghĩ rằng việc làm của em là đúng, là có ích thì em cứ làm thôi. Sưu tầm những kỷ vật ấy không chỉ để thỏa mãn đam mê của bản thân mà em muốn mọi người nhìn vào đó để biết ơn lớp cha anh đã hy sinh xương máu cho đất nước được độc lập tự do".
Từ lúc còn rất nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Điệp thường được ông bà, những bác cựu chiến binh trong làng kể cho nghe về những năm tháng chiến đấu hào hùng trong thời binh lửa. Lớn hơn một chút, Điệp hay được bố mẹ cho đi tham quan ở những Viện Bảo tàng quân đội - nơi có rất nhiều những kỷ vật thời chiến. Điệp bảo, có lẽ vì những lý do đó mà anh rất hào hứng với những kỷ vật chiến tranh. Nó như một bằng chứng sống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ của dân tộc. Chả thế mà khi chứng kiến những kỷ vật ấy bị bán đồng nát, cậu học trò nhỏ đã rất xót xa và muốn lưu giữ lại.
Kỷ vật đầu tiên mà Điệp có trong bộ sưu tập hàng nghìn kỷ vật chiến tranh của mình là một chiếc lược làm bằng nhôm của cánh máy bay Mỹ bị bắn rơi. Điệp nhớ lại: "Khi em xin được chiếc lược ấy từ một người hàng xóm là cựu chiến binh em vui lắm. Nhiều ngày liền em cứ mang ra ngắm nghía rồi xuýt xoa không hiểu sao trong bom đạn mà các ông, các chú bộ đội ngày ấy vẫn lãng mạn thế. Họ làm lược để tặng người yêu, tặng vợ hay tặng cả mẹ của mình nữa".
Có những kỷ vật các bác cựu chiến binh mang về làm kỷ niệm nên rất khó để thuyết phục họ bán. Điệp đến lần thứ nhất họ lắc đầu. Đến lần thứ hai cũng bị từ chối. "Nhưng sau này khi em lui tới thường xuyên quá, chắc các bác ấy cũng thấy được niềm đam mê trong sáng và nhiệt huyết của em nên đang từ việc em gạ bán, các bác ấy chuyển sang cho không. Có bác còn dặn em phải giữ thật cẩn thận không thì sẽ phụ lòng tin của bác ấy" - Điệp tâm sự.
Có những kỷ vật Điệp phải mất rất nhiều công sức mới có được.
Thời gian đầu nhiều người không hiểu được ý nghĩa việc làm của Điệp nên đã có những lời lẽ nhận xét không hay. Song giờ đây hầu hết mọi người đều hiểu cả. Họ thậm chí còn mang những kỷ vật của nhà còn giữ được đến nhờ thầy giáo Điệp giữ hộ.
Mới đây, khi kênh Truyền hình Quốc Phòng Việt Nam phát sóng chương trình nói về Điệp, đã có nhiều bác cựu chiến binh gửi thư về động viên, khuyến khích. Nhiều bác còn lặn lội từ xa, đích thân mang những kỷ vật mà mình bảo quản được đến tận nhà Điệp tặng lại cho người thầy giáo trẻ.
Điệp tự hào chia sẻ: "Có một bác ở mãi tận Thủ Dầu, khi xem được chương trình truyền hình về em đã gửi thư ra động viên. Bác ấy bảo bác ấy rất cảm động vì không nghĩ lại có những người trẻ như em mà biết trân trọng những kỷ vật chiến tranh đến thế. Chính những lời động viên và khích lệ ấy của các bác càng làm em có thêm động lực và quyết tâm để theo đuổi niềm đam mê của mình".
Điệp bảo, gần chục năm qua, chiếc xe cup 81 mà anh vẫn thường gọi đùa là "con chiến mã già" đã rong ruổi cùng anh trên khắp mọi miền đất nước để đi tìm những kỷ vật chiến tranh. Điệp chia sẻ, những chỗ gần đi xe máy thì là hiển nhiên nhưng nhiều chỗ xa anh vẫn phải song hành cùng con "chiến mã" già. Bởi lẽ nếu đi tàu hoặc xe khách thì sẽ nhàn hơn nhiều, nhưng chủ yếu lại chỉ đến được thành phố chứ không thể len vào từng ngõ ngách được.
Trẻ trung bên các học trò.
Thế nên hầu hết thầy giáo Điệp vẫn dùng chiếc cup 81 là phương tiện chính trong cuộc hành trình trường kỳ đi tìm kỷ vật chiến tranh. "Có lần em cưỡi nó vào tận Nghệ An. Đang đi dọc đường thì nó dở chứng, lăn quay ra "ngất". Thế là em lại phải lóc cóc dắt bộ hàng mấy cây số đường mới tìm được chỗ sửa" - Điệp cười tươi nhớ lại lần đi mua một quả bom trong đó.
Hỏi Điệp rằng nếu chỉ lương giáo viên tiểu học không thôi thì làm sao đủ để trang trải lộ phí cũng như tiền phải trả để mua những kỷ vật ấy thì Điệp khoe: "Ngoài dạy học ra em còn làm thêm nhiều nghề lắm. Từ đắp tượng, chạm khắc đá đến quay phim, chụp ảnh em đều làm tất. Em không nề hà việc gì đâu, miễn kiếm thêm được thật nhiều tiền để đi sưu tầm những kỷ vật mà mình đam mê.
Lần gần đây nhất em mua được một vỏ quả bom ở mãi tận Quảng Bình. Quả bom nặng đến vài tạ, nếu chỉ tính mua theo giá của đồng nát sắt vụn thì cũng đã vài triệu rồi chứ chưa nói đến việc mình mua như mua đồ cổ". Gạ được chủ nhà bán cho mình quả bom ấy, Điệp lại phải mất công thuê hẳn một chiếc xe để chở nguyên quả bom ấy từ Quảng Bình ra. Chi phí lại tăng lên bội phần.
Có nhiều lần, nghe được thông tin có những kỷ vật rất quý hiếm được rao bán. Dù ở rất xa, thậm chí là trong tay không có đủ tiền thì Điệp vẫn quyết lên đường. Bởi anh lo nhỡ mình đến chậm, kỷ vật ấy sẽ lọt vào tay của những kẻ buôn đồ cổ. "Những lần như thế, em thường phải vay tiền của bạn bè, đồng nghiệp để khăn gói lên đường. Cứ mang được kỷ vật về nhà đã rồi sau đó mới đến việc "kéo cày trả nợ" - Điệp hài hước kể.
Mỗi một kỷ vật mà thầy giáo Nguyễn Văn Điệp sưu tầm được đều gắn liền với một kỷ niệm nào đó. Thế nên trong cuốn nhật ký của mình, Điệp ghi lại tất cả ngày giờ, thời gian, địa điểm nơi mua được kỷ vật ấy.
Có những kỷ vật để được sở hữu nó, anh đã phải quay đi quay lại gia chủ hàng chục lần. Thế nên khi đã đưa được nó về, anh quý nó như báu vật vậy. Hễ có thời gian rảnh rỗi là anh lại mang những vật dụng trưng bày trong gian phòng của mình ra lau chùi rất tỉ mẩn.
Ước mơ của thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Điệp là sau này sẽ đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam để mở bảo tàng tư nhân. Đó sẽ là nơi anh trưng bày những kỷ vật thời chiến để nhiều người có cơ hội đến và tận mắt chiêm ngưỡng những kỷ vật gắn liền với quá khứ hào hùng của dân tộc. Nếu việc đó không thể thực hiện được trong một ngày gần nhất thì anh sẽ mở một quán "Cà phê lính". Khách đến với quán có thể sẽ là những người cựu chiến binh đã từng đi qua bom đạn. Trong không gian ấy, những người lính già sẽ được sống lại những tháng ngày gian khổ nhưng rất đỗi tự hào.
Để vừa thỏa mãn niềm đam mê sưu tầm vừa không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn và gia đình, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Điệp luôn phải tự vạch cho mình một thời gian biểu sao cho phù hợp. Người động viên, tạo điều kiện cho anh nhiều nhất lại chính là vợ anh. Hiểu được niềm đam mê của chồng cũng như coi đó là việc làm đúng đắn nên vợ anh luôn quan tâm tới mỗi chuyến đi sưu tầm của chồng.
Giờ đây, khách đến tham quan gian phòng trưng bày cổ vật của anh ngày một nhiều lên và thường đông nhất vào những dịp cuối tuần. Thành phần người đến tham quan cũng rất đa dạng. "Đâu chỉ có những người lính già mới trân trọng những kỷ vật ấy, mà nhiều em học sinh, thậm chí là nhiều cậu thanh niên tóc nhuộm xanh, nhuộm đỏ cũng rất hứng thú khi được tận mắt chứng kiến những thứ mà họ chủ yếu nhìn thấy trên phim ảnh. Nhìn thấy sự thích thú của mọi người khi đến thăm gian phòng trưng bày kỷ vật của mình em thấy rất hạnh phúc. Nói một cách khác, em cảm thấy mình như đã truyền được niềm đam mê tới nhiều người" - thầy giáo Điệp tâm sự.