Thầy giáo Quốc học Huế nói về 'văn hóa chấp nhận' trong giáo dục hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
Thầy giáo Trần Văn Toản (bên trái) đạt giải nhất cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) tổ chức, đang giao lưu với nhân vật trong bài viết của mình - ảnh báo L.Đ
Thầy giáo Trần Văn Toản (bên trái) đạt giải nhất cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018-2019 do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) tổ chức, đang giao lưu với nhân vật trong bài viết của mình - ảnh báo L.Đ
TPO - Thực tế nhiều năm dạy học và làm công tác quản lý chúng tôi nhận ra có nhiều điều trái ngược mà chúng ta chấp nhận bỏ qua, xem đó như một thực tế hiển nhiên tồn tại mà không cần tìm hiểu nguồn gốc của nó. Chúng ta chấp nhận cả những thực tế không mấy vui vẻ về giáo dục. Vô hình trung dần dần trở thành một nếp nghĩ, một thói quen chấp nhận. Tôi gọi đó là văn hóa chấp nhận trong giáo dục.

Bức tranh tươi sáng của nghề giáo từ xưa đến nay đều được cả xã hội thừa nhận và tôn vinh. Những mảng tối như tham ô, xúc phạm thân thể, nhân cách người dạy, người học, thị trường hóa trường học, … đã làm hoen ố nền giáo dục nước nhà trong những năm qua. Trong đó văn hóa chấp nhận là một thực trạng mà ai cũng biết nhưng ít khi lên tiếng.

Đầu tiên đó là chấp nhận rủi ro khi chọn nghề. Chọn nghề được xem là yếu tố quyết định tương lai của học sinh lớp 12 và chọn nghề sư phạm là sự mạo hiểm mà bất cứ bạn nào cũng nhận thấy. Trong số những bạn trẻ chọn ngành sư phạm, số đam mê không nhiều, còn lại không yêu thích, không hứng thú nhưng cũng chấp nhận. Họ chấp nhận bởi không biết chọn ngành nào phù hợp với học lực của mình, nên đành đăng kí vào sư phạm. Toàn cảnh điểm đầu vào các trường đại học sư phạm trong những năm gần đây thật buồn. Có năm chỉ cần 15 điểm (bằng điểm sàn) là có thể vào rất nhiều ngành sư phạm, kể cả những trường sư phạm có thương hiệu lâu năm. Và sinh viên chấp nhận ra trường là khó xin việc.

Vào ngành chúng ta lại phải chấp nhận nhiều điều mà các bài giảng của các thầy cô giáo trên trường đại học không có. Chấp nhận cho học sinh ngồi nhầm lớp, chấp nhận thành tích ảo, chấp nhận điểm số ảo và có khi chúng ta chấp nhận làm ngơ trước một lời nói, hành động vô lễ của người học…

Vẫn biết các cuộc thi dạy giỏi cấp trường, cấp huyện hay cấp tỉnh là hoạt động sinh hoạt chuyên môn, là nơi thể nghiệm, giao lưu các phương pháp dạy học mới, tiên tiến, hiện đại… nhưng thật không hay chút nào khi nó trở thành các vở diễn của thầy cô, biến học trò của mình thành những con chuột thí nghiệm trên sân khấu tồi. Sự vô lí đó được đáp lại bằng lời kêu gọi bỏ thi giáo viên dạy giỏi nhưng không giỏi thì không thể công nhận thành tích, không thể khen thưởng và không thể nâng lương,…

Dù làm bất cứ nghề nghiệp gì cũng gắn với đồng lương. Nhưng lương của viên chức giáo dục cũng như các ngành khác là rất thấp. Một giáo viên ra trường đi dạy 10 năm, nhưng lương chỉ 5,5 triệu. Quả thực là bài toán quá khó để trang trải những khoản chi tiêu của cuộc sống. Nhưng họ vẫn chấp nhận đứng trên bục giảng ngày hai buổi. Và cũng không ít giáo viên phải bươn chải bằng nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Một thực tế diễn ra ở các trường học từ tiểu học đến đại học hiện nay là hơn 50% giáo viên làm nghề tay trái bằng nhiều cách khác nhau: Dạy thêm, kinh doanh, đặc biệt nhất là bán hàng online. Không thể không nhận thấy trường học đã trở thành “siêu thị bán hàng online” với mọi thứ trong cuộc sống để kiếm thêm thu nhập. Vẫn biết bàn tay cầm phấn và khối óc của khoa học, nhưng thực tế vật chất không cho họ quyền được sống bằng sản phẩm mà họ đáng được thụ hưởng. Họ chấp nhận đứng một chân trong ngành giáo dục để tiện cho những công việc tay trái khác.

Theo nguyên tắc của giáo dục hiện đại trên thế giới: Học gì thi đó, nhưng giáo dục của nước ta lại thi gì học đó. Một điều trái ngược mà tất cả mọi giáo viên đều chấp nhận hàng chục năm qua, xem đó là điều hiển nhiên. Chúng ta có khái niệm đề thi mẫu, đề thi minh họa. Đầu năm học giáo viên dạy theo sách giáo khoa, xem đó là cơ sở pháp lý không thể bớt hoặc thêm nó và chờ đợi đề mẫu của Bộ. Gần cuối năm học giáo viên “hóng” xem đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra như thế nào để điều chỉnh các dạng đề cho đúng với “chỉ đạo” của Bộ. Giáo viên khi giảng dạy cũng dạy đúng công thức đã có sẵn, ngay cả bộ môn Ngữ văn. Với các ý mà giáo viên cung cấp, học sinh không cần phải sáng tạo, viết đúng theo sơ đồ của giáo viên là có điểm. Vô tình bản thân giáo viên dạy văn đã hủy hoại cá tính sáng tạo văn chương trong các em khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng cả người dạy lẫn người học lại chấp nhận công thức đó mà không có sự phản kháng, hoặc có thì rồi cũng đâu vào đó.

Chứng kiến bạo lực học đường, nhiều học sinh chấp nhận im lặng, không dám lên tiếng như can ngăn, như trình báo với thầy cô, công an vì sợ bị trả thù. Không ít phụ huynh dặn con ra đường thấy ai làm gì, chứng kiến cảnh gì…đừng đến gần lây vạ vào thân. Người học có khi không bằng lòng về thái độ, cách dạy dỗ của giáo viên nhưng đành chấp nhận…

Khi tất cả trở thành thói quen, không ít giáo viên và cả học sinh im lặng. Chấp nhận im lặng trở thành văn hóa trong nhà trường hiện nay. Im lặng trước sự thiên vị của hiệu trưởng, im lặng trước tình trạng bạo lực học đường, im lặng trước sự gian dối của đồng nghiệp, im lặng trước sự mất công bằng của học sinh…Vài trường hợp giáo viên chấp nhận nâng điểm theo yêu cầu của cấp trên vì muôn vàn lý do. Không phải họ bất lực mà vì sự yên thân. Không muốn phải va chạm, đấu tranh, giáo viên im lặng để hoàn thành công việc tạm thời của mình để lo cho cuộc sống mưu sinh bên ngoài cổng trường.

Đấu tranh là hình thức để chúng ta phát triển, đi lên nhưng trong môi trường sư phạm hiện nay thật khó để nói lên tiếng nói chân thành, dù có tâm huyết, đam mê, dù có trình độ lẫn kĩ năng nhưng văn hóa chấp nhận đã biến giáo viên thành cỗ máy trong nhà trường.

Thiết nghĩ, đổi mới giáo dục trước hết phải bắt đầu tự sự phá vỡ ý thức chấp nhận. Chấp nhận và chấp nhận lâu dần ăn vào trong nếp nghĩ, hủy hoại khả năng tư duy, tinh thần phê và tự phê. Chấp nhận trước những hiện tượng tiêu cực, những việc làm không đúng…là xóa bỏ không khí dân chủ trong trường học nói riêng, giáo dục nói riêng.

Chẳng biết cho đến lúc nào mới khắc phục cái gọi là văn hóa chấp nhận trong giáo dục của chúng ta?

"Đấu tranh là hình thức để chúng ta phát triển, đi lên nhưng trong môi trường sư phạm hiện nay thật khó để nói lên tiếng nói chân thành, dù có tâm huyết, đam mê, dù có trình độ lẫn kĩ năng nhưng văn hóa chấp nhận đã biến giáo viên thành cỗ máy trong nhà trường" - thầy giáo Trần Văn Toản

Trần Văn Toản

(Tổ trưởng Ngữ văn, trường THPT Chuyên Quốc học Huế)

MỚI - NÓNG