Thầy giáo đem tiền nhà 'nuôi' học trực tuyến
> Lò luyện thi hạ nhiệt
> Ba thầy cô trẻ thu nhập ngàn đô/tháng
Hàng tháng đem từ 25 – 30 triệu đồng tiền nhà đi “nuôi” một trang web học trực tuyến miễn phí là công việc mà một thầy giáo 8x đang thực hiện.
Thầy Lê Đức Thuận, giáo viên toán Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam là người đứng đầu dự án baigiangtructuyen.vn, được thành lập bởi một nhóm bao gồm 50 giáo viên, sinh viên, học sinh đến từ các trường THPT và ĐH hàng đầu tại Hà Nội (như THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại thương…) cung cấp tri thức cho học sinh phổ thông thông qua những bài học online hoàn toàn miễn phí.
Thầy Lê Đức Thuận. |
Không phải quá cần, nhưng không thể thiếu
Tôi tìm hiểu về MOOCs (cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà) từ năm 2008, đã muốn mở website học trực tuyến từ khi đó, nhưng do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, chủ yếu là vấn đề kinh phí và một phần là cả về vấn đề công nghệ, nên chưa thể thực hiện được.
Còn bây giờ, tôi tự hào là đã thực hiện được việc mình đã thai nghén từ lâu. Trước chỉ là ý nghĩ, nay đã là sự thật.
Mọi người vẫn cho rằng thời gian học trên lớp cùng thời gian học thêm đã khiến học sinh phổ thông quá bận rộn. Theo anh, tại sao các trang web học trực tuyến vẫn có cơ hội phát triển?
Như chúng ta biết, năng lực và tốc độ học tập của mỗi người khác nhau là khác nhau. Ở trên lớp các thầy cô giảng bài, ví như ta cung cấp một món ăn cho nhiều người, dĩ nhiên, sẽ có người thấy phù hợp, có người không. Vì thế mong muốn các em học sinh có thể cá nhân hoá việc học cho phù hợp với năng lực của mình sẽ là một vấn đề gian nan.
Các trang web học trực tuyến lại khác, chúng cung cấp bài giảng để học sinh có thể học theo năng lực, tốc độ thậm chí là nhu cầu của từng em. Các em có thể xem đi xem lại bài học nhiều lần, làm đi làm lại một một đề trắc nghiệm, xem đi xem lại một lời giải mẫu cho kì hiểu mới thôi.
Ngoài ra, các trang web học trực tuyến nếu được thiết kế và xây dựng tốt thì vừa giống như một trường học ảo, lại vừa như những kho học liệu khổng lồ, chẳng những phong phú về nội dung, đảm bảo chất lượng tốt mà còn mang tính tương tác cao. Khi các em cảm thấy cần bất cứ điều gì thì có thể vào tra cứu, thoả sức mày mò, tìm hiểu, học tập để lĩnh hội tri thức. Các em cũng có thể thảo luận cuối mỗi bài học cùng thầy cô và bạn bè ở khắp các vùng miền để được giải đáp những thắc mắc mà mình gặp phải để từ đó việc học đạt kết quả cao.
Là người vừa giảng dạy trực tiếp, vừa tham gia dạy học trực tuyến, anh nhận định như thế nào về xu hướng học trực tuyến? Liệu rằng học trực tuyến sẽ dần thay thế được việc học trên lớp?
Học trực tuyến hiện đã rất phát triển ở Mỹ và các nước châu Âu và một vài năm gần đây cũng lan dần sang châu Á, nhất là ở Hàn Quốc và Singapore.
Ở Việt Nam hiện nay được biết đến là nước có dân số đông, trẻ và có tốc độ phát triển về CNTT hàng đầu châu Á nên việc học trực tuyến phải nói là cực kì tiềm năng và trên thực tế cũng đã có một số website học trực tuyến, tuy mới ra đời được vài năm, nhưng đã thu hút hàng triệu người tham gia.
Tuy thế, học online không phải là vạn năng. Muốn học online trước tiên phải trang bị máy tính có nối mạng (điều mà học sinh vùng sâu vùng xa hiện cực kì khó khăn) và đặc biệt cần tính tự giác cao của người học. Hơn nữa, sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng mô hình này thay thế việc học truyền thống. Mỗi một mô hình có những thế mạnh mà mô hình còn lại không có được. Với tôi, tôi quan niệm sẽ không bao giờ tuyệt đối hóa phương pháp học này mà bỏ qua phương pháp học tập khác. Cái tôi muốn đề cao chính là việc chúng ta phải làm sao để người học nhận được gì có ích sau từng khóa học.
Khảo sát gần đây của trang web học trực tuyến nổi tiếng thế giới hiện nay, coursera.org, cho thấy có tới 90% người học trực tuyến bỏ dở khóa học giữa chừng. Nhưng nếu nghĩ 10 người học 9 người bỏ mà không làm là sai. Có thể 9 người bỏ dở kia chỉ có nhu cầu tra cứu ở một vài nội dung nào đó.
Tôi mê việc dạy học trực tuyến, nhưng không không thần thánh hóa nó. Hãy đặt tính hữu ích của nó ở chỗ khi nào cần là có. Những trang web này giống như người đồng hành, hỗ trợ cho các em, nhất là các em ở những vùng không có điều kiện tiếp cận những nơi có sự giáo dục tốt như ở Hà Nội và TP.HCM. Giống như bảo tàng với thư viện, không phải lúc nào cũng vào, nhưng là những thứ không thể thiếu.
Anh nhận xét như thế nào về sự tiếp nhận của học sinh Việt Nam đối với mô hình học trực tuyến?
Cái hay của các bạn trẻ là bắt nhập rất nhanh. Cách đây mấy năm đã rộ lên phong trào học sinh dùng facebook – trang web chuyên tán gẫu được giới trẻ yêu thích. Tôi nghĩ tại sao lại chỉ là tán gẫu? Tại sao không tận dụng mạng xã hội số 1 thế này phục vụ cho việc học của các em? Thế là nhóm học tập One Lesson A Day ra đời. Rất nhanh sau đó, nhóm học tập này được lan truyền và được học trò khắp nơi ủng hộ. Đến bây giờ chắc bạn không thể đếm được trên facebook có bao nhiêu nhóm học tập như thế ở Việt Nam.
Thế nhưng, “sứ mệnh” của facebook vẫn được ấn định là “tán gẫu”. Vì thế nó không thể thay thế những website học trực tuyến chuyên nghiệp.
Học trực tuyến đối với học sinh thành phố không có vấn đề gì. Tôi có lo lắng ở vùng sâu vùng xa, trang bị máy tính, nối mạng còn gặp nhiều khó khăn. Tôi hy vọng sẽ có hai kiểu tác động: Có máy tính nối mạng rồi học sinh tìm đến baigiangtructuyen.vn để học. Tuy nhiên nếu thấy baigiangtructuyen.vn rất tốt để có động lực trang bị máy tính để học thì tốt hơn.
Các anh có định mở rộng bài giảng ra tất cả các cấp học?
Đây là việc tôi suy nghĩ ngay từ đầu. Giống như việc xây nhà, nếu anh chỉ định xây nhà cho 3 người thì sau này nếu anh muốn bố trí cho 5 người ở sẽ rất khó khăn nếu không có thiết kế ngay từ đầu. Trước khi xây dựng website này, 3 năm đầu tôi xác định chỉ mở các khóa học trước hết là dành cho bậc THPT rồi lan dần xuống bậc THCS. Còn ước mơ của chúng tôi sau này là mở rộng từ bậc tiểu học cho tới ĐH thậm chí sau ĐH.
Để làm được điều này, ngay đầu chúng tôi đã phải nghiên cứu để thiết kế hệ thống theo hướng mở, tức là chúng ta có dễ dàng “sinh ra” các khóa học mới khác nhau. Tôi mong muốn có nhiều thầy cô tham gia ngay từ bây giờ. Chúng tôi sẵn sàng tạo ngay tài khoản cho các thầy cô đưa bài giảng lên, tự quản lý khóa học của mình và cùng tương tác với những học sinh tham gia.
Tôi không mơ mộng hão huyền. Tôi coi dự án chỉ là một món ăn trong một bữa buffet, nhưng cũng tự tin rằng mình không quá kém cỏi.
Thầy Lê Đức Thuận cùng học trò. |
Sẽ luôn là miễn phí
Anh đã bao giờ nghĩ đến chuyện sau một vài năm nữa, tinh thần, thu nhập… không duy trì được như hiện nay?
Trước khi lập trang web, tôi cũng đã rất băn khoăn và do dự bởi dự án dường như quá tham vọng. Nhưng sau khi tham dự một cuộc tọa đàm do các bạn TEDxHoanKiem tổ chức, nghe những bài nói chuyện của các diễn giả, tôi đã tự nhủ với bản thân : “Mình có thể làm được.”
Tôi quan niệm rằng, một khi đã bắt đầu có nghĩa là mình phải dồn hết say mê, tâm huyết, phải theo đuổi đến cùng. Đã làm - là không cho phép mình thất bại.
Đến bây giờ thì tôi không thể “quay đầu” nữa. Nếu thất bại, là thất bại về uy tín, về niềm tin. Niềm tin ở đây không phải là của người học, bạn bè, mà là niềm tin của tôi vào chính bản thân mình.
Như mọi người vẫn nói, “thầy già con hát trẻ”, còn sức khỏe còn làm ra tiền. Vì vậy, tôi hạ quyết tâm khi đặt bút ký “hợp đồng”… với mình, sẽ duy trì, không xâm phạm kinh phí hoạt động của trang web, cho dù hiện nay tôi vẫn ở nhà thuê, hay sau này, có thể có những lúc tôi phải vay mượn để trang trải các nhu cầu của cuộc sống.
Và tôi tin tưởng rằng, khi xã hội ghi nhận những cố gắng của chúng tôi, sẽ có thêm nhiều giáo viên giỏi đồng hành trong việc xây dựng và phát triển dự án ngày một phong phú và lớn mạnh.
Vậy vấn đề anh lo lắng nhất hiện nay là gì?
Tôi lo làm sao phát triển được nguồn kinh phí. Chủ yếu để bồi dưỡng xứng đáng cho đội ngũ thầy cô và cộng tác viên, đặc biệt là các giáo sinh giỏi mới ra trường, các sinh viên xuất sắc ở quê lên thành phố học tập và đang tham gia vào dự án. Các em vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sinh hoạt ở thành phố mà yếu tố tài chính là một trong điều nan giải.
Không thu phí, nhưng anh có tính đến việc kêu gọi tài trợ cho trang web?
Trước mắt chúng tôi cứ làm tốt đã. Nếu vượt qua được giai đoạn sơ khai, bước vào ổn định lâu dài, tôi mới tính. Hy vọng với sự đóng góp cho cộng đồng, chúng tôi sẽ thu hút được thêm các tổ chức xã hội tham gia, đem lại giá trị lớn hơn, lan tỏa nhiều hơn.
Trong quá trình hoạt động, có một điều khiến tôi trở đi trở lại là việc chúng ta vẫn loay hoay với cách học truyền thống tại trường lớp đã trở nên lạc hậu so với hướng đi của thế giới như hiện tại.
Học trực tuyến hiện nay đang là một xu thế. Các nước như Anh Mỹ thì phương pháp giáo dục này đã quá quen thuộc; còn tại Châu Á thì những nền giáo dục đi đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc… học sinh cũng được tiếp cận từ lâu. Học sinh Việt Nam vẫn luôn được đánh giá cao về khả năng tiếp cận cái mới, sự thông minh cũng như tinh thần cầu tiến trong lĩnh vực học tập. Nên có nhiều kênh giáo dục được đầu tư và ủng hộ hơn nữa để giúp các em có thể khai mở được những khả năng tiềm ẩn của mình.
Xin cảm ơn anh.
Sinh năm 1980 tại Tân Tiến, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Sư phạm ngành Toán tại ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2002 rồi nhận bằng Thạc sỹ ngành này tại cùng trường năm 2005. Năm 2006 khi đang làm Nghiên cứu sinh thì phải bỏ giữa chừng vì “còn nhiều hoài bão dở dang”. Sau khi công tác nhiều nơi thì chuyển về trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam làm giáo viên toán kiêm trưởng nhóm website nhà trường từ năm 2008 đến nay. |
Theo Chi Mai
VietNamNet