Thấy gì từ vụ nữ sinh Hưng Yên bị nhóm bạn lột quần áo đánh dã man giữa lớp

Trường THCS Phù Ủng, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc
Trường THCS Phù Ủng, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc
TP - Đã có rất nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết tận gốc rễ thì mới đây, một học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) bị 5 học sinh nữ lột quần áo, đánh hội đồng đến mức phải nhập viện tâm thần điều trị.

Đình chỉ Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm

Trước khi bị đình chỉ, ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) chia sẻ, khoảng 17 giờ 30 ngày 22/3, một nhóm khoảng 5 nữ sinh lớp 9 đã tham gia đánh hội đồng N.T.H.Y cùng lớp ngay tại lớp học. Thời điểm xảy ra sự việc là khi đã hết giờ học, không có sự chứng kiến của giáo viên.

Clip ghi lại sự việc cho thấy, nhóm nữ sinh đã hung hãn lao vào lột quần áo, đánh, đấm vào mặt, ngực nữ sinh H.Y. Hình ảnh em H.Y bị lột sạch quần áo ngồi ôm mặt cố che chắn mình khiến cho người xem không khỏi phẫn nộ trước hành động bạo lực của nhóm nữ sinh kia.

Nguyên nhân xảy ra sự việc đến thời điểm này vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên gia đình đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Công an huyện đã vào cuộc và sẽ có xác minh, kết luận sự việc. Tuy nhiên, theo ông Phong, H.Y là học sinh hiền lành, ít nói, có phần chậm chạp. “Có lẽ vì hiền quá mà trước đó, dù đã bị đánh nhưng học sinh Y không dám nói với gia đình và nhà trường”, ông Phong nói.

Ông Phong cho biết, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã tổ chức cuộc họp kỷ luật. Tuy nhiên, hình thức xử lý cũng mang tính chất giáo dục học sinh. Các gia đình có con tham gia đánh hội đồng đã xin lỗi gia đình H.Y, cam kết sẽ giáo dục, nhắc nhở học sinh không đánh em H.Y nữa đồng thời xin không đình chỉ học đối với học sinh vì các em sắp thi chuyển cấp lên THPT. Do đó, nhà trường chỉ đình chỉ học 4,5 ngày đối với 5 học sinh tham gia đánh bạn. Nhà trường cũng yêu cầu học sinh xoá clip để “bảo vệ danh dự” cho học sinh bị đánh. Tuy nhiên, tối 29/3, clip này bị phát tán lên mạng.

Đại diện gia đình H.Y, ông Nguyễn Văn Doanh bức xúc kể, ban đầu, khi mới hay tin cháu bị đánh, ông chưa xem clip nên chỉ được nhà trường thông báo cháu bị đánh “sơ sơ”. Khi ông hỏi, clip đâu để gia đình xem, nhà trường cho rằng, clip đã được xoá, cũng sẽ không phát tán lên mạng. Khi đó, với suy nghĩ nhân văn, ông đã đề nghị không kỷ luật các học sinh tham gia đánh cháu mình. Tuy nhiên, sau đó, khi được tận mắt chứng kiến cảnh 5 nữ học sinh lột quần áo, hành hạ cháu mình, ông đã không cầm được nước mắt. Hiện tại, gia đình đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm các cá nhân liên quan.

Ngoài việc H.Y bị bạo hành dã man, lột quần áo là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thân thể thì điều gia đình bức xúc rằng, đây không phải là lần đầu em bị đánh. Đặc biệt, trong sự việc này, khi giáo viên chủ nhiệm biết chuyện đã đề nghị học sinh xoá clip và không thông tin cho bất cứ ai.

Trao đổi với Phóng viên Tiền Phong, ông Trương Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT Huyện Ân Thi cho biết, đến 5 ngày sau khi sự việc xảy ra phòng mới nhận được đơn phản ánh của gia đình học sinh. Ngay sau khi nhận đơn, phòng GD&ĐT đã yêu cầu Trường THCS Phù Ủng viết giải trình vì sao chưa báo cáo sự việc dù đã xảy ra 5 ngày. UBND huyện đã đình chỉ chức vụ hiệu trưởng đối với ông Phong, đình chỉ giáo viên chủ nhiệm để xử lý vụ việc. Còn em H.Y, sau khi sự việc xảy ra, gia đình  nhận thấy tinh thần em hoảng loạn nên đã đưa đến Bệnh viện thần kinh Hưng Yên để điều trị. 

Các giải pháp giáo dục chưa hiệu quả

Trên các diễn đàn cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc và đề nghị phải có hình thức kỷ luật thích đáng để sự việc tương tự không tiếp diễn.

TS Trần Thành Nam, ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, qua một số vụ việc gần đây cho thấy, tính chất bạo lực học đường ngày càng tăng nặng, học sinh đánh bạn xu hướng manh động, tàn bạo hơn. Nhà trường vẫn dán nội quy ứng xử nhưng kiểu làm “cho có”, không có giải pháp căn cốt, cấp bách để học sinh nhận thức được.

Lý giải, dù có nhiều giải pháp nhưng cái gốc của bạo lực, TS Nam cho rằng, giá trị định hướng cho trẻ lâu nay chúng ta chưa làm triệt để. Ví dụ, các hình ảnh yêu thương, hợp tác trong cuộc sống thì ít nhưng tràn lan các hình ảnh bạo lực đập vào mắt các em. Cha mẹ, thầy cô những người liên quan đến giáo dục học sinh đáng ra phải ứng xử bằng nhân cách, hành vi thì nhiều người vẫn sử dụng bạo lực với con trẻ cho nên khi có mâu thuẫn xảy ra, trẻ ứng xử bằng bạo lực và cho rằng, đó là hành vi chấp nhận được. 

TS  Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cần phải lên án mạnh mẽ hành động của nhóm học sinh nữ cố tình làm nhục bạn. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật, các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, ông Lâm nói. Theo TS tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc đánh bạn đã là hành vi không thể chấp nhận thì việc nữ học sinh đi lột quần áo của bạn là việc tối kỵ, cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác. Điều này cũng cho thấy, những học sinh tham gia đánh bạn không có giá trị yêu thương, tôn trọng con người thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê.

Ông Lâm cũng khẳng định, lâu nay Bộ GD&ĐT, các cơ quan có nhiều giải pháp nhưng vẫn liên tiếp có các vụ bạo lực học đường chứng tỏ các giải pháp đó chưa hiệu quả. Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống, học sinh lớp 9 nhưng chưa nhận ra được các giá trị về đạo đức, lòng yêu thương, sự tôn trọng như thế là không được. Vì vậy, sau sự việc này, không chỉ nhà trường nơi xảy ra sự việc mà tất cả các trường học khác cần phải xem lại tất cả các chương trình giáo dục đã hiệu quả hay chưa.

TS Lâm cho rằng, trong tâm lý học lưu ý đến các vấn đề, đầu tiên giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy hàng ngày phải nắm bắt tâm lý, tình cảm, sự khác lạ của học sinh. Rõ ràng, trước khi bị đánh, lột đồ nghiêm trọng như lần này, em H.Y đã từng bị “bắt nạt”. Vậy lớp trưởng, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm ở đâu mà không phát hiện để có biện pháp răn đe, nhắc nhở. Khi sự việc xảy ra, lại coi đây là chuyện nhẹ, yêu cầu học sinh xoá video định giấu nhẹm chuyện đi cũng là vì bệnh thành tích.

Bộ GD&ĐT đã cầu Sở GD&ĐT kiểm tra, báo cáo sự việc cũng như làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Tổ chức thăm hỏi, động viên học sinh, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý sự việc. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường tăng cường tư vấn tâm lý học đường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội cũng như nâng cao vai trò người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng văn hoá học đường 

MỚI - NÓNG