Thấy gì từ việc VinFast bất ngờ công bố cơ cấu giá thành xe?

Thấy gì từ việc VinFast bất ngờ công bố cơ cấu giá thành xe?
Hãng xe Việt VinFast vừa bất ngờ công bố bảng cơ cấu giá xe, minh bạch toàn bộ chi phí tài chính sản xuất của một chiếc ô tô VinFast. Thông điệp đằng sau động thái chưa từng có trên thị trường này là gì?

Thuế chiếm gần nửa giá xe: khó tin nhưng có thật  

Băn khoăn của nhiều người về việc vì sao xe VinFast sản xuất trong nước mà giá bán lại không rẻ đã được giải đáp cụ thể. Số liệu cho thấy tiền thuế mà VinFast thu hộ nhà nước chiếm tới 40% giá thành của dòng Lux và 35% giá thành dòng Fadil.

Cụ thể trong giá bán 1,099 tỷ đồng của một chiếc Lux A2.0, tiền thuế lên tới 412,1 triệu đồng, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Đây cũng là điều đã được nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng lâu nay khi cho rằng mức thuế này bất hợp lý và mâu thuẫn với mong muốn phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

Tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt đang bị áp khá cao, trung bình 40 - 50% và không có sự phân định rõ ràng giữa xe sản xuất trong nước với xe nhập khẩu. Mức thuế thấp nhất đối với xe có dung tích dưới 1,5 lít, như dòng Fadil của VinFast, cũng lên tới 35%.   

Dễ nhận thấy, nếu có sự bóc tách rõ ràng phần nội địa hóa và phần nhập khẩu trong mỗi chiếc xe, đồng thời, đưa mức thuế tiêu thụ đặc biệt về mức hợp lý hơn, tương đương với các nước trong khu vực, thì giá xe VinFast sẽ tốt hơn rất nhiều. “Hiện nay, ta vẫn đánh thuế này với toàn bộ chiếc xe nhưng tôi nghĩ nên bóc tách ra. Phần nội địa hóa được nếu mình vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý. Chúng ta phải khuyến khích, động viên, hỗ trợ phần nội địa hóa mới đúng” – chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.

Không hề có biệt đãi nào dành cho VinFast

Bảng cơ cấu giá thành ô tô với phần thuế khá nặng tiếp tục cho thấy một thông điệp nữa từ hãng xe Việt: VinFast không hề được nhận bất kỳ biệt đãi nào từ chính sách Nhà nước như dư luận xôn xao lâu nay.

Cụ thể hơn, phó TGĐ thường trực VinFast Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định, ưu đãi lớn nhất về thuế mà VinFast được hưởng là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có lãi do nằm trong khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Tuy nhiên, hiện VinFast chưa có lãi nên về cơ bản ưu đãi chung này chưa có tác dụng.

Bà Vân Anh bày tỏ, dĩ nhiên VinFast cũng hy vọng sẽ nhận được những chính sách hỗ trợ phù hợp từ Chính phủ để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô.

“Nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nghèo, những doanh nghiệp lớn như Vingroup hay VinFast nói riêng cần có trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ phát triển kinh tế đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” – phó TGĐ VinFast chia sẻ thêm.

Theo các chuyên gia, Nhà nước nên thể hiện vai trò “đỡ đầu” cho “người tiên phong” bằng khuôn khổ thể chế, pháp lý. Đây là điều bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng làm đối với lĩnh vực trọng điểm như sản xuất ô tô.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nêu quan điểm, nếu để doanh nghiệp đi tiên phong gặp khó khăn đến mức phải rút ra khỏi thị trường thì sẽ làm hỏng nỗ lực đưa đất nước thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

“Nhà nước  phải thấu hiểu những khó khăn tất yếu mà người tiên phong sẽ gặp phải và xem đó như là đề bài để thiết kế các chính sách hỗ trợ. Sự hỗ trợ này không phải là đặc ân mà là chính sách tất yếu, không chỉ với ngành công nghiệp ô tô mà nhiều ngành công nghiệp khác nữa”, TS Phước thẳng thắn.

Thực hiện giải pháp bền vững: tăng tỉ lệ nội địa hóa 

Bóc tách cơ cấu giá, nhiều người cho rằng phần chi phí nguyên vật liệu của ô tô VinFast ở mức cao. Chiếc sedan Lux A2.0 có giá thành sản xuất là 783,7 triệu thì tiền nguyên vật liệu đã lên tới 640 triệu.

Đại diện VinFast giải thích, mỗi chiếc xe được cấu thành từ hàng chục nghìn chi tiết. Chỉ tính cụm 3 linh kiện đắt nhất là hộp số tự động 8 cấp, trục trước và trục sau của hệ thống khung gầm (đều do hãng ZF của Đức cung cấp), chi phí đầu vào đã lên tới hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, mẫu Lux A2.0 còn sử dụng các linh kiện cao cấp đến từ các nhà cung cấp tên tuổi hàng đầu thế giới như toàn bộ ghế của Lear (Mỹ), hệ thống ống xả và cửa xe của Faurecia (Pháp), bộ tăng áp Mitsubishi (Nhật Bản), lốp Michelin (Pháp)…

Với giá 3 Không, VinFast hoàn toàn không tính lãi trong tất cả các hạng mục, nhưng do thời gian đầu, tỷ lệ nội địa hóa thấp, linh kiện chủ yếu phải nhập từ các hãng lớn của nước ngoài nên giá thành sản xuất cao.

Để giải quyết bài toán này, ngay từ đầu hãng xe Việt đã đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện VinFast đã tự sản xuất được một phần động cơ và phần lớn thân vỏ, nên giảm được đáng kể chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, VinFast cũng đã nội địa hóa thêm được nhiều linh kiện khác như hộp số, cầu trước, cầu sau, các linh kiện thân vỏ, ghế xe, ốp nội thất… Trong tổ hợp sản xuất tại Đình Vũ – Cát Hải, VinFast dành ra phần diện tích rất lớn, khoảng 100ha để các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà máy, sẵn sàng tham gia vào chuỗi sản xuất ô tô thương hiệu Việt.

Nhưng việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, qua đó có thể giảm được giá thành sản xuất, không phải chuyện một sớm một chiều. Mặc dù vậy, có thể thấy VinFast đã tiên liệu được thách thức mà hãng sẽ phải đối diện trong thời gian đầu “khởi nghiệp” và chủ động có giải pháp theo hướng tăng dần đều tỷ lệ nội địa hóa. Đạt được mục tiêu này, ngoài việc giải quyết được một phần câu chuyện về giá xe, VinFast sẽ ghi dấu ấn quan trọng khi tạo ra một chuỗi giá trị Việt cho các sản phẩm công nghiệp mang hàm lượng chất xám cao của Việt Nam./.

MỚI - NÓNG