Thấy gì từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước?

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia cho rằng NHNN giảm lãi suất có mục tiêu chính là “đi trước đón đầu” trong điều hành chính sách, đồng thời cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã lành mạnh hơn.
Thấy gì từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước? ảnh 1

Trong thông báo phát đi sau quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành từ 15/3, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một loạt lý do cả trong và ngoài nước để lý giải hành động lần này. Nhà điều hành cũng cho biết việc giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Còn theo các chuyên gia, động thái giảm lãi suất điều hành ngay trong quý I của NHNN đã được dự báo từ trước.

Quyết định không bất ngờ

Theo TS Đinh Thế Hiển, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN lần này là quyết định không bất ngờ và đã được dự báo từ cuối năm 2022.

Cụ thể, tháng 12 năm ngoái, các chuyên gia đã đưa ra dự báo xu hướng lãi suất trong nước sẽ duy trì ổn định trong quý I và hạ nhiệt dần từ quý II. Đến hết quý II, mặt bằng lãi suất trong nước có thể trở về mức bình thường - trước giai đoạn bất ổn vừa qua.

Phân tích rõ hơn, vị chuyên gia cho biết những bất ổn trong hệ thống ngân hàng khiến lãi suất tăng cao quý IV/2022 chủ yếu đến từ việc mất cân đối cung - cầu tín dụng và thanh khoản thị trường. Theo đó, trong khi các ngân hàng gặp khó trong việc huy động vốn đầu vào do thanh khoản thị trường bớt dồi dào, nhu cầu tín dụng lại vẫn ở mức cao (thực tế vẫn tăng hơn 14,5% trong năm 2022).

“Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bị kẹt vốn trong đầu tư bất động sản vì sử dụng đòn bẩy quá lớn, họ phải vay bằng mọi giá, từ đó càng khiến cầu tín dụng mạnh hơn, dẫn tới lệch pha tín dụng và làm lãi suất tăng mạnh”, ông Hiển cho biết.

Theo ông, quý IV/2022 là giai đoạn bắt đầu có sự can thiệp và xử lý của NHNN, Bộ Tài chính và Chính phủ với thị trường tài chính, đến quý I năm nay các vấn đề đã bước đầu được xử lý như trái phiếu doanh nghiệp, thanh khoản SCB, tín dụng bất động sản… Hiện nay, người dân, doanh nghiệp đã có thể tiếp cận vốn ngân hàng, kể cả với khoản vay bất động sản, tuy nhiên vẫn phải đáp ứng một số tiêu chí. “Có thể thấy, nhu cầu tín dụng đã dần ổn định trong quý I nên việc NHNN giảm lãi suất điều hành không quá bất ngờ khi các vấn đề tồn tại của thị trường đang dần được giải quyết”, ông Hiển nhấn mạnh.

Thấy gì từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước? ảnh 2

Còn theo TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu có điều kiện thì luôn luôn nên thực hiện giảm lãi suất điều hành vì sẽ tác động tích cực tới tâm lý thị trường. Động thái này cũng sẽ góp phần hạ lãi suất huy động - cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn.

Theo vị chuyên gia, dù một số mức lãi suất được giảm tới 1 điểm %, NHNN vẫn khá thận trọng với đợt giảm lãi suất này. Trong đó, lãi suất được giảm chủ yếu là tái cấp vốn, chiết khấu… Điều này phản ảnh tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện, đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm lãi suất cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát.

Ông cho biết thêm, động thái giảm lãi suất của NHNN cũng được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới khó có thể tăng mạnh lãi suất thêm nữa. “Dường như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bồ câu (thái độ ôn hòa - PV) hơn với chính sách lãi suất sau vụ hai ngân hàng sụp đổ ở Mỹ”, ông Thành chia sẻ.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng trợ lực quan trọng nhất hiện nay để NHNN giảm lãi suất điều hành vẫn là thanh khoản các ngân hàng đã lành mạnh hơn.

Lãi suất điều hành giảm tác động ra sao?

Đánh giá về đợt giảm lãi suất này của NHNN, ông Trần Ngọc Báu, Founder kiêm CEO Wi Group, cho biết trong 3-4 tháng qua, chính sách tiền tệ của Việt Nam là “đi trước đón đầu”, do sự lệch pha giữa chu kỳ kinh tế Mỹ và Việt Nam.

Trước đây, kinh tế Mỹ suy yếu trước và Việt Nam chịu ảnh hưởng sau, tuy nhiên, hiện tại kinh tế trong nước đã ghi nhận dấu hiệu suy giảm nhanh hơn kinh tế Mỹ. “Do đó, chúng ta cần có những chính sách đi trước cả Mỹ”, ông nói.

Đối với tác động lên thị trường, ông Báu cho rằng sau khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất trên kênh liên ngân hàng có thể được điều tiết giảm dần với mức bình quân 0,5-1 điểm % so với hiện tại.

Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào như hiện tại, xu hướng giảm sẽ vẫn tiếp tục, kỳ vọng đến giữa năm nay, lãi suất huy động 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có thể về quanh mức 7-7,2%/năm.

Với tỷ giá, ông Báu cho rằng trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND có thể ghi nhận biến động, nhưng áp lực không quá lớn. Bên cạnh đó, NHNN cũng có thể chủ động xử lý vấn đề này với các công cụ có sẵn.

Thấy gì từ động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước? ảnh 3

Các chuyên gia cho rằng đợt giảm lãi suất điều hành mới nhất của NHNN sẽ không tạo nhiều áp lực lên tỷ giá USD/VND. Ảnh: Hoàng Hà.

“Nửa cuối năm 2022, thị trường rất sợ VND mất giá nhiều so với USD, chính tâm lý này khiến nhà đầu tư găm giữ đồng bạc xanh nhiều hơn”, ông Báu nói và cho rằng hiện tại, thị trường đã không còn kỳ vọng USD tăng mạnh mà ngược lại còn kỳ vọng ngoại tệ này giảm giá, tâm lý găm giữ USD từ đó cũng không còn.

“NHNN sẽ có không gian để đưa ra một mức nền lãi suất thấp, đi trước Fed vì bản thân ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã chậm lại trong việc tăng lãi suất, dự báo cuối năm nay có thể đảo chiều chính sách”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng cần đề phòng một rủi ro rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra là hệ thống ngân hàng Mỹ đổ vỡ dây chuyền, kéo theo áp lực lên hệ thống tài chính toàn cầu. Khi đó, tỷ giá USD/VND sẽ rất căng thẳng, bởi lúc này nhu cầu trú ẩn vào USD toàn cầu sẽ tăng ngoài tầm kiểm soát.

Mục tiêu là lãi suất cho vay

Trong bối cảnh tỷ giá được dự báo biến động không lớn, các chuyên gia đều cho rằng đợt giảm lãi suất điều hành lần này của NHNN có mục tiêu chính là giảm mặt bằng lãi suất huy động - cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo TS Đinh Thế Hiển, hiện lãi suất huy động - cho vay tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Trong đó, người gửi tiền vẫn đang nhận được mức lãi suất 8-9%/năm, dẫn đến áp lực lãi suất cho vay với các doanh nghiệp là rất lớn.

Người gửi tiền vẫn đang nhận được mức lãi suất 8-9%/năm, dẫn đến áp lực lãi suất cho vay với các doanh nghiệp là rất lớn

TS Đinh Thế Hiển

Với động thái của NHNN, sang quý II, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường có thể không giảm nhiều nhưng chắc chắn không tăng, qua đó giúp lãi suất cho vay ổn định và hạ nhiệt. Dự báo đến cuối quý II, mặt bằng lãi suất huy động của nhóm 4 ngân hàng quốc doanh có thể trở về mức 7%/năm và các ngân hàng thương mại còn lại phổ biến quanh mức 7,5-8,5%/năm. Khi đó, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức trên dưới 10%/năm.

“Việc NHNN giảm lãi suất điều hành cho thấy các vấn đề của hệ thống ngân hàng đã bước đầu được xử lý và dần ổn định. Nhưng một góc nhìn khác cũng cho thấy cơ quan quản lý đang tiếp cận theo hướng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”, ông Hiển cho biết.

CEO Wigroup Trần Ngọc Báu cũng cho rằng đợt giảm lãi suất điều hành này của NHNN có mục tiêu chính để đánh vào lãi suất huy động - cho vay. Bên cạnh đó, động thái này cũng đánh vào tâm lý thị trường.

Về xu hướng lãi suất năm nay, ông Hiển cho rằng trong điều kiện thuận lợi nếu xuất khẩu có thể tăng trưởng trở lại trong quý II, mặt bằng lãi suất có thể trở về mức ổn định vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu xuất khẩu tiếp tục suy giảm, kinh tế phục hồi chậm, lãi suất vẫn sẽ duy trì xu hướng giảm nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để trở về mức trước dịch Covid-19 (năm 2019).

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Theo Zing
MỚI - NÓNG