Thay đổi thời tiết, bệnh mề đay xuất hiện

Thay đổi thời tiết, bệnh mề đay xuất hiện
TP - Mề đay (có nơi gọi là mày đay) là một bệnh dị ứng gặp khá phổ biến ở cộng đồng dân cư nước ta. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng khi thời tiết thay đổi bệnh hay tái phát và xuất hiện.

> 10 bài thuốc chữa bệnh từ cây nhọ nồi

Nam hay nữ giới đều có thể mắc bệnh mề đay. Hầu hết bệnh không gây nguy hiểm, chỉ gây khó chịu, ngứa, nhưng có những trường hợp có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

Nguyên nhân gây nên bệnh mề đay rất phức tạp, biểu hiện chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị ứng nguyên) như thức ăn, thuốc, mỹ phẩm, côn trùng đốt, vi sinh vật, ký sinh vật, do tiếp xúc, do lạnh, do nắng, thay đổi thời tiết đột ngột hoặc do tăng tiết cholin. Bệnh mề đay rất dễ xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng, bệnh hay tái phát và có thể mang tính chất gia đình (di truyền). Có hai loại bệnh mề đay, cấp tính và mãn tính.

Thay đổi thời tiết, bệnh mề đay xuất hiện ảnh 1

Mề đay cấp tính: Bệnh xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ vùng da, niêm mạc nào trên cơ thể. Đầu tiên xuất hiện các nốt sẩn có mầu hồng hoặc đỏ, phù nề, ngứa. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mề đay. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Có khi ngứa phải gãi nhiều gây chảy máu nhưng vẫn không đỡ ngứa.

Chính vì vậy da rất dễ bị nhiễm trùng mưng mủ. Nốt sẩn ngứa có khi một vùng, có khi cả đám nhưng đôi khi chỉ rải rác. Các nốt sẩn ngứa trong bệnh mề đay thường kéo dài vài ba phút đến vài ba giờ rồi lặn. Bệnh mề đay cũng có thể xuất hiện ở đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, nôn, ỉa chảy, thậm chí xẩy ra ở tổ chức não, thanh-khí quản gây phù nề rất nguy hiểm.

Mề đay mạn tính: Khi bệnh xảy ra kế tiếp nhau nhiều lần hoặc cách quãng bất kể là số lượng nốt sẩn nhiều hay ít. Mề đay mạn tính gặp nhiều dạng khác nhau, mề đay thành vòng, mề đay thành vạch, xuất huyết, mụn nước. Dạng đặc biệt của mề đay là phù Quincke. Khi phù Quincke thì xuất hiện sưng mặt, mí mắt, môi, bộ phận sinh dục.

Phù Quincke xảy ra đột ngột và kéo dài vài giờ. Đôi khi phù Quincke xẩy ra ở đường hô hấp, gây chít hẹp thanh quản, khí quản làm khó thở cấp tính rất nguy hiểm, phải cấp cứu khẩn cấp. Khi bị bệnh mề đay nên đến cơ sở y tế để được khám và xác định nguyên nhân và từ đó sẽ có chỉ định điều trị thích hợp cho từng người.

Bản chất của bệnh mề đay là bệnh dị ứng cho nên để điều trị bệnh có hiệu quả, nhất là mề đay cấp, phù Quincke người ta thường dùng các loại kháng histamin tổng hợp đặc biệt là các loại không gây buồn ngủ.

Trong những trường hợp đặc biệt, bệnh nặng có thể phải dùng đến corticoid. Tại các vùng da nổi mề đay có thể dùng một số kem chống dị ứng như như kem phê néc găng 2% bôi thật mỏng hoặc dùng dầu nóng. Về đông y, có một số bài thuốc khá hiệu nghiệm nhưng phải được các thầy thuốc đông y có kinh nghiệm và có cả kiến thức về y học kê đơn mới có hiệu quả.

Người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc để điều trị cho mình hay hoặc điều trị cho người nhà, vì làm như vậy bệnh không những bệnh không khỏi mà còn nặng thêm. Những người đã từng mắc bệnh mề đay tránh tiếp xúc với các loại dị nguyên có nguy cơ gây mề đay tái phát (nóng, lạnh đột ngột, tôm cua, hóa dược…)
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.