> Chủ trang trại vứt 6.000 xác lợn chết xuống sông
Nước uống rồi thịt lợn, những thứ mà người ta vẫn ăn uống hằng ngày bỗng chốc trở thành nỗi ám ảnh khiếp đảm và một lần nữa, tiếng chuông báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở Trung Quốc lại gióng lên.
Thịt lợn chiếm tới 64% tổng sản lượng thịt năm ngoái và tầng lớp cư dân thành thị ngày một khá giả ở Trung Quốc tiêu thụ 21kg thịt lợn/người trong năm 2011.
Thịt lợn cũng là sản phẩm chủ lực của Trung Quốc khi tính đến cuối năm ngoái, số lợn nuôi ở quốc gia đông dân nhất thế giới này lên tới 457 triệu con. Bởi thế mà vụ việc xảy ra ở Thượng Hải gây “sốc” cho không chỉ cư dân Thượng Hải mà đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.
Người dân nghi ngờ về khẳng định của chính quyền thành phố rằng chất lượng nước sông Hoàng Phố vẫn “ổn định” khi mà đã có tới 8.300 xác lợn chết được vớt trên sông trong mấy ngày gần đây.
Số lượng lợn chết nhiều thế ắt hẳn đang có dịch bệnh. Họ đâm ra nghi ngờ cả những túi thịt lợn tươi mua ở chợ hàng ngày có khi là thịt lợn bệnh hay những món ăn sẵn thơm ngon từ thịt lợn kia biết đâu được chế biến từ thịt lợn chết.
Dù thế nào, những nghi ngại của họ không phải vô cớ bởi ngành chăn nuôi Trung Quốc không có cơ chế bồi thường cho người chăn nuôi trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra và một bộ phận người chăn nuôi vì tiếc của có thể không tiêu hủy lợn bệnh đúng cách để đỡ tốn chi phí hoặc tệ hơn là bán lợn chết cho các nhà chế biến thực phẩm bất lương.
Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề, trong đề án cải cách chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, Chính phủ Trung Quốc đã quy nhiệm vụ của nhiều cơ quan về một mối là Cơ quan Thực phẩm và Thuốc chịu trách nhiệm về các vụ bê bối thực phẩm.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây mới chỉ là bước đi đầu tiên và không thể một sớm một chiều làm thay đổi vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước này bởi quá nhiều vấn đề, từ nạn ô nhiễm do phát triển nóng, thói quen sử dụng phụ gia và kháng sinh cho tới tập quán giấu diếm thông tin của các địa phương xảy ra bê bối.