Thâu đêm nhập dữ liệu sổ điểm điện tử

Giao diện phần mềm hệ thống giáo dục điện tử Hà Nội vừa thay thế.
Giao diện phần mềm hệ thống giáo dục điện tử Hà Nội vừa thay thế.
TP - Từ năm 2012, Sở GD&ĐT Hà Nội đã bắt đầu thí điểm hệ thống sổ điểm điện tử ở một số trường và sớm mang lại kết quả tích cực. Trong lúc hệ thống đang chạy ổn định, đầu năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội bất ngờ thay thế bằng hệ thống mới chưa được thử nghiệm.

Bi hài “canh” hệ thống chờ nhập điểm

Đầu năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội bất ngờ thay thế hệ thống quản lý giáo dục đang vận hành ổn định bằng hệ thống mới do Cty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường xây dựng khiến nhiều giáo viên ngỡ ngàng. Sau một học kỳ áp dụng, so với phần mềm cũ, hệ thống phầm mềm mới đang có nhiều bất cập khiến công tác quản lý điểm số, quản lý giáo dục gặp nhiều  khó khăn.

Được biết, hệ thống phần mềm quản lý mới chưa được chạy thử nghiệm, chưa được giới chuyên môn đánh giá và nghiệm thu đã đưa vào  áp dụng đại trà. Theo phản ánh của một số giáo viên, từ khi đưa hệ thống mới vào áp dụng, việc đăng nhập và sử dụng liên tục gặp sự cố.

Khảo sát thực tế tại một số trường giữa tháng 12/2016 cho thấy, việc đăng nhập của giáo viên vào ban ngày rất khó khăn, thậm chí phải đăng nhập nhiều lần mới vào được hệ thống, nhiều trường hợp màn hình đăng nhập không hiển thị được. Trước áp lực phải nhập điểm tổng kết học kỳ I cho học sinh, nhiều giáo viên phải lựa chọn giải pháp ngồi “canh” hệ thống đến 1- 2 giờ sáng để nhập điểm. Một giáo viên  trường THCS ở quận Hoàng Mai cho biết: “Phần mềm quản lý giáo dục được áp dụng nhằm giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc nhập điểm và tính điểm cho học sinh. Tuy nhiên, khi chuyển sang hệ thống mới giáo viên lại gặp nhiều khó khăn do hệ thống không đáp ứng được yêu cầu”.

Triển khai hệ thống mới quá nóng vội?

Trao đổi với PV Tiền Phong, thầy Hiền, giáo viên một trường ở huyện Phú Xuyên cho biết: “Việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý giáo dục là hướng đến mục tiêu giúp cho giáo viên giảm thiểu tối đa thời gian nhập điểm, đảm bảo tính chính xác cao. Mặt khác, phần mềm còn giúp ban giám hiệu dễ dàng quản lý, giám sát quá trình vào điểm của từng giáo viên. Tuy nhiên, khi chuyển sang hệ thống của Cty CP Phần mềm Nhật Cường từ đầu năm học 2016 - 2017, hệ thống không đáp ứng được hai tiêu chí trên. Trên “CLB sổ điểm điện tử” xuất hiện nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên về những khó khăn đang gặp phải do hệ thống luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí có không ít ý kiến tiêu cực về hệ thống đang áp dụng”. 

Vẫn theo ý kiến của thầy Hiền, để kịp tiến độ tổng kết, nhiều giáo viên trường ông buộc phải chọn giải pháp thức cầu may đến 2- 3 giờ sáng để vào được hệ thống, nhiều người vừa nhập xong thì hệ thống bị treo nên phải làm lại từ đầu. Ngoài ra, việc duy trì tương tác giữa giáo viên với đơn vị cung cấp cũng không được tốt, dẫn đến tình trạng thắc mắc về sự cố không được xử lý kịp thời. Việc áp dụng đồng loạt phần mềm mới, thay vì trải qua thời gian chạy thử nghiệm 6 tháng hoặc 1 năm là quá nóng vội, khiến giáo viên gặp khó khăn.

Được biết, Phòng GD&ĐT một số quận huyện đã tập hợp ý kiến của giáo viên báo cáo về Sở GD&ĐT “cầu cứu” sự giúp đỡ. Để giải quyết khó khăn, tháng 12/2016, ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký Công văn đề nghị Sở TT&TT báo cáo thành phố có biện pháp hỗ trợ cho khoảng 33.837 tài khoản của giáo viên.

Trên “CLB sổ điểm điện tử” xuất hiện nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên về những khó khăn đang gặp phải do hệ thống luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí có không ít ý kiến tiêu cực về hệ thống đang áp dụng”.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.