Thập nhị binh thư và tinh hoa binh pháp – Kỳ I

0:00 / 0:00
0:00
“Thập Nhị Binh Thư” là một áng văn hội tụ những tinh hoa kinh điển trong thuật dụng binh và cho đến nay vẫn là bửu văn tâm đắc của vô số chánh trị gia, lãnh đạo quân sự, triết gia, chiến lược gia… từ Đông sang Tây.
Thập nhị binh thư và tinh hoa binh pháp – Kỳ I ảnh 1   
Thập nhị binh thư và tinh hoa binh pháp – Kỳ I ảnh 2

Để chuẩn bị kiến tạo nên một dân tộc siêu việt, một quốc gia trung tâm và nhằm trang bị kiến thức nền tảng về binh pháp, khả năng thao lược của một dân tộc dẫn dắt, Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ với tấm lòng Thiện Lành đã tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn sách "Thập Nhị Binh Thư". Đây là một hội tụ những tinh hoa kinh điển trong thuật dụng binh, từng là tôn chỉ của bao mãnh tướng kiêu dũng chốn sa trường, đồng thời là cẩm nang của nhiều yếu nhân chốn quan trường. Sách này đến tận ngày nay vẫn là bửu văn tâm đắc "gối đầu giường" của vô số chánh trị gia, lãnh đạo quân sự, triết gia, chiến lược gia, doanh nhân… từ Đông sang Tây. Thế nên "Thập Nhị Binh Thư" mới được chọn là một trong hơn 100 sách quý của Tủ sách "Nền tảng Đổi Đời" hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại với 12 lĩnh vực căn cốt nhất.

Thập Nhị Binh Thư gồm 12 bộ binh thư được tập hợp và giới thiệu lần lượt là:

1. Lục thao (Thái Công Khương Tử Nha);

2. Tam lược (Thái Công Khương Tử Nha);

3. Tư Mã binh pháp (Tư Mã Điền Nhương Tư);

4. Tôn Tử binh pháp (Tôn Vũ Tử);

5. Ngô Tử binh pháp (Ngô Khởi);

6. Uất Liễu Tử (Uất Liễu);

7. Binh pháp Khổng Minh (Võ Hầu Gia Cát Lượng);

8. Tố thư (Hoàng Thạch Công);

9. Đường Thái Tông - Lý Vệ Công vấn đối (Vệ Công Lý Tĩnh);

10. Binh thư yếu lược (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn);

11. Binh thư yếu lược (tu chỉnh)

12. Hổ trướng khu cơ (Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ).

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tập hợp tương đối đầy đủ nhất của cấp độ Mưu Thuật - Trí Thuật; để chuẩn bị cho một dân tộc vĩ đại, trung tâm, siêu việt; thì cấp độ đó cũng là chưa đủ mà dân tộc mình phải cùng đoàn kết luyện rèn lên mức độ của Trí Đạo – Tâm Đạo; là cấp độ có thể thấu ngộ được quy luật tạo hoá, hiểu được Ý Trời, cùng quy tụ Lòng Người với những động lực và cảm xúc cao cấp và cao quý nhất.

Người ta vẫn tin rằng Binh pháp Trung Hoa cổ là những nguyên tắc tiến hành chiến tranh được đúc kết rất chặt chẽ và xác đáng. Nhưng lịch sử Việt Nam luôn có những anh hùng dân tộc đã oanh liệt chiến thắng rất nhiều đạo quân phương Bắc hùng mạnh được dẫn đầu bởi những viên tướng làu thông binh pháp. Người Đại Việt ta cũng hấp thu binh pháp Trung Hoa cổ để sáng tạo nên một lý luận riêng, một nghệ thuật chiến tranh đặc sắc giúp dân tộc nhỏ bé trở nên quật cường, không bao giờ khuất phục ngoại xâm. Nói cho cùng thì các bậc tiền nhân lập nên những bộ Binh Thư, Binh Pháp cốt yếu nhằm hoàn thiện một lý luận quân sự tổng quát cùng với một số lối tác chiến trong từng hoàn cảnh. Chẳng hạn Binh Pháp Tôn Tử chép rằng, "Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần" – Quân binh cũng như nước, không hình không dạng cố định; nếu như có thể tùy theo tình hình biến hóa của địch mà biến đổi theo đó để giành thắng lợi, thì đó là "dụng binh như thần" vậy. Còn "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ tri kỉ giả, nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ, bất tri kỉ, mỗi chiến tất đãi" thường được tường ngôn ngắn gọn thành "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", đã từ lâu được truyền tụng trong khắp nhân gian. Đó chẳng phải là những tâm ngôn căn cốt để giành vị thế thống lãnh trên chiến trường ư! Còn thực tiễn chiến trường sẽ minh chứng người làm Tướng thấu hiểu tâm ngôn và vận dụng với sự Minh Triết đến mức nào.

Thập nhị binh thư và tinh hoa binh pháp – Kỳ I ảnh 3

Thư trung hữu bảo, trong kinh sách luôn hiện hữu điều quý báu, kẻ lược thao quân sự nhất thiết phải vững vàng về mưu lược, kế sách, tài nghệ kiếm cung. Vị lẽ ấy, bửu văn "Thập nhị binh thư" cũng đồng thời là bửu khí nhất định phải sở đắc và làu thông để mỗi binh sĩ đều có thể thành danh trên con đường binh nghiệp, để mỗi viên tướng đều là biểu tượng của một đạo quân bất khả chiến bại trên sa trường.

Thiết tưởng cũng cần phải diễn giải thêm rằng: đối với các bậc minh quân và những dũng tướng quả cảm, thượng võ nhất thì "Binh chinh thiên hạ" chỉ là một dạng phương tiện chứ không phải mục đích. Kỳ thực thì những bậc này đều thấu đạt một đạo lý rằng an dân, yên định xã tắc mới chính là mục đích tối cao của chiến chinh. Họ là những chủ tướng đầy Trắc ẩn – Yêu thương – Trách nhiệm nên được vinh danh trong sử sách, được cả người đời, đồng minh và luôn cả kẻ thù cũng phải kính trọng.

Cũng vì thế mà pho sách này không chỉ là bộ kiệt tác quân sự cổ xưa, mà còn ẩn chứa biết bao hàm ý triết học ưu tú của Đông Phương. Người đời nay ai ai đọc Binh Thư cũng đều thu hoạch được lợi ích. Người doanh nhân đọc Binh Thư thì thêm nhiều sáng kiến chốn thương trường. Người trí thức đọc vào để tỏ tường lịch sử. Người nghệ sỹ sẽ cảm thụ được cái hay cái đẹp trong câu chữ, văn phong… Hiểu ra thế nào là nghệ thuật mưu lược chiến tranh ngày trước vẫn giúp lợi cho mọi độc giả trong công việc và đời sống ngày nay. Bao người mê say Binh thư cổ ngàn năm cũng bởi những giá trị ẩn tàng, càng khai phá càng thấy dồi dào mãi chưa cạn kiệt.

(Đón đọc nội dung tiếp theo: Thập nhị binh thư và tinh hoa binh pháp – Kỳ II.)

MỚI - NÓNG