Năm 2008, tỷ phú, Hoàng tử Alwaleed Bin Talal của Ảrập Xêút công bố ý định xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới: Toà nhà chọc trời đầu tiên cao ở cấp độ kilomet, được gọi là Tháp Jeddah. Nếu hoàn thành (cao 1km như thiết kế), đây sẽ là tòa nhà cao nhất thế giới.
Tòa nhà chọc trời nằm ở một ốc đảo đô thị có tên là Thành phố Kinh tế Jeddah, nằm giữa hai thành phố linh thiêng Mecca và Medina và với tham vọng trở thành Dubai của Ảrập Xêút.
Khi xây xong, Tháp Jeddah sẽ cao 1km. Ảnh: Domus. |
Gần 15 năm sau, công trình xây dựng bị đình trệ, do những vấn đề về chính trị và đại dịch toàn cầu COVID-19. Chỉ 1/3 của tòa tháp đã được xây dựng và hiện tại không có kế hoạch khởi động lại việc xây dựng.
Tháp Jeddah được thiết kế bởi kiến trúc sư Adrian Smith, người kiến trúc công trình tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay - Burj Khalifa cao 829,8 m ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất – UAE).
Hai công trình Jeddah và Burj Khalifa có chung một số yếu tố thiết kế, như mặt bằng hình chữ Y, với ba bức tường bên ngoài thay vì bốn bức tường.
Trên thực tế, thiết kế ba tường mang tính khí động học hơn và chống lại gió giật tốt hơn ở độ cao khó dự đoán, đặc biệt là trên sa mạc. Cả hai tòa tháp của kiến trúc Smith đều được coi là cấu trúc “siêu cao” (bất kỳ tòa nhà nào vượt quá 600 m).
Tháp Jeddah hồi tháng 8/2019. Nguồn: Wikipedia. |
Ủng hộ và phản đối
Ở Ảrập Xêút, nhu cầu và giá cả bất động sản tăng do dân số tăng cao và nguồn cung nhà ở thiếu hụt, trong đó có các căn hộ sang trọng kiểu như trong Tháp Jeddah. Để thúc đẩy tăng trưởng, chính phủ Ảrập Xêút sẽ đầu tư 67 tỷ USD để xây dựng 500.000 đơn vị nhà ở (nhà đất, căn hộ…) trên khắp đất nước, Gulf News đưa tin năm 2011.
Theo các quan chức Ảrập Xêút, mỗi ngày cần khoảng 900 đơn vị nhà ở mới để đáp ứng nhu cầu của dân số đang tăng nhanh; con số này đã tăng gần gấp 4 lần trong 4 thập kỷ qua. Giống như Tháp Jeddah sẽ bổ sung cho sự phát triển của Thành phố Kinh tế Jeddah (sẽ được xây dựng xung quanh tháp), có nhiều dự án cơ sở hạ tầng và phục hồi đang được tiến hành và lên kế hoạch trên khắp Ảrập Xêút, như nhà ga sân bay mới trị giá 7,2 tỷ USD đang được xây dựng tại Sân bay Quốc tế Quốc vương Abdulaziz…
Ảrập Xêút rất phát triển nhưng bị so sánh với một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba với cơ sở hạ tầng đổ nát và thiên tai lan rộng, bao gồm lũ lụt nghiêm trọng, như trận lũ quét vào đầu năm 2011 đã làm hư hỏng 90% con đường và hơn 27.000 tòa nhà ở Jeddah.
Theo báo cáo của Citi Investment Research & Analysis, khoản phát triển trị giá 220 tỷ USD, chiếm 36% tổng chi tiêu xây dựng trong khu vực MENA (Trung Đông, Bắc Phi), sẽ mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho Tháp Jeddah.
Bản thân Tháp Jeddah và thành phố Jeddah sẽ làm gương về phát triển xanh, sử dụng công nghệ hiện đại và có lượng khí thải carbon thấp so với số lượng người mà họ sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề như trình độ giáo dục kém ở một nước Ảrập do thiếu chi tiêu cho nghiên cứu và giáo dục.
Mặt cắt Tháp Jeddah. Nguồn: Wikipedia. |
Một số chuyên gia cho rằng, không nên chú trọng đầu tư xây dựng các tòa nhà chọc trời vì tòa tháp giống như một biểu tượng của sự kiêu ngạo, thậm chí bị ví như Tháp Babel, theo Winnipeg Free Press. Hơn nữa, các nhà kinh tế học nhận thấy rằng các tòa nhà chọc trời mới đôi khi là một chỉ báo kinh tế tiêu cực, với một số trường hợp sau khi xây xong thì mở ra một giai đoạn kinh tế tồi tệ, vì chúng thường bắt đầu trong thời kỳ bùng nổ tài chính khi dòng tiền chảy dễ dàng và đầu tư mạnh mẽ, nhưng cuối cùng bong bóng bất động sản vỡ.
Đó là các trường hợp Tòa nhà Singer và Tòa nhà Bảo hiểm Nhân thọ Metropolitan sau Cuộc khủng hoảng năm 1907, số 40 Phố Wall, Tòa nhà Chrysler và Tòa nhà Empire State được xây dựng trong thời kỳ Đại suy thoái, Trung tâm Thương mại Thế giới và Tháp Sears được xây dựng trong thời kỳ suy thoái kinh tế những năm 1970, Tháp Petronas được xây dựng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 và tòa tháp Burj Khalifa được xây dựng trong cuộc Đại suy thoái.