Cách đây hơn 21 năm, vào ngày 18/4/2001, tại cồn cát ven biển xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), một nhóm công nhân khai thác khoáng sản trong khi đào đất đã phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát. Qua khai quật, một công trình kiến trúc Chăm cổ xưa đã xuất lộ. Việc phát hiện tháp Phú Diên dưới lòng cồn cát ven biển tỉnh TT-Huế đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Tháp Chăm Phú Diên sâu dưới lòng cồn cát từ 5 - 7 mét và chỉ cách mép nước biển 120 mét |
Theo các nhà nghiên cứu, khảo cổ học, ngôi tháp cổ ở Phú Diên thuộc dạng tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm. Tháp nằm ở vị trí độc đáo, thấp hơn mực nước biển 3 - 4 mét, sâu dưới lòng cồn cát từ 5 - 7 mét và chỉ cách mép nước biển 120 mét. Với những giá trị lịch sử hiện hữu, cuối năm 2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng tháp Phú Diên là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) lần lượt quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới đối với tháp Phú Diên, với tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.