Tháo ngòi nổ

Tháo ngòi nổ
TP - Căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran tưởng chừng như đẩy thế giới bên bờ vực một cuộc chiến mới khi phương Tây liên tục gia tăng sức ép và quốc gia Hồi giáo này đáp lại bằng thái độ kiên quyết không lùi bước.

> Mỹ và nhiều nước nối lại đàm phán với Iran

Thế nhưng, quả bóng chiến tranh đang được bơm căng lại đột ngột xì hơi sau khi Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu đề nghị Iran nối lại đàm phán.

Quả thật là bất ngờ khi động thái này lại đến từ phía các cường quốc vốn luôn lớn tiếng buộc tội Iran.

Không chỉ như vậy, khi phát động cuộc chiến cấm vận và cô lập chính trị đối với Teheran, phương Tây luôn được đánh giá chiếm ưu thế so với quốc gia Hồi giáo này về khả năng kinh tế lẫn quân sự.

Có vẻ như cây gậy mà Mỹ đang dùng đã không làm được Iran chùn bước. Hơn thế nữa, trong tình hình nhạy cảm hiện nay, cây gậy còn có nguy cơ trở thành “đòn xóc hai đầu” khi cuộc chiến dầu lửa với Iran chưa bùng nổ nhưng đã bắt đầu làm chao đảo các nền kinh tế ốm yếu trên thế giới, trong đó có cả Mỹ.

Dường như sau khi cân nhắc tình hình, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định chọn một giải pháp an toàn, đó là ủng hộ biện pháp hòa bình.

Đương nhiên, với tư cách là quốc gia đi đầu trong việc gây sức ép với Iran, Washington không quên có những lời đe dọa bổ sung về việc để ngỏ giải pháp quân sự.

Song rõ ràng lời đe dọa đó đã bớt nguy hiểm hơn khi ông Obama bày tỏ tin tưởng rằng vẫn còn cơ hội cho giải pháp hòa bình. Tất nhiên, sự chuyển hướng của Mỹ sẽ bị Israel phản đối quyết liệt.

Quốc gia hạt nhân duy nhất ở Trung Đông này luôn muốn phương Tây dồn Iran vào thế phải chấp nhận nhượng bộ, từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Có lẽ đây là một trong số những lần ít ỏi hai đồng minh thân cận Mỹ và Israel phải thừa nhận có bất đồng quan điểm.

Chính vì vậy, trong khi thế giới đã thở phào nhẹ nhõm, thì truyền thông Israel chủ động tung tin Mỹ sẽ cung cấp vũ khí hiện đại cho Israel để chuẩn bị cho việc tấn công các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran.

Thậm chí, Thủ tướng Israel còn bóng gió đề cập đến khả năng đơn phương tấn công Iran mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ như Tel Aviv đã từng làm với Iraq trong năm 1981.

Tuy nhiên, với diễn biến mới đầy bất ngờ và khá tích cực từ phía phương Tây, có thể nói rằng ít nhất nguy cơ cuộc chiến tranh giữa Iran đã bị đẩy lùi, ít nhất là trong năm bầu cử tổng thống 2012.

Thậm chí, chính Tổng thống Mỹ đã phải nói rằng các chính trị gia Mỹ và những người đang “kêu gọi chiến tranh” có trách nhiệm giải thích về cái giá phải trả và lợi ích của một hành động quân sự.

Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy một cuộc chiến tranh với Iran hoàn toàn không có lợi cho Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG