Thanh tra Kho bạc Nhà nước trước yêu cầu cải cách và đổi mới

Thanh tra Kho bạc Nhà nước trước yêu cầu cải cách và đổi mới
Bước sang giai đoạn mới (2021-2030), khởi đầu một thập niên mới, kế thừa những kết quả đạt được, trong thời gian tới, hệ thống Thanh tra KBNN tiếp tục cải cách, đổi mới, đột phá về thể chế phù hợp với thông lệ quốc tế, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ theo yêu cầu cải cách tài chính, ngân sách, tiến tới hình thành Kho bạc số, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển, cải cách và đổi mới của hệ thống KBNN.

Từ ngày tái thành lập hệ thống KBNN đến nay, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra KBNN luôn có sự thay đổi qua các thời kỳ để phù hợp với đặc thù chức năng quản lý nhà nước của KBNN. Dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Thanh tra KBNN vẫn luôn được xem là một yêu cầu khách quan, là chức năng thiết yếu, giữ vị trí, vai trò quan trọng góp phần xây dựng và phát triển KBNN ngày càng hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Khẳng định vai trò quan trọng “tai mắt của trên, bạn của dưới”

Ra đời cùng với hệ thống KBNN, Thanh tra KBNN cũng đã trải qua giai đoạn sơ khai với lực lượng công chức mỏng về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn: Tại KBNN, thời điểm cao nhất chỉ có 6 công chức; tại KBNN tỉnh, thành phố chỉ bố trí 01 đến 02 công chức. Thanh tra KBNN có nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra vụ việc và tiếp nhận, xem xét, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Công tác kiểm tra thường xuyên đối với các đơn vị KBNN cơ sở thường tiến hành theo phương thức thanh tra, kiểm tra tại chỗ, thời gian kiểm tra chỉ diễn ra từ 1 - 2 ngày làm việc đối với KBNN huyện và 5 - 6 ngày đối với KBNN tỉnh, thành phố. Nội dung kiểm tra chủ yếu là hướng dẫn, tổ chức triển khai các nghiệp vụ mới của ngành, chưa thực sự là một cuộc kiểm tra. Trong giai đoạn đầu, khái niệm thanh tra và kiểm tra không có sự phân định rõ, bản chất của công tác thanh tra chính là công tác kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN. Chính vì vậy, vị trí, vai trò của Thanh tra KBNN chưa thể hiện rõ nét, hiệu lực pháp lý chưa cao, hoạt động còn thụ động nên chưa phát huy được vai trò của Thanh tra.

Sau 5 năm hoạt động, hệ thống KBNN đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong bộ máy quản lý tài chính, ngân sách. Cùng với sự ra đời của Luật NSNN năm 1996, chức năng, nhiệm vụ của KBNN không ngừng được hoàn thiện và bổ sung. Không chỉ đơn thuần là cơ quan tập trung nguồn thu, thực hiện xuất quỹ theo yêu cầu của cơ quan tài chính, huy động và quản lý các nguồn vốn vay, trả nợ dân, hạch toán kế toán các hoạt động thu, chi ngân sách mà KBNN còn từng bước đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý, kiểm soát các khoản chi NSNN. Để đáp ứng yêu cầu hoạt động của hệ thống KBNN, Thanh tra KBNN được đặc biệt quan tâm, tăng cường, củng cố hoàn thiện bộ máy tổ chức, hoạt động như một đơn vị độc lập thuộc KBNN với tổng số biên chế là 263 công chức. Tuy đã lớn về số lượng nhưng vẫn chưa đảm bảo về chất lượng, trình độ, năng lực công chức thanh tra vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiệm vụ của Thanh tra về cơ bản vẫn chưa có sự thay đổi nhưng phương thức thanh tra đã có nhiều thay đổi, nội dung thanh tra, kiểm tra được tổ chức tập trung theo từng chuyên đề, từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ. Kết quả công tác kiểm tra đã đóng góp đáng kể vào việc duy trì, ổn định hoạt động của hệ thống KBNN thông qua kết quả phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai sót cảnh báo, phòng ngừa rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thanh tra đã thực sự trở thành tai mắt của trên, là bạn của dưới.

Trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của hệ thống KBNN, đến nay lực lượng Thanh tra KBNN ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, bộ máy tổ chức ngày càng được kiện toàn: Nếu năm 2009, toàn hệ thống KBNN vẫn chỉ có 266 công chức thanh tra, thì đến năm 2020, tổng số công chức thanh tra toàn hệ thống là 461 công chức; trong có 24 công chức tại KBNN, 437 công chức công tác tại KBNN các tỉnh, thành phố. Kể từ tháng 02/2012, ngoài việc tiếp tục duy trì thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN, Thanh tra KBNN còn song song tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Lần đầu tiên có sự phân định rõ ranh giới giữa công tác thanh tra và kiểm tra nội bộ, đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra KBNN: Thanh tra là công tác thanh tra chuyên ngành KBNN, còn kiểm tra là công tác kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN. Cùng với đó, các quy chế, quy trình nghiệp vụ kiểm tra và thanh tra đã từng được từng bước nghiên cứu, xây dựng và ban hành riêng phù hợp theo từng lĩnh vực hoạt động. Từ ngày 01/01/2016, Thanh tra KBNN đã chính thức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với đầy đủ hành lang pháp lý, đánh dấu mốc quan trọng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Từ năm 2016 đến hết năm 2020, Thanh tra KBNN đã tiến hành 1.215 cuộc thanh tra chuyên ngành tại các dơn vị sử dụng ngân sách, đạt 100% kế hoạch được phê duyệt; kiến nghị xử lý kinh tế: Thu hồi NSNN 41.737.642.111 đồng; ban hành 205 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 586.863.000 đồng. Kết quả thanh tra chuyên ngành KBNN đã góp phần chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, sai phạm, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách; xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức, đơn vị; giúp đơn vị sử dụng ngân sách được thanh tra có ý thức chấp hành nghiêm về quản lý và sử dụng NSNN hiệu quả, tiết kiệm góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về NSNN...

Đến thời điểm hiện nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên cả nước (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng, quân đội và tổ chức nghề nghiệp) đã đăng ký tham gia DVCTT với KBNN, với tỷ lệ hồ sơ giao dịch chi qua DVCTT bình quân đạt gần 98%. Vì vậy, để giúp cho công chức Thanh tra KBNN tiếp cận chứng từ, hồ sơ, tài liệu đơn vị sử dụng ngân sách gửi qua DVCTT, KBNN đã triển khai Tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT hỗ trợ cho công chức Thanh tra - Kiểm tra từ thang 12/2020. Đây là bước khởi đầu quan trọng đánh dấu việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra kiểm tra KBNN trong điều kiện hình thành “kho bạc điện tử”, tiến tới hình thành “kho bạc số”, phù hợp với lộ trình thực hiện Quy trình kiểm soát chi điện tử, hướng tới mục tiêu thanh tra kiểm tra theo phương thức điện tử.

Hiện đại hóa công tác thanh tra kiểm tra phù hợp lộ trình phát triển của KBNN

Dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đến năm 2030, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trong môi trường số hóa và trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với các bộ, ngành, địa phương để hướng tới hình thành “Kho bạc số”. Trong thời gian tới, KBNN sẽ thực hiện kiểm soát thanh toán tiền kiểm sang hậu kiểm trong cơ chế quản lý rủi ro. Nhiều khoản chi NSNN qua KBNN sẽ được thực hiện thanh toán trước, kiểm soát sau, công tác hậu kiểm được giao cho thanh tra chuyên ngành KBNN thực hiện. Công tác hậu kiểm có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo các khoản chi NSNN đúng chế độ và đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định của nhà nước. Vì vậy, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo phù hợp với lộ trình hiện đại hóa KBNN là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Thanh tra KBNN trong thời gian tới.

Ngày 28/8/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP (Nghị định 101) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, cơ cấu tổ chức của hệ thống Thanh tra thuộc Tổng cục có tên gọi là “Thanh tra” và quy định rõ “Thanh tra có con dấu và tài khoản riêng; được thành lập các phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật”. KBNN đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp rà soát, đánh giá tác động về các nội dung của Nghị định 101 và Công văn số 5036/BNV-TCBC ngày 24/9/2020 của Bộ Nội vụ rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức hệ thống Thanh tra kiểm tra KBNN theo đúng quy định, từ đó đề xuất, tham mưu với Lãnh đạo KBNN báo cáo trình Bộ Tài chính phương án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN.

Thực hiện lộ trình sửa đổi Luật thanh tra năm 2010, KBNN cũng đã tham gia cùng với Thanh tra Bộ Tài chính rà soát hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng đổi mới tổ chức Thanh tra tài chính của Bộ Tài chính, cho phép các Tổng cục thuộc Bộ Tài chính (trong đó có cơ quan KBNN) được tổ chức cơ quan thanh tra độc lập để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra.

MỚI - NÓNG