Hàng trăm trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa đảm bảo quy định
Theo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo (thời kỳ 1/1/2014 đến 31/12/2018) mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố, tại 5 Bộ (gồm: Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT) và 12 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau) còn nhiều hạn chế, thiếu sót.
Điển hình, ở Bộ Tài chính, cơ quan thanh tra xác định Bộ chưa phê duyệt chiến lược phát triển cho 2 trường Học viện Tài chính, Đại học Tài chính - Kế toán; còn Bộ NN&PTNN để xảy ra việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một trường đại học.
Đối với biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc), Bộ NN&PTNT bị nêu là không có quyết định giao biên chế, các cơ sở giáo dục đại học năm 2015, 2017; phê duyệt số lượng người làm việc năm 2016, 2018 cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam chưa phù hợp quy định theo Quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; số lượng người làm việc thực tế của một đại học khác trong giai đoạn 2014 - 2018 cao hơn số lượng biên chế được Bộ giao từ 330 - 420 người.
Đáng chú ý, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của một số đơn vị cũng được TTCP chỉ ra còn có một số thiết sót, khuyết điểm, vi phạm như: bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm, bổ nhiệm nhưng còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh theo quy định, bổ nhiệm không có trong quy hoạch (trong đó, tại Gia Lai 114 trường hợp; Kon Tum 28 trường hợp; Bình Định 63 trường hợp; Long An 113 trường hợp; Tiền Giang 250 trường hợp; Đồng Tháp 200 trường hợp; Kiên Giang 134 trường hợp; Cà Mau 69 trường hợp).
Việc bổ nhiệm 14 trường hợp là lãnh đạo Sở GD&ĐT nhưng chưa đáp ứng Quy định về tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT do Bộ GD&ĐT quy định; trong đó, Long An 2 trường hợp; Tiền Giang 3 trường hợp; Đồng Tháp 4 trường hợp; Kiên Giang 1 trường hợp; Cà Mau 4 trường hợp.
Riêng Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, TTCP đánh giá trong giai đoạn 2014-2018 đã được nhiều cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến công tác cán bộ, đã có yêu cầu Sở GD&ĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. "Tuy nhiên, chưa được Sở GD&ĐT tiếp thu nghiêm túc, chậm thực hiện, thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra" - kết luận nêu rõ.
Mặt khác, theo TTCP, việc thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của 5 bộ và 12 tỉnh còn một số hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, như: "Chưa thực hiện việc kiểm tra riêng nội dung công khai theo chuyên đề đối với các cơ sở trực thuộc, việc kiểm tra được thực hiện lồng ghép nội dung với các đợt, đoàn thanh tra kiểm tra tại các đơn vị; các trường thuộc bộ chưa thực hiện công khai đầy đủ thông tin theo biểu mẫu, việc thực hiện tổng kết, đánh giá công tác công khai hằng năm được lồng ghép trong báo cáo tổng kết năm học, công khai tài chính còn chậm, mỗi năm công khai một lần"...
Sai phạm trong triển khai dự án đào tạo của Bộ GD&ĐT
Kết luận của TTCP còn chỉ ra vi phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, triển khai một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo tại 9 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, gồm: Ban Quản lý các dự án Bộ GD&ĐT (Ban QLCDA), Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tây Nguyên, Đại học Nha Trang, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Kiên Giang.
Điển hình, các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra trong việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán như: đơn vị tư vấn lập thiết kế và dự toán năng lực còn hạn chế, hồ sơ thiết kế còn thiếu sót; khảo sát, đánh giá hiện trạng còn sơ sài không phản ánh đúng thực tế; xác định chi phí tư vấn không đúng quy định; xác định khối lượng chưa chính xác, tính khối lượng một số công việc không có cơ sở; áp dụng đơn giá không đúng quy định, không phù hợp với công việc, áp dụng một số mã hiệu đơn giá, định mức không đúng quy định làm tăng tổng dự toán;...
Vẫn theo TTCP, do việc lập định mức dự toán, đơn giá vật liệu chưa chính xác, khối lượng nghiệm thu cao hơn thực tế thi công, dẫn đến phải giảm trừ giá trị dự toán, thanh toán, quyết toán, thu hồi số tiền hơn 9,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, TTCP còn kết luận, Bộ GD&ĐT phê duyệt 12 dự án đầu tư mới với tổng số vốn hơn 1.465 tỷ đồng cho 9 đơn vị chậm nộp quyết toán dự án hoàn thành từ 24 tháng trở lên thuộc trường hợp không được giao dự án đầu tư mới, trái quy định tại mục 5 Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ kết quả thanh tra, TTCP đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách (theo từng thời kỳ) và người đứng đầu, cấp phó đơn vị thuộc Bộ (theo từng thời kỳ) có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.
Đối với 5 bộ, 12 tỉnh tổ chức rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND huyện, thị xã trực thuộc kiểm điểm theo quy định của pháp luật đối với những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm có liên quan; chấn chỉnh công tác quản lý, có giải pháp khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra sau thanh tra.
Ngoài ra, TTCP còn đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá lại kỳ xét tuyển đặc cách năm 2018 đối với 23 thí sinh của Sở GD&ĐT, trường hợp phát hiện có tiêu cực, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.