> Gã &Nàng
Minh họa: h’bao. |
Những con chim bay từ phía nào đó của mặt đất không bị lở lói bởi bàn tay thô bạo của con người, tản ra rồi đóng dấu lại những vệt sẫm trên bầu trời có ánh nắng rực rỡ. Cái nắng xô đẩy, cắt gọt làn không khí mát mẻ từ đêm còn ẩn trong các ngõ nhỏ, như cái bào của thợ mộc hung hăng cắt gọt lớp vỏ gỗ. Tất cả vây lấy tôi, ập vào làn da bằng những đợt sóng vô hình ly ty làm lan đi khắp cơ thể cảm giác nhồn nhột.
Tôi mở cửa vào nhà. Cảm giác vừa yêu thương vừa xa lạ. Cứ như những đồ vật trong thời gian tôi vắng đã tự sống một cuộc đời khác của chúng. Dưới những tấm vải phủ kia, linh hồn của bộ sopha, tủ commot, đèn chụp, tủ áo, chiếc máy may… đã lặng lẽ dời đi, đến sống và hoạt động, vui chơi huyên náo ở một miền đất khác, có ánh nắng và những người chủ đáng mê khác. Cũng có thể linh hồn chiếc máy may hay tủ áo gặp phải một người chủ ghẻ lạnh, lắm điều, lúc đó chúng sẽ bị hắt hủi dèm pha không thương tiếc.
Tôi bỏ hành lý ngay giữa phòng khách, mở cửa ra sân. Khoảng vườn nhỏ hiếm hoi nằm dọc theo mặt bên của căn nhà, chỉ rộng chừng một bước chân, nối tiếp vào khoảng sân sau lớn hơn tấm nệm. Màu xanh làm tôi lóa mắt. Những thân cây cao lêu nghêu ngả nghiêng trong gió.
Rau diếp, cải xoăn, kinh giới, húng quế, vườn rau thơm của tôi trong suốt mấy tháng qua đã lớn lên kinh ngạc. Không hề có bàn tay ai chăm lo, chúng cũng tự lớn lên trong một cuộc đời khác, không cần tôi để mắt, tưới bón, tỉa lá úa, bắt sâu, hay âu yếm vỗ về.
Cành lá kinh giới xanh mướt bên những ngọn húng quế đã trổ hoa tím phớt khẽ đung đưa như hân hoan reo lên: “Mẹ nhìn chúng con này, chúng con cao lớn và sung sướng biết bao. Mẹ có khỏe không? Chúng con vui chơi quên cả tháng ngày!”.
Nguồn sống man dại thấm thía trong từng đốt thân, nhành lá, thổi những cái cây bé nhỏ tội nghiệp của tôi, vốn chỉ sinh sống và ra hoa là là sát miệng chậu trở thành những tên khổng lồ ẻo lả choáng váng với hình vóc của chính mình, xanh tươi đến nhức mắt.
Trong bó thư từ mà tôi mang vào nhà lúc nãy có hóa đơn tiền nước của tháng trước khi tôi dời xa căn nhà. Phiếu thanh toán một vài khoản mua lặt vặt. Và bức thư.
Tôi bước tới mở vòi nước. Dòng nước òa ra, xối như thác xuống mặt bồn rửa bằng nhôm, rồi mang âm thanh róc rách truyền đi khắp căn nhà. Tiếng nước chảy vang động trong bốn bức tường, cuồn cuộn lay giật bầu không khí vắng lặng.
Tiếng nước chảy mách cho tôi, lúc này đang nín thở vì cảm giác chấn động, rằng đây là nơi tôi đã từng sống, từng sướng vui hay điên cuồng giận dữ, từng ngốn ngấu những mảnh vui buồn, ngớ ngẩn, phi lý của đời tôi, từng hút cạn kiệt sinh lực của mình hay của một cuộc đời nào khác, từng nổ tung ra trong những trò náo động cuồng nhiệt. Tôi đã sống, và bây giờ, đang ngờ ngợ sống.
Phiên bản 1
Tôi xé mép phong thư.
Diệu Hương thân,
Mình không biết cậu có đọc được bức thư này hay không, nhưng mình vẫn viết vì ngoài cậu ra, mình không biết phải hướng ý nghĩ của mình tới ai, và còn ai cảm nhận được nó nữa không.
Mình không biết hiện tại cậu đang ở đâu. Hai năm trước cậu ghé T. và chúng mình gặp nhau ở phố M., mình biết cậu đi tìm mình theo những chỉ dẫn của A. cậu bạn học chung với 2 đứa trước đây. Chúng ta đã cùng kéo về căn nhà nhỏ của mình nằm bên cạnh khu rừng phong oshidu, cùng ăn món trứng cá chiên và salad thịt bò rau cải.
Tiệc tùng đến nỗi ăn xong mình không đứng dậy được, vì ít khi nào mình cảm thấy ngon miệng đến thế. Mình có việc qua B. và gọi điện cho cậu theo số điện thoại cậu đưa từ lần đó. Nhưng không có ai nhấc máy. Buổi tối mình gọi lại cũng vậy. Hôm sau cũng vậy. Mình nghĩ có lẽ số điện thoại cậu đưa không có thật. Nó nối vào một cõi nào đó không cần trả lời điện thoại mà người ta vẫn biết về nhau. Cậu vẫn biết về mình. Khi tới B., mình tìm theo địa chỉ cậu đưa, tới đây. Nhà không có ai. Mình hỏi thăm vợ chồng người hàng xóm, họ nói có biết một phụ nữ châu Á nhưng không biết tên cậu. Mình không tin cậu thực sự sống ở đây. Căn nhà này có lẽ chỉ lưu lại hình bóng của cậu thôi, còn cậu đã từ lâu chuyển đi nơi khác. Mình không tin cả chuyến thăm của cậu đến T. hai năm trước là có thật. Đó chỉ là hình bóng cậu. Còn mình, cũng đã lạc trong cõi xa xăm nào đó, chúng mình gặp nhau chỉ là ảo ảnh của những cái bóng từ nhiều chiều thời gian khác nhau.
Nếu cậu đọc được thư này thì xin hãy gọi điện cho mình. Số….. Mình sắp trở về nơi mà từ đó mình đã đến tìm cậu, lúc này. Nhưng mình sợ rằng mình không đủ sức để trở về đúng nơi đó. Mình sẽ chỉ gặp cái bóng của căn nhà và cái bóng cuộc sống cũ của mình ở nơi nào đó giữa chặng hành trình đáng ra phải có. Mình sẽ dừng lại đó, nấu món trứng cá chiên, mụ mẫm vì không biết thực ra mình có còn cuộc sống hay không, hay chỉ là một cái bóng biết suy nghĩ và cảm nhận đứt đoạn.
Theo sách vở hồi xưa chúng mình học, thì mình đang có triệu chứng trầm cảm nặng, hoang tưởng và sắp tâm thần phân liệt đến nơi rồi. Nhớ gọi cho mình, nhé…
Hằng, bạn cậu
Tôi nhấc điện thoại lên. Những hồi chuông đổ dài tuyệt vọng. Tôi cảm giác được ngôi nhà im lìm đến rợn người, một hạt bụi lơ lửng ngưng lại trong không trung không thể chạm xuống mặt sàn. Hằng, bạn tôi đã lạc mất trong vô số những ảo ảnh của sự bất tri.
Bất kỳ lúc nào, hồi ức của tôi về cuộc đời cũng là khung cảnh bên ngoài cửa sổ, những năm tiểu học. Dòng sông không chảy. Nó bị cắt rời để đặt vào một bức tranh. Mái vòm nhà thờ kiểu Gothique tỏa tròn cắt lên nền trời mùa thu lặng phắc, từ đó bầy chim tỏa ra những vệt màu đen sẫm như luồng nước bao quanh, đẹp như một thành phố đã từ lâu chìm dưới đáy đại dương.
Tôi bơi nhẹ nhàng trong màu xanh đại dương đang quánh đặc lại như thạch trái cây mềm mát, ngón tay rờ chạm vào những cảm xúc, cái hôn của mối tình đầu, một lần lỡ chuyến tàu sự nghiệp, cảm giác bị bỏ rơi, nỗi phẫn uất nghẹn thở… như những vỏ sò, trai ngọc nhiều màu sắc nằm rải rác, hay một nhành san hô đang sống biết rụt lại.
Chạm vào những gờ tường của góc phố tôi đi qua một lần trong đời, chiếc đầu tàu cũ nằm trước ga xe lửa, một tủ kính cửa hiệu… tất cả hiện lên bằng hình khối vừa sắc sảo vừa lờ mờ trong làn nước đại dương.
Cuộc sống của chúng ta ràng buộc vào những điều cụ thể. Số bước chân để đi tới công sở, số thức ăn tinh bột hay thịt cá, rau quả tiêu thụ cho một ngày, tầm mắt ta quen thuộc hình khối của ngôi nhà ta đang ở, giới hạn bằng kiến trúc của thành phố ta quyết định dọn đến, ta ước lượng cuộc đời bằng số năm để trả hết tiền mua một ngôi nhà hay chiếc xe hơi và số lần được thăng cấp ở sở cho ta cảm giác về thành công, sự vững vàng trên mặt đất.
Ta cảm giác về sự ái ân bằng cái giường quen thuộc, và mãn nguyện vì con cái lại có một cuộc đời không thay đổi như chúng ta. Chúng ta chẳng hề thấy rằng những mối ràng buộc ấy thực ra hoàn toàn có thể bị cắt đứt dễ dàng như lưỡi dao sắc vạt ngang một chùm tơ, khi một bất thường nhỏ nhất xảy đến với hệ thần kinh đã định hình vào những cảm giác về vật chất của chúng ta, đơn giản như bỗng nhiên ta không còn muốn tin vào chúng, hoặc chính thế giới vật chất kia suy suyển.
Cuộc sống đích thực của chúng ta chìm sâu trong lòng đại dương, với những khoảnh khắc thức tỉnh như vật quý mà ngón tay ta may mắn chạm tới…
Tôi dời xa B. thực ra là để trở về thành phố của thời quá vãng, nó xa xôi như không còn tồn tại. Để đứng trước mộ người bạn thân. A.. Anh ra đi đã được gần 2 năm. Không ai hiểu rõ để nói với tôi đầy đủ về những oan khuất trong cuộc đời anh.
Tôi trở về để được biết, anh, một bác sĩ giỏi, tự nguyện chấp nhận cái chết đau đớn vì bệnh nhiễm trùng máu. Nguyên do là một cái đinh rỉ sét vô tình đâm vào gan bàn chân mà chính anh không muốn chữa chạy...
Phiên bản 2
Khi tôi xa khỏi nơi này, cuộc sống vẫn diễn ra, hoàn toàn không theo những ước định và cảm nhận của tôi, nó tuột khỏi mọi dây thần kinh cảm giác, tự do thơ thới lồng lên tới không gian phía trước.
Nhưng ngay cả khi tôi lưu lại nơi đây, hít thở mùi thơm của hoa tử đinh hương án ngữ các căn phòng ban đêm, lún toàn thân thể vào hơi ấm nóng của mặt trời bình minh, tình hình cũng vậy. Tôi chỉ chọn lấy những gì tôi cần, thiết kế một thế giới bên trong của cuộc đời tôi, bất khả xâm phạm, vô nhiễm.
Tôi thấy tôi bên bờ dòng D., bài thơ viết dở dang của B. Hàng ngày B. ném xuống đây bao nhiêu nụ cười, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi cồn cào, sự lo âu, nghi ngờ, chán ghét, căng thẳng, giận dữ, buồn rầu… làm mặt nước sôi sục. Nhưng dòng chảy xanh trong kia nghi ngờ tất cả những điều đó, nó thản nhiên mang sự nghi ngờ vĩnh viễn trôi đi, thản nhiên, vô sự.
Tôi nở phồng lên những trưa hè ánh nắng hun đốt bờ cỏ dọc triền sông. Mùi cỏ gấu nhồn nhột chích vào bóng râm những cây du. Hai con chó tai dài lông hung đậm đùa nghịch lăn lộn dưới bóng cây, gại những cái lưng mềm vào cỏ làm tôi buồn buồn nôn nao.
Những đêm sâu hút trời mờ xanh, tôi buông mình xa lắc tới cùng kiệt chân trời, nơi những đốm sao trắng mọc lên mơ hồ, chờ đợi sợi thừng tôi uốn lượn quăng tới để chúng lọt vào bẫy, với những cái giãy giụa mơ hồ như con cá cắn câu lúc còn đang say ngủ.
Và dường như một ý thơ ngẫu nhiên hay cái chớp mắt giận dữ của con người mạnh mẽ lạ thường nào đó đã đưa tôi tới đây, đặt giữa cuộc đời này. Rừng anh đào tháng Năm ngập tràn lá xanh tươi, những chùm trái chín trôi dạt bồng bềnh thỉnh thoảng mắc lại trên ngọn lá.
Rừng cây có nguy cơ giam kín tôi ở lại mãi nơi này, vĩnh viễn, trong sự đậu quả ngọt ngào, niềm hạnh phúc không thể nào thoát ra được, cơn ân ái không có điểm dừng và sự chết rực đỏ đang cuồng nhiệt phát xạ vào mọi màu xanh. Tôi nghẹn thở trong mùi hương thơm dịu dàng, ngọt lịm và choáng váng tìm một chỗ ngồi ngay dưới mặt đất.
Em bé trong bụng tôi khẽ cựa mình trong giấc mơ.
Em nghe, nói, cười, chơi đùa đều trong giấc mơ. Nhưng tôi phải kiếm cho em một cái nôi, một căn phòng ấm áp và một vòng tay che chở có thực. Tôi muốn trở về căn nhà có vườn rau thơm cao lớn khổng lồ. Nhưng vô ích, hương thơm của rừng anh đào chín đã khóa chặt đôi chân tôi.
Lúc ấy, như một dòng nước chảy, đàn chim hoàng anh lách tung cánh cửa bí mật của khu rừng. Đường bay dâng đầy như thác, mềm mại như ngón tay chạm vào cành lá. Đàn chim vừa bay, vừa hót, vừa mổ ăn trái chín trên cao. Những trái chín đỏ rụng xuống như mưa. Tiếng hót như ánh sáng tan chảy xuống vòm lá. “Tiếng hót xóa đi trái tim tôi”1. Tôi trải rộng như thảo nguyên trên đó mọi lối đi đều rõ nét và bình thản bước trở về nhà mình.
Tôi sẽ ở lại nơi đây, với những cảm giác quen thuộc, và sẽ sinh ra một đứa bé, một đời sống khác hoàn toàn không có gì chung với những cảm giác tôi đã có. Tôi sẽ nở ra một vũ trụ khác.
Tôi xé mép phong thư.
Diệu Hương thân,
Mình không biết cậu có đọc được bức thư này hay không, nhưng mình vẫn viết vì ngoài cậu ra, mình không biết phải hướng ý nghĩ của mình tới ai, và còn ai cảm nhận được nó nữa không. Mình không biết hiện tại cậu đang ở đâu.
Hai năm trước cậu ghé T. và chúng mình gặp nhau ở phố M., mình biết cậu đi tìm mình theo những chỉ dẫn của A. cậu bạn học chung với 2 đứa trước đây. Chúng ta đã cùng kéo về căn nhà nhỏ của mình nằm bên cạnh khu rừng phong oshidu, cùng ăn món trứng cá chiên và salad thịt bò rau cải.
Tiệc tùng đến nỗi ăn xong mình không đứng dậy được, vì ít khi nào mình cảm thấy ngon miệng đến thế. Mình có việc qua B. và gọi điện cho cậu theo số điện thoại cậu đưa từ lần đó. Nhưng không có ai nhấc máy. Buổi tối mình gọi lại cũng vậy. Hôm sau cũng vậy. Mình nghĩ có lẽ số điện thoại cậu đưa không có thật.
Nó nối vào một cõi nào đó không cần trả lời điện thoại mà người ta vẫn biết về nhau. Cậu vẫn biết về mình. Khi tới B., mình tìm theo địa chỉ cậu đưa, tới đây. Nhà không có ai. Mình hỏi thăm vợ chồng người hàng xóm, họ nói có biết một phụ nữ châu Á nhưng không biết tên cậu. Mình không tin cậu thực sự sống ở đây.
Căn nhà này có lẽ chỉ lưu lại hình bóng của cậu thôi, còn cậu đã từ lâu chuyển đi nơi khác. Mình không tin cả chuyến thăm của cậu đến T. hai năm trước là có thật. Đó chỉ là hình bóng cậu. Còn mình, cũng đã lạc trong cõi xa xăm nào đó, chúng mình gặp nhau chỉ là ảo ảnh của những cái bóng từ nhiều chiều thời gian khác nhau.
Nếu cậu đọc được thư này thì xin hãy gọi điện cho mình. Số… Mình sắp trở về nơi mà từ đó mình đã đến tìm cậu, lúc này. Nhưng mình sợ rằng mình không đủ sức để trở về đúng nơi đó. Mình sẽ chỉ gặp cái bóng của căn nhà và cái bóng cuộc sống cũ của mình ở nơi nào đó giữa chặng hành trình đáng ra phải có.
Mình sẽ dừng lại đó, nấu món trứng cá chiên, mụ mẫm vì không biết thực ra mình có còn cuộc sống hay không, hay chỉ là một cái bóng biết suy nghĩ và cảm nhận đứt đoạn.
Theo sách vở hồi xưa chúng mình học, thì mình đang có triệu chứng trầm cảm nặng, hoang tưởng và sắp tâm thần phân liệt đến nơi rồi. Nhớ gọi cho mình, nhé…
Hằng, bạn cậu
Tôi nhấc điện thoại lên. Những hồi chuông đổ dài tuyệt vọng. Tôi cảm giác được ngôi nhà im lìm đến rợn người, một hạt bụi lơ lửng ngưng lại trong không trung không thể chạm xuống mặt sàn. Hằng, bạn tôi đã lạc mất trong vô số những ảo ảnh của sự bất tri...
Truyện ngắn của
Khánh Phương
“Tôi đã sống, và bây giờ, đang ngờ ngợ sống” - đó là cảm nhận của nhân vật chính trong truyện ngắn này của Khánh Phương.
Đó không phải là thái độ sống tiêu cực, mà thật ra nó là chiêm nghiệm sâu của một con người với một đời sống đầy ắp các trải nghiệm, các hồi ức, và các liên tưởng nhiều chiều trong không gian và thời gian. Đầy ắp đến mức đủ sức chứa đầy nhiều đời sống. Đầy ắp đến mức con người đủ sức vượt thoát lên trên đời sống trần tục. Đầy ắp đến trạng thái gần với “hoang tưởng và sắp tâm thần phân liệt”. Dù hiểu theo cách nào, đoản - khúc - tinh - thần này cũng rất đẹp. Và nó, dường như giúp người ta nhận biết cuộc sống thêm nhiều chiều kích. Khánh Phương viết văn xuôi, làm thơ, viết phê bình. Đã có nhiều tác phẩm được chú ý. Chị là người thiết tha với sự đổi mới văn chương, chống nhàm chán. |