Thành phố Bắc Ninh chống dịch hiệu quả, bảo vệ sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xử lý môi trường ở CCN Phong Khê
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xử lý môi trường ở CCN Phong Khê
TP - Từng là tâm dịch của tỉnh, thành phố Bắc Ninh đã dập dịch hiệu quả, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đồng thời, điểm “đen” về ô nhiễm môi trường được giải quyết.

Người dân đồng thuận chống dịch

Đêm đã khuya, điện thoại của Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Tạ Đăng Đoan đổ chuông. Đầu dây bên kia, người dân phản ánh những băn khoăn về đời sống trong vùng phong tỏa vì dịch. Dù đêm, ông và cán bộ thành phố Bắc Ninh vẫn xuống tận nơi để kịp thời giải quyết những nguyện vọng của người dân. “Việc yên lòng dân góp phần quan trọng vào việc thành phố Bắc Ninh chống dịch thành công. Để công tác phòng chống dịch được hiệu quả, chính quyền phải mang lại sự tin tưởng và đồng thuận của người dân”, ông Đoan mở đầu câu chuyện.

Thành phố Bắc Ninh chống dịch hiệu quả, bảo vệ sản xuất  ảnh 1

“Chúng tôi không phân biệt người dân địa phương hay người dân ở nơi khác đến. Mọi người đều được đảm bảo lương thực, thực phẩm trong thời gian bị phong tỏa. Bởi vậy, người dân yên tâm ở yên tại chỗ để thực hiện các biện pháp dập dịch. Người dân tin tưởng và ủng hộ chúng tôi”.

Ông Tạ Đăng Đoan, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh

Ông Đoan cho biết, thành phố Bắc Ninh có gần 300 nghìn dân, đồng thời có khoảng 12000 người nước ngoài, cùng 55.000 công nhân ở khu công nghiệp ven thành phố. Bởi vậy, khi dịch bùng phát cực kỳ phức tạp. Từ ngày 7/5, thành phố Bắc Ninh xuất hiện ca mắc COVID, sau đó trở thành tâm dịch của tỉnh. Trong bối cảnh đó, tỉnh và thành phố Bắc Ninh có những quyết định đầy khó khăn trong việc dập dịch. Cuối tháng 5, dịch bùng phát mạnh. Lúc đó, tỉnh Bắc Ninh quyết định thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với thành phố Bắc Ninh. Tuy nhiên, thời điểm đó chuẩn bị cho công tác bầu cử. “Lúc đó, có ý kiến còn băn khoăn, vậy sẽ bầu cử ra sao. Chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để ngăn chặn F0 tăng lên, còn công tác bầu cử tiến hành riêng”, ông Đoan chia sẻ.

Thành phố Bắc Ninh vừa thực hiện công tác bầu cử, vừa tiến hành các biện pháp chống dịch. Theo đó, người dân đi bỏ phiếu theo giờ. Mỗi ngõ, mỗi khu vực đi bầu cử theo khung giờ nhất định để giảm số lượng người tập trung và hạn chế tiếp xúc. Nhờ cách làm này, thành phố Bắc Ninh tổ chức bầu cử thành công, trong khi vẫn đảm bảo được các biện pháp phòng chống dịch.

Đang dở câu chuyện, ông Đoan dừng lại trầm ngâm, rồi bảo, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã dồn tâm huyết vào công tác phòng chống dịch. Các thức phòng chống dịch được thực hiện linh hoạt. Cùng trong thành phố Bắc Ninh, nhưng mỗi phường lại có biện pháp phòng chống dịch khác nhau để phù hợp với thực tế địa phương. Ví dụ, phường Kim Chân chủ yếu là nông nghiệp, nét văn hóa khác phường Tiền An (chủ yếu là thương nghiệp). Khi xuất hiện ca F0 ở phường Kim Chân có văn hóa làng xã phải phong tỏa rộng, nhưng phường Tiền An phải phong tỏa hẹp để tránh ảnh hưởng đến thương mại.

Thành phố Bắc Ninh chống dịch hiệu quả, bảo vệ sản xuất  ảnh 2

Thành phố Bắc Ninh dập dịch hiệu quả

Ông Đoan chia sẻ, để dập thành công phải giải được bài toán yên lòng dân, làm sao để người dân tin vào các biện pháp phòng chống dịch. Thời điểm thành phố Bắc Ninh thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng, vấn đề quan trọng là đảm bảo đời sống của người dân. Thành phố Bắc Ninh có một cách làm hay là thành lập các tổ COVID cộng đồng. Thành viên của tổ COVID cộng đồng phụ trách mua bán lương thực, thực phẩm cho người dân ở trong vùng phong tỏa. Các chủ nhà trọ tham gia tổ COVID cộng đồng giúp công nhân đi chợ. “Chúng tôi không phân biệt người dân địa phương hay người dân ở nơi khác đến. Mọi người đều được đảm bảo lương thực, thực phẩm trong thời gian bị phong tỏa. Bởi vậy, người dân yên tâm ở yên tại chỗ để thực hiện các biện pháp dập dịch. Người dân tin tưởng và ủng hộ chúng tôi”, ông Đoan nói.

Theo ông Đoan, dù thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhưng thành phố Bắc Ninh vẫn duy trì được sản xuất. Toàn thành phố Bắc Ninh có hơn 1.400 doanh nghiệp. Việc duy trì sản xuất trong tình hình có dịch được thành phố tiến hành linh hoạt. Đối với địa bàn thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng, các doanh nghiệp giảm quy mô để sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ (công nhân ăn, ở và làm việc tại chỗ). Đối với các địa bàn thực hiện chỉ thị 15 của Thủ tướng, các doanh nghiệp thực hiện một cung đường, hai điểm đến (công nhân đi đến công ty và về nhà trên một cung đường, không dừng ở địa điểm khác để tránh tiếp xúc). Nhờ vậy, dù từng là tâm dịch của tỉnh Bắc Ninh, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn tăng 8,5%.

Xử lý điểm “đen” về môi trường

Dù phải dập dịch, nhưng thời gian qua, thành phố Bắc Ninh vẫn dồn lực giải quyết điển nóng về ô nhiễm môi trường ở Cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề tái chế giấy Phong Khê. Nhiều năm qua, khu vực này trở thành điểm “đen” về ô nhiễm môi trường. Tại CCN và làng nghề tái chế giấy Phong Khế có 326 doanh nghiệp hoạt động.

Để giải quyết điểm ô nhiễm môi trường nhức nhối này, tỉnh và thành phố Bắc Ninh vào cuộc quyết liệt, đồng thời thực hiện công tác “dân vận” để các doanh nghiệp tin tưởng vào các biện pháp xử lý môi trường. “Chúng tôi thổi hồn vào cho doanh nghiệp để họ thay đổi nhận thức và hành động về môi trường. Chỉ có doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện về môi trường mới được sản xuất, những doanh nghiệp không đạt yêu cầu phải dừng lại. Chúng tôi làm kiên quyết, không có vùng cấm, không du di”, ông Đoan cho hay.

Các doanh nghiệp tái chế giấy ở CCN và làng nghề giấy Phong Khê đã có sự thay đổi trong sản xuất. Trước kia, mỗi gia đình hoặc doanh nghiệp tái chế giấy có một lò hơi để phục vụ cho việc sản xuất. Hiện nay, các doanh nghiệp chuyển sang mua hơi thương phẩm, giảm từ 326 ống khói còn 70 ống khói. Đồng thời, các doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải để chuyển rác đi xử lý, không đổ ra sông. Việc xử lý nước thải cũng có nhiều tín hiệu tích cực, 4 - 5 gia đình hoặc doanh nghiệp cùng xây dựng chung bể xử lý nước thải tuần hoàn, lượng nước thải ra không đáng kể. Lượng nước thải ra tiếp tục được nhà máy xử lý nước thải chung của CCN thu gom. Đồng thời, tại CCN và làng nghề tái chế giấy Phong Khê còn thành lập các tổ tự quản doanh nghiệp để cùng giám sát và nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường.

Theo ông Đoan, sau 5 tháng quyết liệt vào cuộc, vấn đề ô nhiễm môi trường ở CCN và làng nghề tái chế giấy Phong Khê đã được giải quyết. Sông Ngũ Huyện Khê từng bị ô nhiễm nặng từ nước và rác thải của các nhà máy sản xuất giấy ở CCN và làng nghề giấy Phong Khê đã trong xanh, có cá bơi lội. Có doanh nghiệp lấn ra đường đi tự tháo dỡ, trả lại đường giao thông. “Có những ngày nghỉ, lãnh đạo tỉnh và thành phố Bắc Ninh đi xe biển trắng xuống làng nghề khao sát thực tế và vận động doanh nghiệp tin tưởng, cùng tìm hướng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Chúng tôi làm từng phần, tránh xung đột quá gay gắt với doanh nghiệp, nhưng vẫn kiên quyết xử lý vi phạm”, ông Đoan chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.