Thành phần cấu thành nên nghiện thuốc lá và Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện thuốc lá

Thành phần cấu thành nên nghiện thuốc lá và Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện thuốc lá
TP - Nghiện thuốc lá là một trạng thái tâm thần - thể chất xuất hiện do tương tác giữa cơ thể với nicotine có trong thuốc lá, được biểu hiện bằng sự thôi thúc phải hút thuốc  lá liên tục và đều đặn để đạt được cảm giác dễ chịu khi hút thuốc lá đồng thời tránh cảm giác khó chịu khi thiếu thuốc lá, hành vi hút thuốc lá tiếp tục duy trì ngay cả khi người nghiện biết rõ hay thậm chí là bị các tác hại do thuốc lá gây ra.  

Thành phần cấu thành nên nghiện thuốc lá

Theo các số liệu nghiên cứu cho thấy: nghiện tâm lý, nghiện hành vi và nghiện thực thể là ba thành phần cấu thành nên nghiện thuốc lá. Ba thành phần này thường đồng thời tồn tại trên một người nghiện thuốc lá, tuy nhiên mức độ quan trọng của từng thành phần thay đổi tùy theo mỗi cá nhân.

Nghiện tâm lý biểu hiện qua cách suy nghĩ, nhận thức và niềm tin “lệch lạc” về hành vi hút thuốc lá: trẻ em mới lớn tin rằng hút thuốc lá là biểu hiện của “trưởng thành”, “nam tính”; người lớn nhận thức rằng hút thuốc lá là phương tiện “cần thiết” trong giao tiếp xã hội. Người nghiện tâm lý hút thuốc lá vì các suy nghĩ, nhận thức và niềm tin “lệch lạc” đó.

Nghiện hành vi biểu hiện qua các động tác sử dụng thuốc lá đã trở nên “thành  thục” do quá trình lập đi lặp lại rất nhiều lần trước đó, thậm chí các động tác đã trở thành “phản xạ có điều kiện”, xuất hiện ngoài ý chí người nghiện: gặp người quen rút thuốc lá ra mời, ăn cơm xong rút thuốc lá ra hút, một số trường hợp động tác hút thuốc lá trở nên “vô thức” ví dụ đang cầm điếu thuốc lá trên tay, ngậm điếu thuốc lá trên miệng mà quên luôn là đang cầm hay đang ngậm điếu thuốc  lá. Người nghiện hành vi hút thuốc lá như một thói quen, và cảm thấy “không quen” khi các động tác liên quan thói quen ấy bị gián đoạn.

Nghiện thực thể biểu hiện qua cảm giác thôi thúc khó chịu do nồng độ nicotine máu giảm xuống khi không hút thuốc lá,và cảm giác dễ chịu (thư giãn, thoải mái, dễ tập trung chú ý, cởi mở) do nồng độ nicotine máu tăng cao khi hút thuốc lá. Chính nồng độ nicotine máu đã quyết định cảm xúc của người hút thuốc lá, thúc đẩy và duy trì hành vi hút thuốc lá vì thế đã hình thành nên tên gọi nghiện thực thể, nghĩa là lệ thuộc vào nồng độ chất gây nghiện là nicotine máu. Như vậy, người nghiện thuốc lá thực thể buộc lòng phải hút thuốc lá để tránh các cảm giác khó chịu khi ngưng hút thuốc lá (còn gọi là hội chứng cai nghiện thuốc lá). Cảm giác dễ chịu khi nồng độ nicotine máu tăng cao còn được gọi là củng cố dương tính, trong khi đó cảm giác khó chịu xuất hiện khi nồng độ nicotine trong máu giảm thấp, được xem là các củng cố âm tính ngăn trở hành vi hút thuốc lá bị gián đoạn.

Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện thuốc lá

Nghiện thuốc lá đặc trưng bởi các triệu chứng nhận thức, hành vi, sinh lý cưỡng bức người nghiện thuốc lá tiếp tục hút thuốc lá mặc dù đã biết hay bị nhiều tác hại liên quan đến thuốc  lá. Nghiện thuốc lá bao gồm việc sử dụng thuốc lá liên tục và thường dẫn đến dung nạp thuốc lá, hội chứng cai thuốc lá và hành vi hút thuốc lá không cưỡng lại nổi.
Nghiện thuốc lá được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn DSM-IV do hội tâm thần Hoa Kỳ đưa ra năm 1994. Cụ thể:

- Dung nạp thuốc lá thể hiện bằng 1 trong 2 dấu hiệu sau:

+ Phải hút lượng thuốc lá nhiều hơn để đạt được cùng cảm giác “phê” như cũ.

+ Hút cùng một lượng thuốc lá như cũ thì cảm giác “phê” đạt được sẽ giảm đi.

- Triệu chứng cai nghiện thuốc lá thể hiện bằng các dấu hiệu sau:

+ Cảm giác kích thích, bứt rứt, khó chịu khi không có thuốc lá hút.

+ Biến mất các cảm giác khó chịu kể trên khi hút trở lại thuốc lá.

- Hút thuốc lá lâu hơn, nhiều hơn so với dự tính.

- Mong muốn hoặc nỗ lực cai thuốc lá nhiều lần nhưng chưa thành công.

- Dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc tìm kiếm và hút thuốc lá.

- Giảm hoặc ngưng các hoạt động, thú vui khác vì dành thời gian cho hút thuốc lá.

- Tiếp tục hút thuốc lá cho dù biết hoặc thậm chí là bị các tác hại do thuốc lá gây ra.

Theo tiêu chuẩn đó, Chẩn đoán xác định nghiện thuốc lá đòi hỏi sự hiện diện ít nhất 3/7 tiêu chí liên tục ít nhất 12 tháng. Tiêu chí 1 và 2 là không bắt buộc phải hiện diện để có thể chẩn đoán nghiện thuốc lá, nghĩa là, không cần có triệu chứng dung nạp thuốc lá hay triệu chứng cai nghiện thuốc lá để xác định chẩn đoán nghiện thuốc lá.

Chẩn đoán nghiện thuốc lá thực thể đòi hỏi sự hiện diện của tiêu chí 1 và hoặc 2. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn 1 và 2, nghiện thuốc lá sẽ được phân loại là nghiện thuốc lá tâm lý hoặc nghiện thuốc lá hành vi.

MỚI - NÓNG