Thanh niên đối thoại với Bộ trưởng TN-MT

Thanh niên đối thoại với Bộ trưởng TN-MT
TPO - Nhiều câu hỏi và vấn đề đã được các đại biểu thanh niên đặt ra với tư lệnh ngành môi trường tại buổi đối thoại chiều nay 10/12.  

“Diễn đàn đối thoại tuổi trẻ xung kích bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” diễn ra tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Hà Nội) chiều ngày 10/12. Diễn đàn có sự tham dự của 125 đại biểu tham gia đại hội Đoàn lần thứ XI.

Phát biểu tại diễn đàn, anh Trần Quốc Tuấn, đại biểu Quảng Bình cho biết, sự cố môi trường biển do nhà máy Formosa xả thải, các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Bình đã cùng với người dân, chính quyền thực hiện nhiều hoạt động làm sạch biển như: huy động đoàn viên thanh niên nhặt rác trên bờ biển, tổ chức các hoạt động tuyền truyển bảo vệ môi trường biển đảo; tổ chức tuần lễ biển đảo, thả các sinh vật biển...

“Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển như thế nào? Tôi đề xuất Bộ nên có sự phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn để thực hiện các hoạt động tuyên truyền về môi trường biển đảo; đặc biệt là bảo vệ các vùng biển tránh bị ô nhiễm bởi rác thải vô cơ”, anh Tuấn đặt câu hỏi.

“Thế hệ trẻ luôn xem việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là trách nhiệm của bản thân, giữ gìn cho tương lai. Trong hoạt động của Đoàn… luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường và có nhiều cách làm hay, sáng tạo thu hút sự tham gia đông đảo ĐVTN”. 

Anh Lê Quốc Phong

Đáp lời, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng: "Sau sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền trung, quan điểm của Bộ là không hi sinh môi trường, cần thép nhưng cần có cá, cần biển sạch. 

Thực tế Bộ và T.Ư Đoàn đã thực hiện nhiều chương trình: Vì biển xanh quê hương; Ngày môi trường... với sự tham gia của ĐVTN rất hiệu quả. Tôi mong muốn các hoạt động này sẽ được triển khai và duy trì trong thời gian tới”, Bộ trưởng Hồng Hà nói.

Tại diễn đàn, chị Đào Hồng Hạnh, đại biểu Yên Bái nêu lên thực trạng diễn biến thời tiết bất thường, hiện tượng mưa bão, lũ quét, lũ ống xuất hiện ngày càng nhiều, với mức độ khốc liệt.

“Hiện tượng trên do nguyên nhân chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, và diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng.

Vậy Bộ có chính sách gì để giải quyết vấn đề trên? Và Bộ có sự phối hợp như thế nào với T.Ư Đoàn để triển khai các hoạt động bảo vệ tài nguyên đất rừng?”, chị Hạnh đặt câu hỏi.

Thanh niên đối thoại với Bộ trưởng TN-MT ảnh 1 Chị Đào Hồng Hạnh, đại biểu Yên Bái nêu thực trạng chặt phá rừng tại diễn đàn.

Bộ trưởng đồng tình với quan điểm của chị Hạnh, hiện tượng thiên tai ngày càng khốc liệt do diện tích rừng bị phá nhiều, nhiều diện tích đất từng bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bộ trưởng cũng nêu lên thực trạng quy hoạch dân cư chưa đúng, bởi nhiều vùng cư dân sống ven sông, ven suối, ở các khu vực có nguy cơ cao sạt lỡ, lũ ống khi có mưa lớn.

Để bảo vệ tài nguyên đất rừng, vị “tư lệnh” Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Quan điểm của Bộ là việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ khiến mất rừng phải phục hồi, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng”. 

Bộ trưởng cũng cho rằng: Những nỗ lực của tổ chức Đoàn và thanh thiếu niên cả nước đã góp phần quản lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông qua chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2022, Bộ TN&MT và T.Ư Đoàn, với sự nhiệt huyết của các ĐVTN sẽ làm thay đổi từ nhận thức đến hành động trong toàn cộng đồng, góp phần chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Bộ sẽ rất hoan nghênh hoan nghênh các dự án bảo vệ tài nguyên của những người trẻ.

Thanh niên đối thoại với Bộ trưởng TN-MT ảnh 2 Chị Lê Thị Ngọc Linh, đại biểu Bạc Liêu đối thoại tại diễn đàn.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng đề đạt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên cả nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long; Ô nhiễm biển ở đảo Lý Sơn;

Đề xuất các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về bảo vệ môi trường; Vinh danh những công trình, dự án của người trẻ góp phần bảo vệ môi trường; Vấn đề thực thi pháp luật bảo vệ môi trường...

Phát biểu tại diễn đàn, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn gửi lời cảm ơn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tạo điều kiện để ĐVTN, những người trẻ tiêu biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI được trao đổi, đối thoại nói lên những tâm tư, nguyện vọng của mình về vấn đề môi trường.

“Thế hệ trẻ luôn xem việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là trách nhiệm của bản thân, giữ gìn cho tương lai. Trong hoạt động của Đoàn, đặc biệt là trong mảng tỉnh nguyện luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, có nhiều cách làm hay, sáng tạo thu hút sự tham gia đông đảo đoàn viên, thanh niên”, anh Phong nói.

Theo anh Phong, qua diễn đàn này, những đại biểu sẽ hiểu rõ hơn về những chính sách của Đảng, Chính phủ về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu.

Thanh niên đối thoại với Bộ trưởng TN-MT ảnh 3 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong tặng hoa cảm ơn Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quý giá, có nhiều ý nghĩa để Đại hội Đoàn thảo luận, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đoàn lần thứ XI. “T.Ư Đoàn sẽ thực hiện tốt việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2017-2022.

Sau Đại hội sẽ triển khai Nghị quyết cụ thể hoá, có đề án cụ thể để phát huy khả năng của thanh niên trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nói.

“Thanh niên là xung kích, là lực lượng trí thức, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường tới cộng đồng. Các bạn trẻ cần sáng tạo hơn nữa trong các đề án, ý tưởng bảo vệ môi trường như: hạn chế sử dụng túi ni long, nghiên cứu, chế tạo túi từ những nguyên liệu khác. Mỗi người chịu trách nhiệm về rác thải mình thải ra”.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.  

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.